Làm thế nào điểm đến Việt Nam sớm trở thành phim trường của thế giới?

27/09/2024 - 08:21

Giá cả phải chăng và nhiều điểm đến hấp dẫn khiến Việt Nam trở thành địa điểm dễ thu hút các dự án phim. Tuy nhiên, vẫn cần có cơ chế tốt hơn để khuyến khích các nhà làm phim quốc tế tìm đến.

Dấu ấn sông nước miền Tây xuất hiện ấn tượng trong "Người tình." Bộ phim khởi quay tại Việt Nam năm 1986, hoàn thành năm 1990 và ra mắt chính thức năm 1992.

Dấu ấn sông nước miền Tây xuất hiện ấn tượng trong "Người tình." Bộ phim khởi quay tại Việt Nam năm 1986, hoàn thành năm 1990 và ra mắt chính thức năm 1992.

Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Mỹ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới” vừa chính thức diễn ra tại thành phố Los Angeles, bang California.

Đặc biệt, điểm nhấn chính của chương trình là hội thảo giới thiệu tiềm năng du lịch và điện ảnh Việt Nam với hơn 500 khách mời là các nhà sản xuất, giám đốc các hãng phim, đạo diễn, giám đốc bối cảnh phim, diễn viên Hollywood; các đối tác của doanh nghiệp du lịch, điện ảnh Việt Nam tại Mỹ; đại diện các hãng thông tấn, cơ quan báo chí Việt Nam và Mỹ…

Cũng tại chương trình, các nhà sản xuất phim, đạo diễn nổi tiếng đã chia sẻ về những kỷ niệm của họ khi tới làm phim ở Việt Nam cũng như có nhiều đề xuất để Việt Nam sớm trở thành phim trường của thế giới.

Cơ hội hợp tác mới cho du lịch – điện ảnh

Hội thảo giới thiệu tiềm năng du lịch và điện ảnh Việt Nam không chỉ quảng bá vẻ đẹp Việt Nam, những thước phim đẹp đã quay tại Việt Nam, mà còn giới thiệu cơ chế, chính sách của Việt Nam tạo thuận lợi cho nhà làm phim quốc tế; các cam kết hỗ trợ, ưu đãi cụ thể của từng địa phương, doanh nghiệp để thu hút các nhà làm phim Hollywood.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho biết: “Chương trình Xúc tiến Du lịch - Điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ được tổ chức nhằm giới thiệu, quảng bá điểm đến du lịch, tiềm năng bối cảnh quay phim, thu hút các hãng phim Hollywood đến Việt Nam thực hiện quay các bộ phim có sức hút lớn, có khả năng tạo hiệu ứng truyền thông quốc tế, thúc đẩy quảng bá và thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Chương trình này cũng góp phần cụ thể hóa và làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam-Mỹ.”

z5870999052078_496ef1df3a0cd4943be00ad53366eb59.jpg

Khách tham quan gian hàng giới thiệu điểm đến Việt Nam. (Ảnh: Bộ VHTTDL)

“Tôi rất vui khi được nói chuyện với các quý vị hôm nay về một cơ hội độc đáo và thú vị: Triển vọng Việt Nam trở thành điểm đến hàng đầu cho các tác phẩm điện ảnh của Hoa Kỳ”, Thứ trưởng Hồ An Phong phát biểu tại chương trình.

Trong thời đại mà nghệ thuật kể chuyện đang trở nên phổ biến trên toàn cầu, sự hợp tác giữa các hãng phim Việt Nam và Mỹ mang lại tiềm năng vô hạn. Bên cạnh đó, phong cảnh phong phú, đa dạng của Việt Nam tạo nên bối cảnh chất lượng, vừa quyến rũ, vừa độc đáo cho các nhà làm phim, từ những khu rừng rậm rạp và bờ biển tuyệt đẹp đến những thành phố sôi động giàu bản sắc văn hóa và lịch sử.

“Hãy tưởng tượng bộ phim của bạn lấy bối cảnh là vẻ đẹp thiên nhiên của Vịnh Hạ Long, nét quyến rũ cổ kính của Hội An hay năng lượng hiện đại của Thành phố Hồ Chí Minh. Chúng tôi cung cấp nhiều bối cảnh đa dạng có thể thổi hồn vào câu chuyện của các bạn. Nhưng không chỉ có phong cảnh. Đất nước chúng tôi là nơi có đội ngũ sáng tạo tài năng và đang phát triển trong ngành công nghiệp điện ảnh.” Thứ trưởng Hồ Anh Phong nhấn mạnh.

Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Việt Nam hiện có những chuyên gia sẵn sàng hợp tác trong các tác phẩm điện ảnh quốc tế, trên mọi lĩnh vực, từ thiết kế sản xuất đến hậu kỳ. Giá cả phải chăng và cơ sở hạ tầng hỗ trợ của Việt Nam khiến nơi đây trở thành địa điểm tiết kiệm chi phí nhưng vẫn chất lượng cao cho các dự án phim.

Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết: “Chúng tôi đang nỗ lực đơn giản hóa giấy phép làm phim, cung cấp các ưu đãi về thuế và cung cấp hỗ trợ cần thiết để đảm bảo trải nghiệm của các nhà làm phim tại đây diễn ra liền mạch và thành công.”

z5870999051460_3af93219acc391fd509f7bff17636ac3.jpg

Các nhà làm phim, đạo diễn Mỹ thảo luận trực tiếp tại hội thảo giới thiệu tiềm năng du lịch và điện ảnh Việt Nam. (Ảnh: Bộ VHTTDL)

Việt Nam có cơ hội trở thành phim trường thế giới?

Trong phần thảo luận trực tiếp tại hội thảo, các diễn giả là các nhà làm phim từng có tác phẩm thực hiện ở Việt Nam đều chung nhận định về những trải nghiệm làm phim thuận lợi và thành công của họ trên dải đất hình chữ S. Họ cũng khẳng định Việt Nam rất giàu tiềm năng phát triển điện ảnh, có vị thế cạnh tranh lớn trong khu vực.

Đánh giá kinh tế Việt Nam đang phát triển rất nhanh, sẽ có nhiều điều kiện để điện ảnh và du lịch phát triển thời gian tới, song đạo diễn phim “Người Mỹ trầm lặng” Phillip Noyce cũng nhấn mạnh việc cần phải có những chính sách hỗ trợ các đoàn làm phim đồng thời đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh chuyên nghiệp, môi trường sản xuất phim thông thoáng, nâng cao năng lực cạnh tranh về điện ảnh, du lịch với các nước trong khu vực.

Ông Phillip Noyce chia sẻ: “Khi làm phim ‘Người Mỹ trầm lặng’ hơn 20 năm trước, tôi không gặp bất kỳ trở ngại nào và đã nhận được sự ủng hộ lớn của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn của Việt Nam, sự tham gia nhiệt tình của người dân. Đoàn làm phim được tạo điều kiện tối đa từ việc nhanh chóng cấp phép đến công tác hậu cần như cung cấp đội ngũ hỗ trợ an ninh, đảm bảo các cảnh quay diễn ra thuận lợi. Đây là những kỷ niệm tôi không bao giờ quên.”

Trong khi đó, ông Nicholas Simon, Tổng giám đốc Indochina Productions cho rằng, Việt Nam có nhiều tiềm năng để trở thành phim trường, nhiều nơi có thể lấy làm bối cảnh để thực hiện các cảnh quay như: Hạ Long, Hội An, Hà Nội. Thậm chí, có nhiều nơi rất đặc biệt, chưa bao giờ được xuất hiện trong phim.

z5870999065042_8313de051c8008864a0259e83d55b717.jpg

Diễn viên, MC Quyền Linh giới thiệu và tặng nón lá Việt Nam cho khách mời. (Ảnh: Bộ VHTTDL)

“Con người Việt Nam rất hiếu khách, môi trường làm việc dễ chịu. Những ký kết giữa các nhà làm phim với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, hàng không ngày hôm nay sẽ mở ra cơ hội mới và tăng tính cạnh tranh của du lịch, điện ảnh Việt Nam trong khu vực,” ông Nicholas Simon nhận định.

Để thúc đẩy phát triển du lịch-điện ảnh, thu hút các nhà làm phim, theo ông Simon, trước hết Luật Điện ảnh phải tạo ra các chính sách ưu đãi khiến điểm đến Việt Nam trở nên hấp dẫn, từ đó giảm chi phí cho nhà làm phim. Bên cạnh đó, sự sẵn sàng của Chính phủ trong việc tạo hành lang thông thoáng, cấp phép dễ dàng, bớt đi các thủ tục hành chính cũng là những điều kiện cần thiết để thu hút các nhà làm phim quốc tế tìm đến nhiều hơn.

Theo ông Nicholas Simon, hàng năm có nhiều chương trình quảng cáo của Hollywood và các nhãn hàng tại Việt Nam. Và những chương trình này cũng góp phần mạnh mẽ vào phát triển du lịch.

“Ninh Bình là ví dụ điển hình cho tác động của điện ảnh với du lịch, góp phần phát triển du lịch tại Việt Nam. White Lotus là chương trình nổi tiếng tại Mỹ. Nếu những chương trình như White Lotus đến Việt Nam thì sẽ gây tiếng vang lớn,” ông Nicholas Simon nhận định.

z5870999050812_875ca8f5754dac80727f6b5a0f2371b9.jpg

Vietnam Airlines và Công ty Indochina Productions ký kết thoả thuận hợp tác. (Ảnh: Bộ VHTTDL)

Vừa mới có một bộ phim thành công vang dội khi lấy bối cảnh phim ở Việt Nam, nhà sản xuất phim “A Tourist's Guide to Love” (Hành trình tình yêu của một du khách) Joel Rice chia sẻ: “Tôi có một kinh nghiệm quay rất thú vị khi thực hiện bộ phim này ở Việt Nam. Mọi nơi tôi đến, mọi thứ tôi quay đều rất được ủng hộ. Hành trình làm phim đó đã để lại ấn tượng tuyệt vời. Việt Nam là đất nước rất đẹp.”

Tuy nhiên, vẫn cần nhìn vào thực tế hiện nay là thông tin về điểm đến Việt Nam với các nhà làm phim vẫn chưa nhiều. Trong khi đó, có nhiều nhà làm phim bày tỏ mong muốn được tới Việt Nam để thực hiện cảnh quay. “Tôi nghĩ rằng Việt Nam phải tính đến việc giảm thuế cho các nhà làm phim nước ngoài và tạo ra nhiều chương trình xúc tiến như thế này để thu hút các nhà làm phim, tạo ra sự tiếp cận rộng rãi với các nhà làm phim quốc tế,” Joel Rice nhấn mạnh.

Với những nỗ lực quảng bá từ cơ quan quản lý nhà nước và cam kết đồng hành của các doanh nghiệp, chúng ta có quyền hy vọng vào một tương lai tươi sáng hơn khi du lịch "bắt tay" điện ảnh.

Nhiều thoả thuận hợp tác được ký kết

Các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ chương trình xúc tiến cũng đã tạo cơ hội cho các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch Việt Nam gặp gỡ, kết nối với các doanh nghiệp, đối tác Hoa Kỳ.

Ngay tại chương trình, nhiều bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác về du lịch và điện ảnh giữa các cơ quan hữu quan, giữa các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Mỹ đã được ký kết.

Cụ thể, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình ký với Công ty Indochina Productions; Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường và Công ty Indochina Productions; Vietnam Airlines và Công ty Indochina Productions; Hội Điện ảnh Việt Nam và Liên hoan phim châu Á Thế giới - Asian, World Film Festival - AWFF; Công ty Truyền thông Tincom và GloPaul Media Int’; VinGroup và Công ty Indochina Productions; VinPearl và Intrepid Travel.

Theo Vietnamplus