Kỳ vọng trung tâm đầu mối lúa gạo, thủy sản, trái cây

24/11/2023 - 07:09

 - Nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang cùng với Đồng Tháp là 2 tỉnh được hưởng lợi lớn nhất khi được sông Tiền, sông Hậu cung cấp nước ngọt quanh năm. Trong định hướng của Bộ Chính trị và Chính phủ, đều đặt yêu cầu xây dựng An Giang, Đồng Tháp thành trung tâm đầu mối lúa gạo, thủy sản, trái cây vùng sinh thái nước ngọt. Gợi mở của Trung ương là cơ hội lớn để An Giang bứt phá, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Đặc hữu cá tra

An Giang được xem là cái nôi của nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra, từng trải qua những thời kỳ “vàng son” với loài cá đặc hữu dòng Mekong này. Cá tra như món quà quý mà thiên nhiên ban tặng cho ĐBSCL, nhất là các tỉnh đầu nguồn. Loài cá da trơn có nhiều giá trị dinh dưỡng này có thể nuôi quanh năm với năng suất cao, chất lượng tốt, sản phẩm từ cá tra được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng. Tuy nhiên, xuất khẩu cá tra có những giai đoạn trầm lắng, rớt giá, doanh nghiệp (DN) thua lỗ, người nuôi “treo ao”, mà nguyên nhân chính là do nhiều DN xuất khẩu thủy sản cạnh tranh không lành mạnh, tự hạ giá thấp để giành giật đơn hàng; không đảm bảo chất lượng sản phẩm, vi phạm hợp đồng, ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh cá tra Việt Nam.

Nhận thấy yêu cầu liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị cá tra là tất yếu, An Giang tập trung phát triển ngành hàng cá tra theo hướng bền vững, được các DN hưởng ứng. Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt (Navico) Doãn Tới cho biết, DN được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), UBND tỉnh An Giang chọn tham gia Chương trình giống cá tra 3 cấp. Đây là một vinh dự lớn nhằm hiện thức hóa giấc mơ của tỉnh, xây dựng An Giang thành trung tâm nông nghiệp của vùng ĐBSCL. Đồng hành cùng tỉnh, Nam Việt đã khởi công Dự án vùng nuôi cá tra công nghệ cao tại xã Bình Phú (huyện Châu Phú) vào đầu tháng 1/2019, tổng vốn đầu tư 4.000 tỷ đồng. “Trong dự án này, chúng tôi khép kín cả 2 khâu sản xuất cá tra giống và cá tra thịt bằng công nghệ cao” - ông Doãn Tới thông tin.

Cá tra sản xuất theo quy trình công nghệ cao của Nam Việt đã xuất khẩu sang thị trường Liên minh Châu Âu (EU), Nam Mỹ, ASEAN, Trung Quốc và Trung Đông. Bốn nhà máy chế biến cá tra của công ty (Nam Việt, Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương) cung cấp sản phẩm ổn định, đạt kim ngạch xuất khẩu gần 200 triệu USD/năm. Nam Việt còn có nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, nhà máy chế biến bột cá, dầu cá… Trong chiến lược sắp tới, thông qua khép kín quy trình sản xuất, Navico sẽ đi sâu nghiên cứu sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng từ cá tra; đẩy mạnh sản xuất con giống cá tra chất lượng cao, tiếp tục đưa ra thị trường sản phẩm cá tra nuôi bằng công nghệ cao để phục vụ người tiêu dùng thế giới.

Trung tâm giống chất lượng

Mặc dù xuất khẩu cá tra thời gian qua có những khó khăn nhất định, nhưng theo các chuyên gia kinh tế, cá tra Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng, dư địa phát triển bởi tiêu chí “ngon, bổ, giá hợp lý”, đáp ứng nhu cầu thực phẩm tăng cao của thế giới. Những tháng gần đây, xuất khẩu cá tra có dấu hiệu phục hồi tốt, nhu cầu thả nuôi tăng trở lại, đòi hỏi phải có nguồn giống đảm bảo chất lượng cao. An Giang được Bộ NN&PTNT hỗ trợ triển khai đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”, tỉnh đang tập trung triển khai tốt nhằm hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm giống cá tra của vùng.

Tham gia tham gia Chương trình giống cá tra 3 cấp của tỉnh, ông Võ Minh Khôi (Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần Cá tra Việt Úc An Giang) cho biết, đến cuối năm 2023, Việt Úc đã chọn tạo cá tra bố mẹ đến thế hệ G3, với các đặc tính vượt trội so với cá tra ngoài thiên nhiên, mức tăng trưởng nhanh hơn 20,7% so với cá tra chưa cải tạo di truyền. DN vừa chọn tạo giống, vừa chuẩn hóa quy trình sản xuất cá giống, tăng tỷ lệ sống và cải thiện chất lượng thịt qua từng thế hệ, vượt trội hơn con giống trước đó. Việt Úc đã không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, từ 18 nhà màng (2016) lên 37 nhà màng (2023), trong đó có 1 nhà màng rộng đến 10.000m2. Mục tiêu xây dựng nhà màng là để theo dõi, chọn tạo đàn cá bố mẹ. Bằng công nghệ di truyền phân tử, phân tích được con cá bố mẹ nào mang đoạn gen mình cần (tăng trưởng nhanh) để từ đó tiếp tục nuôi dưỡng, sàng lọc. Mỗi thế hệ phải theo dõi thực hiện trong 3 năm.

Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL” đang thu hút được nhiều DN tham gia liên kết, hình thành các mô hình kinh tế tập thể ở cơ sở. Điển hình như Chi hội Nghề nuôi thủy sản Phú Thuận (huyện Thoại Sơn), chuyển đổi từ nuôi tôm càng xanh sang nuôi cá tra giống. Chi hội trưởng Trần Vũ Em cho biết, hiện có 10 hội viên tham gia sản xuất trên diện tích 45ha. Khi ký hợp tác liên kết tiêu thụ giống cá tra với Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (từ tháng 8/2023) theo đề án, DN bao tiêu đầu ra cho các hộ ương dưỡng với giá linh hoạt theo thị trường; hỗ trợ thêm 4.000 đồng/kg khi tiêm vaccine phòng bệnh. “Chi hội đã bán được 4 đợt cá giống cho công ty. Qua đánh giá, con giống được tiêm vaccine giảm tỷ lệ hao hụt còn khoảng 10%, trong khi cá không tiêm vaccine hao hụt đến 50%, hiệu quả thấy rõ” - ông Vũ Em phấn khởi.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang Trần Anh Dũng cho biết, năm 2023, diện tích thu hoạch thủy sản của tỉnh khoảng 3.331ha, tăng 7,9% so năm 2022 (riêng diện tích thu hoạch cá tra khoảng 1.504ha, tăng 12,9%). Tổng sản lượng thủy sản nuôi trồng năm 2023 gần 657.000 tấn, tăng 6,62% (sản lượng cá tra khoảng 593.000 tấn); lượng con giống sản xuất ước đạt 3,8 tỷ con (con giống cá tra khoảng 1,8 tỷ con).

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA) Lê Trung Dũng, mặc dù tình hình sản xuất - kinh doanh thủy sản năm nay còn nhiều khó khăn nhưng tiềm năng của ngành thủy sản là rất lớn. Năm 2024, AFA tập trung vận động hội viên sản xuất gắn với thị trường và DN xuất khẩu; triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng con giống bố mẹ; cải thiện chất lượng, quy trình nuôi cá tra; đẩy mạnh phát triển các đối tượng thủy sản tiềm năng có giá trị kinh tế nhằm khai thác tốt thị trường nội địa và thị trường Campuchia…

Nâng cao giá trị lúa gạo

Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 2/4/2022 của của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030, xây dựng vùng ĐBSCL trở thành vùng đất hiện đại, sinh thái, văn minh, phát triển nhanh, bền vững, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước; là trung tâm kinh tế nông nghiệp xanh, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của quốc gia, khu vực và thế giới. Trong đó, An Giang và Kiên Giang giữ vai trò đặc biệt trong xây dựng vùng trồng lúa chất lượng cao, tăng trưởng xanh, phát thải thấp của ĐBSCL và cả nước.

Nếu như Kiên Giang tăng sản lượng lúa dựa trên diện tích lớn thì An Giang có lợi thế tăng vụ trên cùng một đơn vị diện tích. Nhờ nguồn nước ngọt tự nhiên, ít chịu tác động hạn hán và hầu như không bị nước mặn xâm nhập, An Giang có thể canh tác lúa quanh năm với năng suất cao, chất lượng tốt. Điều kiện sản xuất tập trung giúp tỉnh xây dựng được vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, thu hút được nhiều DN tham gia liên kết, lớn nhất là Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời (Tập đoàn Lộc Trời). Dự kiến, năm 2024, Lộc Trời tham gia liên kết 139.000ha, năm 2025 là 257.000ha, năm 2026 là 285.105ha, năm 2027 là 317.117ha, năm 2028 là 352.374ha, năm 2029 là 391.560ha, năm 2030 là 423.700ha.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) An Giang Nguyễn  Văn Hiền cho biết, năm 2024, có 10 huyện, thị xã, thành phố đăng ký tham gia sản xuất lúa được chi trả tín chỉ carbon, với diện tích 49.861ha, gồm: Vụ đông xuân 20.609ha, hè thu 30.615ha và thu đông 49.861ha (TP. Long Xuyên chưa tham gia). Trong khi đó, tổng diện tích của tỉnh An Giang đăng ký tham gia đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL” cũng chiếm diện tích lớn, dự kiến năm 2025 là 103.668ha, năm 2026 là 113.531ha, năm 2027 là 123.394ha, năm 2028 là 133.258ha, năm 2029 là 143.121ha, năm 2030 là 152.985ha. Trong đó, Tập đoàn Lộc Trời tham gia tích cực bằng cách cùng xây dựng HTX, chi hội nông dân nghề nghiệp.

“Đến nay, An Giang có 1.099 tổ hợp tác, 267 câu lạc bộ nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, 173 chi tổ hội nghề nghiệp, 217 HTX nông nghiệp. Từ năm 2019 đến nay, Hội Nông dân tỉnh phối hợp các sở, ngành và Tập đoàn Lộc Trời thành lập gần 50 HTX, trong đó Lộc Trời tham gia 20% vốn điều lệ và nhân sự điều hành. Những mô hình liên kết "rải vụ 123", "mặt ruộng không dấu chân" do Tập đoàn Lộc Trời triển khai đạt hiệu quả cao, phù hợp canh tác nông nghiệp hiện đại. Trong ký kết hợp tác với tỉnh giai đoạn 2024 - 2030, Tập đoàn Lộc Trời liên kết xây dựng vùng nguyên liệu trên 400.000ha, cùng thành lập HTX và các chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp liên kết. Chúng tôi xác định, diện tích liên kết đến đâu sẽ đưa nông dân tham gia đến đó, cùng xây dựng chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo bền vững” - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh An Giang Nguyễn Văn Nhiên thông tin.

Phát huy tiềm năng, lợi thế

Cùng với các sản phẩm chủ lực (lúa gạo, cá tra), An Giang đang phát triển nhanh diện tích cây ăn trái. Tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025, hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung với diện tích trên 10.000ha, bao gồm xoài, chuối cấy mô, sầu riêng, nhãn, cây có múi (cam, chanh, quýt, bưởi), tập trung trên địa bàn các huyện Chợ Mới, Tri Tôn, An Phú, TX. Tịnh Biên…

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai, diện tích cây ăn trái của tỉnh tăng nhanh những năm gần đây. Theo Chi cục TT&BVTV An Giang, đến nay, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh đạt hơn 20.000ha, chủ lực vẫn là xoài, chuối, mít, cây có múi, nhãn, sầu riêng… Tổng sản lượng hàng năm từ 300.000 - 320.000 tấn, đóng góp rất lớn vào tăng trưởng của lĩnh vực trồng trọt. Trong đó, diện tích xoài đạt 12.416ha, chuối 655ha, nhãn 515ha, cây có múi 1.583ha, mít 1.967ha, sầu riêng 693ha. Năm 2023, tổng sản lượng cây ăn trái các loại đạt khoảng 310.000 tấn (xoài 240.000 tấn, chuối 20.900 tấn, mít 11.000 tấn, cam, quýt 5.920 tấn, bưởi 2.875 tấn, sầu riêng 5.000 tấn), thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc, một số xuất sang Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU... còn lại là tiêu thụ nội địa.

Hiện có 14 DN tham gia liên kết tiêu thụ. Tỉnh đang tập trung cấp mã số vùng trồng, tiếp tục mời gọi các DN liên kết xây dựng vùng nguyên liệu cây ăn trái, đưa trái cây trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, mang lại giá trị kinh tế cao của tỉnh.

Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Sĩ Lâm cho biết, trong nỗ lực xây dựng An Giang thành trung tâm đầu mối gắn với vùng nguyên liệu lúa, trái cây, thủy sản nước ngọt, tỉnh tiếp tục cơ cấu lại diện tích sản xuất lúa hợp lý, quy hoạch vùng trồng lúa, nếp tập trung với quy mô lớn, đặc biệt gắn với Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao. Giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi sang trồng rau, màu, cây ăn trái là 34.081ha (nhóm rau dưa các loại là 7.108ha; nhóm cây màu 12.764ha; nhóm cây ăn trái 14.209ha).

NGÔ CHUẨN - MINH HIỂN - ĐỨC TOÀN