Chuẩn bị tiền mặt cho khách hàng vay vốn tại Vietcombank chi nhánh Hà Nội. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã cấp room tín dụng một lần cho các tổ chức tín dụng với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm phấn đấu đạt 15%, cao hơn so với mức mục tiêu của năm 2023. Cùng đó, tổ chức kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp nhằm khơi thông dòng vốn.
Đặc biệt, lãi suất cho vay của các ngân hàng thời gian gần đây vẫn ở mức thấp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng có thể tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp giúp họ có thêm điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Hiện, các ngân hàng đang cho vay khách hàng doanh nghiệp với lãi suất bình quân từ 4-6%/năm; khách hàng cá nhân từ 6-8%/năm và nhiều ưu đãi như cố định lãi suất từ 1-2 năm đầu, hoặc miễn lãi tháng đầu tiên.
Ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cho biết: Theo chủ trương chung của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, HDBank xây dựng các gói tín dụng với mức lãi suất hấp dẫn, thấp hơn so với lãi suất thông thường mà các doanh nghiệp vay. Ngoài ra, ngân hàng này cũng tạo những kênh online để các doanh nghiệp có thể thuận lợi hơn trong việc tiếp cận các hồ sơ vay vốn.
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc công ty chuyên về kinh doanh vận tải, việc hỗ trợ lãi suất đã giúp công ty tiết kiệm gần 100 triệu đồng/năm, để đầu tư cho sản xuất kinh doanh và bán hàng hiệu quả hơn.
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt các thành viên của Chính phủ; trong đó, có Ngân hàng Nhà nước thực hiện rất nhiều các giải pháp để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Nhờ đó, sau hai tháng đầu năm tín dụng ở mức tăng trưởng âm thì đến ngày 10/5, tín dụng đã tăng 1,95% so với cuối năm 2024, tương đương dư nợ tín dụng tăng thêm hơn 264.400 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, nhu cầu hấp thụ vốn trong nền kinh tế vẫn còn tương đối yếu. Điều này dẫn đến mức tăng trưởng tín dụng chưa cao so với mục tiêu tăng trưởng 15% của năm nay.
Ông Trần Long, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) nhận định: Nguyên nhân cốt lõi của việc tín dụng tăng thấp nằm ở các động lực tăng trưởng như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân còn chậm. Hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn như vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh; chi phí logistics tăng lên do căng thẳng địa chính trị trong khi thị trường đầu ra còn khó khăn.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tín dụng tăng thấp có rất nhiều nguyên nhân, đó là vấn đề đầu ra cả về xuất khẩu và đầu ra ở trong nước. Các lĩnh vực có vốn vay lớn như thị trường bất động sản hiện nay đang gặp khó khăn về yếu tố pháp lý và Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt, thành lập các Tổ công tác để hướng dẫn các địa phương giải quyết. Bên cạnh đó còn là do yếu tố thời vụ vào các tháng đầu năm, khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, rủi ro nợ xấu tăng...
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết: Chính phủ đã tăng cường chỉ đạo việc thúc đẩy đầu tư công và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Qua đó, sẽ tác động lan tỏa dòng tiền đối với doanh nghiệp và từ đó sẽ kích hoạt tín dụng của hệ thống ngân hàng.
Theo các chuyên gia kinh tế, để đẩy mạnh tín dụng, ngành ngân hàng cần rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa việc áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, đặc biệt qua các kênh bán hàng, sản phẩm, dịch vụ được số hóa.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, để thúc đẩy tín dụng tăng cần thúc đẩy tổng cầu trong nước. Ngoài yếu tố giảm lãi suất, còn phải tính đến việc bơm tiền nhiều hơn vào nền kinh tế.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước không để doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả, đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật mà không tiếp cận được vốn vay…
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát các văn bản theo Luật Tổ chức tín dụng mới được ban hành; Nghị định hướng dẫn để bảo đảm chỉnh sửa theo Nghị định, luật để tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho khách hàng vay.
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, hiện tại, thanh khoản tại ngân hàng rất dồi dào và ngân hàng sẵn sàng bơm vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước mong muốn các cơ quan liên quan, tạo cơ chế, chính sách đồng bộ hơn để nâng cao hoạt động của các quỹ như quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ… Từ đó, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp này.
Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam ông Nguyễn Quốc Hùng cũng cho rằng, cần có sự chung tay của các bộ, ngành, địa phương trong việc ban hành các giải pháp, cũng như tháo gỡ khó khăn về pháp lý để kích cầu tiêu dùng trong nước, từ đó mới thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hiệu quả.
Đối với người đi vay, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các doanh nghiệp tích cực thực hiện giải pháp tái cơ cấu hoạt động. Cùng đó, có thêm các dự án đầu tư hay sản xuất kinh doanh khả thi, chứng minh được sự khả thi của các dự án của mình; minh bạch, tăng cường năng lực tài chính để các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại thẩm định và cung ứng dịch vụ vốn vay cho người vay một cách thuận lợi trong thời gian tới.
Theo TTXVN