Chậm tiến độ do khách quan
Đoàn giám sát đã tập trung vào 6 vấn đề liên quan đến quy hoạch. Thứ nhất, trong hoạt động lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, về cơ bản thực hiện đúng quy định của pháp luật. Nhưng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng đến tiến độ lập quy hoạch, chậm hơn so với kế hoạch đề ra. Thứ hai, đoàn giám sát ghi nhận rất nhiều nỗ lực của địa phương, đơn vị thông qua kết quả lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý nhà nước về quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Điểm nhấn lớn là công tác quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng ngày càng đi vào nền nếp, trở thành công cụ quan trọng và không thể thiếu để quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh. Chất lượng các đồ án quy hoạch từng bước được nâng cao, thông qua hình thức thi tuyển ý tưởng quy hoạch, với sự tham gia của các chuyên gia tư vấn nước ngoài, giúp cho chính quyền quản lý xây dựng, đầu tư xây dựng được thuận lợi hơn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của địa phương ngày một cao.
Các đô thị trên địa bàn tỉnh đã có những định hướng chủ đạo làm cơ sở đầu tư xây dựng và thúc đẩy tiến trình đô thị hóa. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phát triển với tốc độ cao hơn giai đoạn trước, làm động lực phát triển đô thị ngày một mạnh mẽ hơn. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật đầu mối trên địa bàn tỉnh mặc dù vẫn còn yếu, nhưng đã tạo tiền đề cơ bản cho bước phát triển tiếp theo.
Các khu kinh tế cửa khẩu, khu du lịch, khu công nghiệp từng bước hình thành và phát triển theo hướng tích cực. Ngoài ra, 100% xã đều có quy hoạch xây dựng được phê duyệt hoàn thành tiêu chí số 1 (quy hoạch và thực hiện quy hoạch). Hiện nay, đang lập điều chỉnh quy hoạch, nhằm đáp ứng yêu cầu chuẩn nông thôn mới nâng cao giai đoạn mới.
4 đầu công việc còn lại được phối hợp thực hiện tốt, gồm: Lập và thẩm định quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng, thời kỳ 2021-2030; rà soát, ban hành danh mục quy hoạch tích hợp vào các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và điều chỉnh quy hoạch, thời kỳ 2011-2020 khi quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định/phê duyệt trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; rà soát quy hoạch hết hiệu lực theo quy định và việc ban hành chính sách thay thế trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và quản lý nhà nước về quy hoạch sử dụng đất cấp huyện theo quy định của pháp luật về đất đai trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tại UBND huyện Tri Tôn
Đề xuất tháo gỡ vướng mắc
Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh An Giang Trình Lam Sinh cho biết, năm 2022, đơn vị xây dựng chương trình giám sát với 2 nội dung được Quốc hội ủy quyền về giám sát tối cao, 2 nội dung giám sát chuyên đề. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ giám sát những vấn đề cử tri, nhân dân quan tâm, dư luận bức xúc. Qua đó, phối hợp cơ quan chức năng, chính quyền khắc phục hạn chế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Riêng đối với giám sát về công tác quy hoạch này, Đoàn ĐBQH tỉnh ghi nhận sự quan tâm lớn của các cơ quan, khi quyết liệt vào cuộc, nỗ lực lập quy hoạch cấp tỉnh. Đây là nội dung định hướng rất lớn cho sự phát triển của tỉnh suốt 10 năm, tầm nhìn đến 30 năm. Hiện nay, ngoài yếu tố dịch bệnh ảnh hưởng đến tiến độ, Luật Quy hoạch 2017 có cách tiếp cận mới hoàn toàn so với luật cũ, tích hợp quy hoạch chuyên ngành, gây lúng túng chung cho toàn quốc, không chỉ riêng An Giang.
Các đề xuất, kiến nghị của sở, ngành, địa phương, UBND tỉnh chủ yếu xoay quanh tháo gỡ vướng mắc, như: Kiến nghị Quốc hội xem xét bỏ quy định “Đối với đồ án quy hoạch chung đô thị loại II, III, IV và đô thị mới, trước khi phê duyệt phải có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng”; bổ sung thêm quy định “đối với quy mô dưới 100ha thì khu chức năng chỉ phải lập quy hoạch chi tiết để làm cơ sở cấp giấy phép xây dựng và lập dự án đầu tư xây dựng”.
Bỏ quy định cắm mốc giới đối với đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu theo Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch đô thị; xem xét chỉ quy định thông qua HĐND cấp tỉnh đối với đô thị đặc biệt và đô thị loại I, II, đối với các đô thị còn lại và điểm dân cư nông thôn chỉ thông qua HĐND cấp huyện. Kiến nghị Chính phủ sớm ban hành và triển khai Quy hoạch tổng thể quốc gia, Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...
“Những vấn đề phát sinh, tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, chúng tôi sẽ tập hợp, kiến nghị đến đoàn giám sát tối cao của Quốc hội. Qua đó, kỳ vọng tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quy hoạch theo hướng điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới, nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ để thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch” - ông Trình Lam Sinh cho biết.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 250 đồ án quy hoạch xây dựng đô thị. Trong đó có 2 đồ án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ (Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế cửa khẩu An Giang đến năm 2030; điều chỉnh Quy hoạch chung TP. Long Xuyên đến năm 2035). Dự kiến quý II-2022, An Giang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
GIA KHÁNH