Làn sóng COVID-19 mới ở Nhật Bản nguy kịch hơn, nhắm vào người già

02/12/2020 - 19:07

Những điểm khác biệt giữa đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất ở Nhật Bản và làn sóng lây nhiễm hồi mùa hè đang buộc giới chuyên gia phải điều chỉnh chiến lược khi đất nước có nền dân số già nhất thế giới này bước vào mùa đông.

Làn sóng COVID-19 mới của Nhật Bản chủ yếu tập trung tại 4 khu vực đông dân số thành thị. Ảnh: AFP

Tờ Bloomberg đưa tin, thoạt đầu, làn sóng các ca mắc mới từ đầu tháng 12 dường như tương tự với đợt tăng vọt hồi mùa hè, vốn được đưa vào kiểm soát chỉ bằng hai thay đổi nhỏ trong chính sách. Tuy nhiên, giới chức Tokyo lần này đang kêu gọi chuẩn bị cho “kịch bản tồi tệ nhất” khi số ca nhiễm thể nặng vượt quá hồi đỉnh dịch của mùa hè. 

“Chúng tôi cảm thấy cấp bách trước thực tế rằng số ca nguy kịch đã tăng lên gần 500”, Bộ trưởng Y tế Norihisa Tamura cho biết. Sự gia tăng này khiến các nhà chức trách phải nỗ lực hết sức để đảm bảo có đủ giường bệnh và nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19. 

Dữ liệu cập nhất mới nhất cho thấy làn sóng COVID-19 hiện nay ở Nhật Bản chủ yếu tập trung tại 4 khu vực có dân số đô thị lớn: thành phố Sapporo trên đảo Hokkaido – nơi ghi nhận số ca tăng đột biến vào cả đợt bùng phát hiện tại lẫn đợt đầu tiên hồi tháng 2/2020; tỉnh Aichi – trung tâm công nghiệp của tập đoàn Toyota Motor Corp; thủ phủ thương mại Osaka và thủ đô Tokyo. 

Tại nhiều địa phương thuộc các khu vực trên đã cạn dần giường bệnh cho các ca nhiễm nặng. Đài NHK đưa tin ngày 1/12, Chính quyền Thủ đô Tokyo sẽ yêu cầu các bệnh viện bổ sung thêm 50 giường cho các trường hợp nghiêm trọng, nâng tổng số giường lên 200 chiếc. Tỷ lệ sử dụng giường chăm sóc đặc biệt đã giảm nhẹ vào cùng ngày do có 5 bệnh nhân tử vong. 

Khái niệm “ca nhiễm nặng” là khác biệt giữa các khu vực. Tokyo xác định người bệnh nặng là cần phải thở máy hoặc máy tim phổi nhân tạo ECMO. Trong khi đó, khái niệm “ca nhiễm nặng” của toàn quốc quy định người bệnh nặng cần thêm cả máy thở ICU. 

Chú thích ảnh

Người già là đối tượng dễ bị virus tấn công. Ảnh: AFP

Nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca nghiêm trọng không có gì bí ẩn: ngày càng nhiều người lớn tuổi – đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn - bị nhiễm virus vào giai đoạn này so với đợt mùa hè.
Xu hướng này đặc biệt hiện rõ tại Tokyo. Đợt bùng dịch hồi mùa hè, thành phố này ghi nhận tỷ lệ cao bệnh nhân trẻ tuổi nên không tác động nhiều đến hệ thống y tế. 

Với tổng số ca mắc tại Nhật Bản chạm ngưỡng 2.000 người/ngày, các nhà chức trách trên toàn quốc đã kêu gọi người dân thực hiện các nỗ lực trong ba tuần để chống lại virus. Tại bốn khu vực đô thị, các quán bar và nhà hàng đã được lệnh đóng cửa sớm.

Tuần trước, Thủ tướng Yoshihide Suga phát biểu với báo giới: “Ba tuần tiếp theo là giai đoạn vô cùng quan trọng. Chúng ta cần cùng nhanh vượt qua làn sóng gia tăng này”. 

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh thực tế vẫn ghi nhận một số dấu hiệu đáng khích lệ. Số ca mắc mới tại Tokyo tuần trước cơ bản không đổi so với 7 ngày trước đó. Các khu vực khác trong đó có Hokkaido không còn tăng vọt, thậm chí là suy giảm. Đây chính là tia hy vọng rằng đợt bùng phát hiện tại ở quốc gia này có thể đạt đỉnh. 

Dù vậy, Nhật Bản vẫn cần chuẩn bị sẵn sàng tiếp nhận thêm ca tử vong trong thời gian tới. Hơn một nửa trong số 2.000 ca tử vong ở nước này rơi vào đối tượng từ 80 tuổi trở lên – chiếm 14% tỷ lệ tử vong. 

Các số liệu thống kê của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản (MHLW) cho thấy trong ngày 1/12, nước này ghi nhận thêm 41 người tử vong vì dịch COVID-19, cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này vào giữa tháng 1 năm nay. Số lượng bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch đã tăng cao kỷ lục lên 493 người. Theo Bộ trưởng MHLW Norihisa Tamura, đây là một dấu hiệu khác cho thấy tình hình đang ngày càng trở nên nghiêm trọng. 

Ông nêu rõ: “Số ca nhiễm nặng thường có xu hướng tăng chậm hơn so với số ca nhiễm mới. Vì vậy, việc số bệnh nhân nguy kịch tăng gần tới ngưỡng 500 đồng nghĩa chúng ta đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng”.

Theo HOÀNG TRANG (Báo Tin Tức)