Tham gia vào nhiệm vụ chống dịch ở địa bàn, nhiều cán bộ đồng thời ghi chép “nhật ký” từ những ngày đầu áp dụng biện pháp phong tỏa. Từng hoạt động cùng đồng đội, các buổi đi chợ giúp dân của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, những đợt trao quà, test nhanh… được mọi người theo dõi, chia sẻ, đồng cảm. Nỗi vất vả ngày đêm là điều ai cũng nhận thấy, nhưng đằng sau đó, còn có những giọt nước mắt nhớ nhà, nhớ con, khi ở ngay quê nhà mà gia đình phải tạm chia cắt bởi dịch bệnh. Họ nói cho nhau nghe những việc ấy trong lúc này không phải để kể công, than vãn, mà chỉ mong mọi người nhìn thấu đáo một chút, động viên tinh thần lẫn nhau, phối hợp tốt để các lực lượng làm tròn nhiệm vụ.
Với tinh thần đó, trong thời gian ở nhà, người dân cùng góp thêm những câu chuyện nhỏ từ nơi mình sinh sống, như chuyến hỗ trợ cho ấp Trung 1 (thị trấn Phú Mỹ) được cô Kim Trang viết lại: “Bạn Trương Ngọc Liên đã kết nối với nhà hảo tâm trao tặng 20 phần quà đến các hộ khó khăn trong mùa dịch. Bạn Trần Hiếu Thuận đem 20 phần quà chở bằng xe 2 bánh, chuyển 2 đợt đến cho bà con… Xúc động nhất là khi vừa vào đầu hẻm, vì chở nặng, bạn ấy bị ngã xuống đường. Có lẽ rất đau, nhưng bạn gượng dậy rồi chở tiếp. Trước những tình cảm này, mong là mọi người hãy thực hiện đúng thông điệp “5K” để mau qua đại dịch”.
Đảm bảo các điều kiện cần thiết cho người dân ổn định đời sống, tâm lý trong khu vực phong tỏa
Cô Nguyễn Thị Kim Trang (giáo viên Trường THPT Chu Văn An) duy trì sinh hoạt như thường lệ: soạn giáo án, lên lớp dạy trực tuyến và cập nhật tình hình trong hẻm 26 (ấp Trung 1) để bạn bè gần xa biết mình vẫn bình an. “Các nhà hảo tâm luân phiên tài trợ gạo, rau, củ, quả đầy đủ, ấm lòng lắm! Rất thương các em đoàn viên nặng nhọc trong đồ bảo hộ tải thực phẩm đến từng con hẻm để phát, không quên dặn bà con cẩn thận, giữ khoảng cách an toàn. Xóm của tôi quý nhau lắm, thấy ai không đeo khẩu trang liền nhắc và cho khẩu trang để đeo. Có cọng hành, củ sắn, trái chanh cũng chia nhau, cảm động rưng rưng nước mắt… Mỗi người góp một chút ý thức rồi sẽ sớm trở lại cuộc sống bình thường mới” - cô Trang chia sẻ.
Dù ở trong “vùng an toàn” nhưng anh Lê Trung Tâm (hẻm 16, ấp Trung 1) nhận thấy ý thức và tinh thần phòng, chống dịch của người dân rất cao. Các hộ dân đều được quan tâm chu đáo về lương thực, thực phẩm, túi thuốc xông. Người cách ly với người, nhà cách ly với nhà, từng người xếp hàng trật tự khi nhận hỗ trợ, tự trang bị thêm kính ngăn giọt bắn, khử khuẩn… Anh Tâm cho rằng: “Lúc này, muốn trở lại cuộc sống bình thường mới thì mỗi người phải tự biết bảo vệ mình và trách nhiệm với cộng đồng, không chủ quan, nhưng cũng không nên quá lo lắng”.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQVN thị trấn Phú Mỹ Đinh Thế Nguyên cho biết, trong khu phong tỏa có 590 hộ với 2.590 nhân khẩu, trong đó có 390 hộ nghèo, cận nghèo và hộ bảo trợ xã hội. Những ngày qua, địa phương đã hỗ trợ 3,2 tấn gạo và 2,5 tấn rau, củ, quả. “Chúng tôi đang tiếp tục vận động nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện, tôn giáo trong và ngoài huyện hỗ trợ thêm cho hộ dân ở trong lẫn ngoài khu vực phong tỏa, làm sao đảm bảo về vật chất, tinh thần để hợp tác với lực lượng chức năng kiểm soát tình hình dịch bệnh ổn định” - ông Nguyên thông tin.
Tại xã Phú Lâm, sau hơn 1 tuần phong tỏa và thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, người dân khu vực chợ Tân Phú đã nhận được sự hỗ trợ, sẻ chia ấm lòng từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện, gồm: 2,5 tấn rau củ quả; 1,7 tấn gạo, 370 phần quà, trên 2.000 phần thực phẩm và nước lọc. Tất cả hàng hóa hỗ trợ được chuyển đến người dân nhanh chóng, kịp thời. Chị Nguyễn Thị Bích Liên (ấp Tân Phú) cho biết, nghe tin trong ấp xuất hiện ca bệnh, nhiều người rất lo lắng. Theo dõi thông tin dịch bệnh và công tác tuyên truyền ở địa bàn, mọi người động viên cùng bình tĩnh và tin tưởng các giải pháp chống dịch của chính quyền. Cảm kích và để đền đáp cho những việc làm, nỗi vất vả của lực lượng chức năng, lúc này không gì hơn chính là mỗi người giữ cho bản thân thật khỏe mạnh.
Thời gian này, với tất cả mọi người, dù đang trực tiếp ở “mặt trận” chống dịch hay yên vị ở nhà, đều có nhiệm vụ riêng của mình và sẽ là những trải nghiệm quý chưa từng có! Lo lắng và cảm xúc tiêu cực là điều không thể tránh khỏi, nên sự gắn kết, tương trợ để lan tỏa sự lạc quan, hình thành tư duy tích cực và linh hoạt trong giai đoạn này là điều rất cần thiết. “Sống chung với dịch”, nhưng phải an toàn và tuyệt đối không chủ quan, từ đó đời sống, tinh thần, xã hội sẽ tốt dần lên.
Ngoài được đảm bảo về lương thực, thực phẩm, các hộ dân trong khu vực phong tỏa còn được phát thêm thuốc xông, khẩu trang, nước sát khuẩn, test định kỳ... Trong phạm vi phong tỏa có Tổ y tế lưu động, phương tiện phục vụ cho các sự cố khác. Địa phương còn tăng cường lực lượng tuyên truyền để người dân nắm rõ, chấp hành các quy định phòng, chống dịch.
|
MỸ HẠNH