Làm sao để thích ứng lâu dài với dịch bệnh?

28/09/2021 - 04:22

 - Khi xác định không thể tiêu diệt hoàn toàn virus SARS-CoV-2, chúng ta phải tập thích nghi và thích ứng lâu dài với dịch bệnh COVID-19. Trong đó, tăng độ bao phủ vaccine, hướng dẫn người dân tự tăng sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe, tự xét nghiệm, cách ly và điều trị tại nhà; từng bước phục hồi sản xuất - kinh doanh, xây dựng cuộc sống bình thường mới ở những vùng kiểm soát tốt dịch bệnh là giải pháp lâu dài.

Tăng tính tự bảo vệ của người dân

Chị Ngô Hoàng Oanh quê ở An Giang, hiện đang sinh sống tại phường 6, quận 3 (TP. Hồ Chí Minh). Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần này là một ký ức khó quên với gia đình chị. “Giữa tháng 8-2021, thực hiện chiến lược tầm soát COVID-19 của TP. Hồ Chí Minh, gia đình tôi được Trạm Y tế lưu động phường 6 cấp phát 4 bộ kit test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 và hướng dẫn tự test tại nhà.

Kết quả, 2 vợ chồng với đứa con nhỏ âm tính, còn cậu con trai 10 tuổi dương tính với SARS-CoV-2 nhưng chỉ bị cảm nhẹ. Khi thông báo về ca nhiễm, Trạm Y tế lưu động phường 6 hướng dẫn gia đình cách ly cậu con trai trong phòng riêng và cấp túi thuốc “màu xanh” để tự điều trị tại nhà. Sau 5 ngày tự cách ly điều trị, kết hợp uống thuốc đúng liều, bổ sung dinh dưỡng, tăng cường uống nước cam, cậu con trai đã cho kết quả xét nghiệm âm tính 3 lần liên tiếp, được Trung tâm Y tế quận 3 công bố khỏi bệnh, gia đình thở phào nhẹ nhõm” - chị Oanh nhớ lại.

Việc áp dụng cách ly tại nhà, phân thành 3 tầng điều trị COVID-19 đã giúp TP. Hồ Chí Minh giảm tải đáng kể ở các khu cách ly tập trung, bệnh viện tuyến trên. Đối với tầng 1 trong “tháp 3 tầng”, TP. Hồ Chí Minh triển khai gói chăm sóc sức khỏe tại nhà, kết hợp với các điều kiện đảm bảo an sinh cho F0. Đối với trường hợp F0 không triệu chứng, có bệnh nền hoặc bệnh nền ổn định, TP. Hồ Chí Minh chủ yếu áp dụng cách ly, điều trị tại nhà; trường hợp điều trị tại nhà không đảm bảo thì mới đưa vào thu dung, điều trị tại cơ sở cách ly tập trung. Đối với tầng 2, tầng 3, dành cho F0 cấp cứu, bệnh nặng đến rất nặng, nguy kịch. Tương tự, đối với F1, TP. Hồ Chí Minh cũng chủ yếu hướng dẫn người dân tự cách ly tại nhà, tự test kiểm tra, tầm soát COVID-19.

Dần mở các hoạt động theo hướng an toàn để thích ứng với dịch bệnh

Việc áp dụng cách ly F1, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà cho thấy hiệu quả bước đầu khi vừa giảm tải cho các cơ sở cách ly tập trung và bệnh viện, vừa tạo tâm lý thoải mái cho người dân, đồng thời giảm gánh nặng chi phí về nguồn nhân lực, trang thiết bị, tránh nguy cơ lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung.

“Tôi đi từ tỉnh Đồng Tháp về An Giang, theo quy định phải cách ly. Do tôi đang có bầu, nhà có con nhỏ, cơ quan phân công phải làm việc trực tuyến nên tôi đề nghị được cách ly tại nhà. Sau khi cán bộ y tế xuống khảo sát, thấy nhà ở đảm bảo điều kiện cách ly nên đồng ý cho cách ly tại nhà, định kỳ xuống lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. Được cách ly tại nhà, ăn uống, sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi đều thuận tiện. Nếu phải cách ly tập trung, chắc sẽ gặp nhiều khó khăn” - chị N.T.T. (công chức đang công tác tại một cơ quan nhà nước cấp tỉnh, có nhà ở TP. Long Xuyên) chia sẻ.

Thích ứng lâu dài

Đầu tháng 9-2021, trong chuyến khảo sát về công tác khoanh vùng, dập dịch ở An Giang, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm hay trong phòng, chống dịch COVID-19. Theo Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, khi xác định các trường hợp có liên quan đến F0, không nên truy vết, phong tỏa quá rộng, gây lãng phí nhân lực và kinh phí. Lực lượng chức năng cần khai thác thông tin cụ thể, chính xác đối tượng tiếp xúc gần, thời gian tiếp xúc để thu hẹp F0, thu hẹp vùng phong tỏa và đối tượng xét nghiệm. Đối với các trường hợp F1, khả năng bị lây nhiễm cao khi tiếp xúc với F0 không có biện pháp bảo hộ, đứng cách nhau chưa tới 2m và tiếp xúc quá 15 phút, trong vòng 2 ngày trở lại. Đối với những trường hợp tiếp xúc trên 2m, có đầy đủ bảo hộ, trò chuyện không quá 15 phút thì tỷ lệ lây nhiễm rất thấp, thậm chí bằng 0.

“Những trường hợp F1 nguy cơ thấp có thể cách ly y tế tại nhà khi đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ Y tế. Đối với những trường hợp F0 không triệu chứng, có chỉ số CT>33, khả năng lây nhiễm thấp, có thể cách ly điều trị tại nhà đối với những trường hợp cơ sở vật chất đảm bảo đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Qua đó, giảm tải cho cơ sở y tế thu dung điều trị và khu cách ly tập trung” - đại diện Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đề xuất.

TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho rằng, COVID-19 đang hiện hữu như mưa gió, bão, lũ và các hiện tượng tự nhiên khác, đã đến lúc chúng ta phải chấp nhận thích ứng với nó. Theo chuyên gia này, dù dịch COVID-19 có tốc độ lây lan nhanh nhưng không quá đáng sợ khi cứ 100 người nhiễm virus thì có đến 80 người tự nhiễm và tự khỏi (có nghiên cứu còn chỉ ra rằng, đối với biến chủng Delta, số người tự nhiễm và tự khỏi có thể lên đến 90%). “Gần như cả thế giới chấp nhận chung sống với COVID thì đất nước hội nhập sâu với thế giới như Việt Nam sẽ không thể có lựa chọn khác” - TS Dũng đánh giá.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần khẳng định, chúng ta cần phải mau chóng thích ứng để thích nghi lâu dài với dịch bệnh COVID-19. “Thích ứng” ở đây là có nghĩa là thích nghi, giảm thiểu tối đa tác hại của dịch bệnh COVID-19 và dần biến nó trở thành loại cúm mùa thông thường. Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, mặc dù sẽ có đến 80% số người đủ sức đề kháng để chiến thắng COVID-19 một cách dễ dàng nhưng với tỷ lệ 20% người phát bệnh cũng là quá lớn, khi mà Việt Nam có gần 100 triệu người. Để thích ứng với COVID-19, trước hết, phải tập trung nâng cao sức đề kháng cho 20 triệu người có nguy cơ phát bệnh, mà một trong những giải pháp quan trọng nhất là tiêm chủng. Tiếp theo, phải tìm cách giảm tải nhanh chóng cho hệ thống y tế bằng cách áp dụng cách ly tại nhà với F1 ít nguy cơ và điều trị tại nhà với F0 không triệu chứng. Bên cạnh đó, hạn chế áp dụng các biện pháp cực đoan trong phòng, chống dịch, dần phục hồi kinh tế, ổn định đời sống nhân dân...

Trong những buổi làm việc với các huyện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh An Giang Lê Hồng Quang lưu ý, bên cạnh thực hiện tốt thông điệp “5K” của Bộ Y tế, cần hướng dẫn người dân thực hiện thêm “1K” là kháng thể bằng cách tự rèn luyện thể dục - thể thao, tăng cường thực phẩm, dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, tận dụng kinh nghiệm, bài thuốc y học cổ truyền… nhằm tăng sức đề kháng, thích ứng tốt hơn với dịch bệnh COVID-19

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích