Làm gì với 2.000 đồng?

27/05/2022 - 05:56

 - Đó là thắc mắc của số đông. Tuy nhiên, không gì là không thể. Với số tiền ấy, lao động nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn sẽ có một bữa ăn no lòng, đầy dinh dưỡng ngay tại trung tâm đô thị TP. Long Xuyên.

Nguyễn Thị Thanh Thuận (Bí thư Chi đoàn khóm Bình Long 3, phường Mỹ Bình) cùng các chi đoàn trực thuộc Đoàn khoa Sư phạm (Trường Đại học An Giang) triển khai mô hình “Hộp cơm 2.000 đồng” ngay tại nơi cư ngụ của mình. “Thực ra, nếu mình nói “cho không” thì được bao nhiêu người đến nhận? Dù hoàn cảnh khó khăn, không ít người chịu nhận như vậy, vì ai cũng có lòng tự trọng. Thôi thì tụi mình lấy tượng trưng 2.000 đồng. Vậy mà, có đông người tìm mua! Cứ giúp họ thế trước đi đã, rồi từ từ sẽ tìm cách vận động thêm nhiều nguồn để tăng thêm số lượng và ngày phục vụ” - Thanh Thuận chia sẻ.    

Hay tin này, bà Nguyễn Thị Sang (sinh năm 1962, ngụ phường Bình Khánh) bộc bạch: “Chữ nghĩa không nhiều, nên chỉ  mua, bán ve chai để tạo thu nhập cho cuộc sống gia đình mấy chục năm nay. Trong thời gian chịu cảnh dịch bệnh hoành hành, cuộc sống gia đình gặp không ít khó khăn. Mỗi ngày, tôi phải tính toán, tiết kiệm tối đa mới đủ trang trải sinh hoạt gia đình. Khi nghe mọi người nói ở đây có “bán” cơm ăn ngon mà chỉ 2.000 đồng, tôi đến tìm hiểu. Nhìn thấy hộp cơm, tôi rất vui mừng. Làm gì có ai bán hộp cơm như vậy giá 2.000 đồng!”.

Các đoàn viên phối hợp thực hiện mô hình

Mỗi hộp cơm đầy đủ thịt, cá, rau, củ giá 2.000 đồng cho người dân lao động khó khăn, làm thuê, sinh viên, học sinh… trên địa bàn TP. Long Xuyên, vào 10 giờ sáng thứ 7 hàng tuần. Mô hình thể hiện sự sẻ chia, “Tương thân, tương ái” với mọi người xung quanh sau 2 năm bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, “Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình” từ những đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) nhiệt huyết. Trong hộp cơm 2.000 đồng, chất chứa tình cảm yêu thương dành cho nhau, như dành cho người thân.

Bám nghề chạy xe lôi đạp, mấy chục năm qua, chú Quách Văn Rích (ngụ phường Mỹ Hòa) ăn uống chưa lúc nào cảm thấy ngon miệng, vì tiền dành dụm phải “đầu tư” cho đứa cháu ngoại ăn học. Khi có người quen chỉ nơi bán cơm 2.000 đồng, chú Rích vui lắm: “Tuy cơm chỉ bán buổi sáng thứ 7, nhưng người lao động như tôi có được bữa ăn ngon như cơm phần mấy chục ngàn đồng. Tôi rất hy vọng “quán” tăng thêm ngày bán để chúng tôi cải thiện bữa ăn tốt hơn…”.

Để ước mơ của chú Rích trở thành hiện thực, tạo nên một mô hình phát triển mạnh, tồn tại dài lâu, không chỉ một vài cá nhân có thể làm nên, cần sự ủng hộ, chung lòng của các cấp lãnh đạo địa phương. “Với mong muốn được giúp đỡ người đang vất vả mưu sinh trong xã hội, đặc biệt tại địa bàn phường Mỹ Bình và TP. Long Xuyên, Phường đoàn chủ động phối hợp cùng tổ chức đoàn thể, ban, ngành, nhà hảo tâm xây dựng nhiều hoạt động vì cộng đồng.

Trong đó, mô hình “Hộp cơm 2.000 đồng” là điểm nhấn, khi giúp được người khó khăn, cơ nhỡ có những bữa ăn ngon, đầy đủ chất dinh dưỡng, đảm bảo tốt vệ sinh an toàn thực phẩm. Để mô hình được hoạt động ổn định, lãnh đạo phường chung tay đóng góp hỗ trợ một phần. Đồng thời, tích cực vận động nhà hảo tâm, đơn vị, tổ chức góp sức” - Phó Bí thư Đảng ủy phường Mỹ Bình Phan Hoàng Phát Đạt cho biết.

Hộp cơm 2.000 đồng được trao cho lao động nghèo

Để có được hộp cơm ngon, giá cả phù hợp với nguồn tài chính, các ĐVTN tham gia mô hình bỏ không ít công sức. Từ sáng sớm, các bạn đi nhiều chợ để lựa chọn thực phẩm mang về chế biến. Thanh Thuận chia sẻ: “Mỗi hộp cơm đều có đủ 3 món (canh, mặn, xào). Ngày đầu chúng tôi phục vụ được 50 suất cơm, ngày thứ 2 tăng hơn 70 suất, kinh phí tăng theo. Mong rằng trong thời gian tới, mô hình được hỗ trợ nhiều hơn nữa, để có thêm nhiều suất ăn và thời gian phục vụ, chứ không chỉ riêng ngày thứ 7”.

Ngoài ĐVTN và hội viên hội phụ nữ phường, còn có lực lượng sinh viên tham gia mô hình. Nguyễn Thị Anh Thư (sinh viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang) phấn khởi chia sẻ: “Lần đầu tiên được tham gia mô hình, tôi rất vui mừng, cảm thấy đây là hoạt động rất ý nghĩa đối với thanh niên. Chúng tôi có cơ hội đóng góp một phần công sức, chung tay chăm lo cho bà con lao động nghèo, khó khăn. Ngoài góp công, sinh viên của khoa đóng góp chút kinh phí. Hy vọng rằng, sẽ có thêm nhiều nhà tài trợ hơn nữa, để mô hình được duy trì dài lâu…”.

Sau hơn 1 tháng hoạt động, bình quân từ 50-75 suất, kinh phí dao động từ 600.000 đồng, mô hình “Hộp cơm 2.000 đồng” của Chi đoàn khóm Bình Long 3 tạo được hiệu ứng tốt trong xã hội, thể hiện sự nhiệt huyết của những ĐVTN làm theo lời Bác.

NGUYỄN HƯNG