Lân chờ đón Tết

14/01/2024 - 09:20

 - Mỗi khi Tết đến Xuân về, giữa rất nhiều hoạt động văn hóa giải trí, múa lân sư rồng vẫn luôn thu hút đông đảo người xem. Hoạt động biểu diễn đường phố này mang đậm giá trị văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc, góp thêm âm thanh rộn rã trong mùa vui.

“Đại bản doanh” của đội lân Linh Nghĩa Đường nằm trong hẻm nhỏ thuộc phường Châu Phú A (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang). Nói cho “sang”, thực chất địa điểm này là nơi tập luyện và chứa dụng cụ của đoàn lân.

Đội lân quy tụ hơn 10 người. Trong đó, thành viên “thâm niên” nhất được 7 năm, còn thành viên mới nhất chỉ tròn 2 tháng. Điểm chung duy nhất giữa các thành viên là đam mê... lân. Còn lại, họ khác nhau về tuổi tác, vóc dáng, hoàn cảnh gia đình.

Để nuôi dưỡng đam mê nghệ thuật lân sư rồng, các thành viên trong đội tạo ra đủ hình dáng đầu lân. Một phần để kinh doanh, một phần bổ sung dụng cụ tập luyện, biểu diễn thường xuyên.

Anh Tăng Phú Quý có 10 năm kinh nghiệm làm đầu lân. Anh chia sẻ: “Rất ít trường lớp dạy nghề này, chủ yếu tôi tự học, tự thực hành, lâu dần tích cóp kỹ năng. Trước kia, tôi học nghề từ TP. Hồ Chí Minh, dịch COVID-19, nên trở về quê. Tôi vẫn chọn gắn bó với nghề này, vì cảm thấy niềm hạnh phúc khi tạo ra từng chiếc đầu lân sinh động, sắc sảo”.

Nhiều khi khách hàng góp ý sai sót, yêu cầu sửa lại chỗ này chỗ kia. Anh Quý sẵn sàng đáp ứng, để sản phẩm cuối cùng đưa đến tay khách ưng bụng. Giá cả tùy theo chủng loại, dao động 1,8 - 2,5 triệu đồng/chiếc. Nhờ đơn hàng của khách có thường xuyên, thậm chí từ các tỉnh phía Bắc, nên hầu như anh không lo “thất nghiệp”.

Phần lớn thời gian gặp nhau của thành viên dành để tập luyện. Đối với nhóm đánh trống, trước hết phải nhớ được nhịp trống cơ bản. Sau đó, bắt đầu cầm dùi tập từng nhịp, từng nhịp cho quen tay, đều tay.

Khi biểu diễn cùng đoàn, thường xuyên quan sát đồng đội, tiếp thu nhiều kinh nghiệm quý báu. Khi quen dần, họ sẽ nâng cao từng cấp độ đánh trống lên. Trong đó, vai trò của trống trưởng rất quan trọng. Nhịp múa đẹp là do trống trưởng điều hành tốt.

Phạm Thị Thúy An (lớp 11, Trường THPT Võ Thị Sáu), là thành viên nữ duy nhất của đội thời điểm hiện tại, phụ trách đánh trống xả. Còn nhỏ tuổi, nhưng An đã có “thâm niên” 5 năm biểu diễn cùng đoàn lân.

An chia sẻ: “Mọi người đều thắc mắc tại sao em lại tham gia múa lân. Em đáp lại, em muốn thử thách xem bản thân mình làm được những công việc của nam giới không. Ngoài ra, tham gia đoàn lân còn đem lại sức bền dẻo dai cho cơ thể”.

Dù các thành viên trong đội lân đã luyện tập, múa với nhau rất nhiều lần, nhưng hễ rảnh lúc nào, các bạn lại luyện tập hăng say. Càng luyện tập thường xuyên, càng thuần thục thao tác, càng hiểu ý đồng đội, thì càng có được những màn biểu diễn tốt nhất, hạn chế tối đa sơ suất ngoài ý muốn.

Đều đặn mỗi chiều, ông giáo về hưu Hà Thanh Khiết ra xem đám trẻ tập múa lân. “Ở đây, các đoàn lân hoạt động nhộn nhịp nhất vào ngày rằm lớn, Tết Trung thu hay mùa Vía Bà Chúa Xứ núi Sam. Thấy các cháu đam mê, tôi rất ủng hộ. Chỉ mong sao nghề lân này không mai một, để đâu đâu cũng rộn rã niềm vui, như nụ cười hiền hậu của ông lân, ông địa” – ông Khiết bày tỏ.

Bộ môn nghệ thuật biểu diễn lân sư rồng đã thấm vào các bạn trẻ khắp nơi, là tín hiệu vui trong công cuộc bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

AN KHANG