Kỳ vọng nhiều cơ hội hợp tác mới giữa Việt Nam-Brazil

23/09/2023 - 20:07

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Brazil Nguyễn Lâm Thành tin tưởng và kỳ vọng sau chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhiều cơ hội, triển vọng hợp tác mới trên các lĩnh vực giữa Việt Nam-Brazil sẽ được mở ra, mang lại lợi ích thiết thực cho cả 2 nước.

Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Brazil thăm và làm việc tại Brazil vào tháng 8/2023

Đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và của Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Brazil thăm và làm việc tại Brazil vào tháng 8/2023

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có chuyến thăm chính thức Brazil từ ngày 23 – 26/9/2023. Trước thềm chuyến thăm, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Brazil Nguyễn Lâm Thành có cuộc trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về các hoạt động hợp tác song phương giữa 2 nước, trong đó có hoạt động ngoại giao nghị viện giữa Việt Nam và Brazil; sự tin tưởng và kỳ vọng về triển vọng hợp tác sau chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ.

Nhiều kết quả tốt đẹp trong ngoại giao nghị viện

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, Việt Nam và Brazil là 2 nước tuy cách nhau khá xa về địa lý song có quan hệ hợp tác hết sức hữu nghị, tốt đẹp.

Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, nhất là các đoàn cấp cao. Nổi bật về phía Việt Nam là đoàn Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (5/2007), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (11/2004), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (3/2006), Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (5/2015), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ (7/2018), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu (4/2019) và nhiều đoàn cấp cao bộ trưởng, thứ trưởng thăm Brazil. Về phía Brazil, nổi bật có đoàn Tổng thống Lula da Silva (7/2008), Chủ tịch Hạ viện Aldo Rabelo (10/2003), 3 Bộ trưởng Ngoại giao Celso Amorim (2/2008), Antônio de Águia Patriota (7/2012), Mauro Luiz Vieira (7/2015); Bộ trưởng Nông nghiệp, Chăn nuôi và Cung ứng Teresa Cristina Correa (5/2019).

Hai nước đã thiết lập các cơ chế hợp tác là: Ủy ban Hỗn hợp Việt Nam-Brazil và tham khảo Chính trị giữa 2 Bộ Ngoại giao.

Thương mại 2 chiều Việt Nam - Brazil đạt kỷ lục 6,78 tỷ USD trong năm 2022 và chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,3 tỷ USD.

Trong hoạt động ngoại giao nghị viện, 2 bên cũng có các hoạt động trao đổi, hợp tác. Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành chia sẻ, gần đây nhất, cá nhân ông dẫn đầu đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Brazil thăm và làm việc tại Brazil vào tháng 8/2023 vừa qua. Chuyến thăm và làm việc góp phần thúc đẩy hoạt động hợp tác nghị viện/nhóm nghị sĩ hữu nghị 2 nước; tìm hiểu về thể chế, pháp luật và chính sách của các nước đối với các dân tộc thiểu số và dân tộc bản địa; trao đổi một số vấn đề quan trọng khác nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động trao đổi, giao lưu chính trị, kinh tế, văn hóa giữa Việt Nam với Brazil.

Trong chuyến công tác này, Đoàn công tác đã làm việc với Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền, Dân tộc thiểu số và Bình đẳng chủng tộc tại Hạ viện Luzianne Lins; Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Brazil - Việt Nam Marcio Honaiser; chính quyền quận liên bang Brasilia và bang São Paulo.

Tại các cuộc giao lưu, tiếp xúc, 2 bên đã trao đổi và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Việt Nam với Ủy ban Nhân quyền, Dân tộc thiểu số và Bình đẳng chủng tộc tại Hạ viện Brazil trong các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền và lợi ích của cộng đồng dân tộc thiểu số dễ bị tổn thương.

Tại phiên làm việc giữa 2 nhóm nghị sĩ hữu nghị, 2 bên đồng thuận cam kết sẽ đóng vai trò nòng cốt trong thúc đẩy việc hợp tác giữa Quốc hội 2 nước, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ 2 nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, giao lưu nhân dân, đặc biệt là ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

"Đáng chú ý, phía Brazil đưa ra sáng kiến hợp tác với Việt Nam (Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên) cùng xây dựng thương hiệu cà phê chung của 2 nước để chiếm lĩnh thị trường cà phê thế giới", ông Nguyễn Lâm Thành thông tin.

Thúc đẩy hợp tác với Brazil, mở rộng thị trường Mỹ Latin

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Bzazil Nguyễn Lâm Thành

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam - Bzazil Nguyễn Lâm Thành

Trên nền tảng quan hệ hợp tác hữu nghị tốt đẹp giữa 2 nước, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành mong muốn, 2 bên tiếp tục thúc đẩy tăng cường trao đổi đoàn qua các kênh Quốc hội, Chính phủ.

Bên cạnh việc cử các đoàn Nhà nước, cần cử các đoàn doanh nghiệp sang nghiên cứu, hợp tác tại Brazil, qua đó mở rộng thị trường Mỹ Latin bởi đây là thị trường được đánh giá con người thân thiện, có tình cảm ủng hộ Việt Nam, không quá khắt khe về thủ tục pháp lý kinh doanh, thương mại, là thị trường mới có nhiều tiềm năng hợp tác, dân số đông, tài nguyên lớn, mức chi tiêu của người dân cao.

Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng chỉ đạo nghiên cứu, đánh giá, rà soát các thỏa thuận hợp tác nhằm tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư trên cơ sở thế mạnh mỗi nước; thúc đẩy giao lưu văn hóa, kết hợp kinh tế, du lịch, thông qua đó để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh của Việt Nam.

Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội sẽ tiếp tục duy trì, phát triển quan hệ, trao đổi kinh nghiệm lập pháp, xây dựng chính sách và tổ chức thực hiện công tác dân tộc, tôn giáo, trong đó vai trò nhóm nghị sĩ hữu nghị cần xác định là cầu nối, nòng cốt để thúc đẩy quan hệ giữa Quốc hội 2 nước.

Nhấn mạnh, chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa hết sức quan trọng, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng sâu sắc sau chuyến thăm chính thức Brazil của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, nhiều cơ hội, triển vọng hợp tác mới trên các lĩnh vực giữa Việt Nam-Brazil sẽ được mở ra, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư, mang lại lợi ích thiết thực cho cả 2 nước.

Kinh tế Bzazil là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh và hiện quy mô lớn thứ chín trên thế giới. Cải cách kinh tế đã đem lại cho đất nước sự công nhận vị thế mới trên trường quốc tế và khu vực. Brazil là thành viên sáng lập của Liên Hợp Quốc, G20, CPLP, Liên minh Latin, Tổ chức các bang Ibero-Mỹ, Mercosul và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ và là một trong bốn nước BRIC.

Brazil giữ vai trò đầu tàu về kinh tế, chính trị và cửa ngõ quan trọng thúc đẩy quan hệ kinh tế đối với khu vực Mỹ Latin.

Theo THU CÚC (Báo Chính Phủ)