Lặng nghe… gió bấc về!

06/12/2024 - 06:12

 - Một sớm tinh mơ, bước chân ra khỏi cửa, nghe từng cơn gió lạnh, ta chợt nhận ra, gió bấc đã về.

Mấy ngày qua, trời trở gió. Không còn cái nắng gắt, nắng như “đổ lửa” của những ngày hè, thay vào đó, cái nắng dịu dặt hơn vì gió bấc đã về. Dễ cảm nhận gió bấc nhất là những buổi sớm mai, đi trong những làn gió vừa chớm lạnh, thoảng đâu đó hương bưởi, hương chanh, hương của các loại cây trái đang bước vào giai đoạn rực rỡ nhất để chào Xuân. Có lẽ vì sự dễ chịu của thời tiết khi đất trời giao mùa nên lòng người cũng xích lại gần nhau hơn. Người ta dễ dàng cảm thông, dễ nói lời yêu thương với nhau hơn. Chẳng phải vì thế mà thời điểm này cũng đã bước vào “mùa cưới”.

Với tôi, mùa gió bấc về cùng những lời dặn và sự quan tâm của mẹ. Ngày trước, chỉ cần nghe mẹ nhắc, nhớ mặc thêm áo vì hôm nay hơi lạnh hoặc thấy mẹ chuẩn bị sẵn mấy chiếc áo ấm cho các cháu của bà, tôi đã cảm nhận được… gió bấc về. Nhẹ nhàng quét những chiếc lá khô bị cơn gió cuốn vào hiên nhà, mẹ tôi lại thì thầm: “Gió bấc năm nay không lạnh bằng mọi năm”. Giờ không được nghe lời mẹ dặn, tự mình chuẩn bị mọi thứ, đi trong những cơn gió chớm lạnh, lòng tôi lại man mác, trải dài trong miên man nỗi nhớ, nhớ về những mùa gió bấc… có mẹ.

Sớm nay, mùa gió bấc đã ghé ngang hiên nhà. Cái lạnh đầu mùa len lén khỏa lên da thịt. Mùa bấc trở ngọn ở miền Tây còn gọi là mùa gió chướng. Ngày đó, mẹ tôi nói, các bậc cao niên cho rằng gió chướng là bắt đầu sự thay đổi từ hướng thổi của gió, vì trước đó hướng thổi từ phía Tây Nam và gây ra nhiều mưa, bây giờ gió chuyển hướng và mang theo dấu hiệu mùa mưa chấm dứt. Mùa gió bấc thường bắt đầu từ tháng 11 và kéo dài đến tháng 4 năm sau. Đây là thời điểm mà không khí lạnh từ phương Bắc tràn xuống, mang đến những cảm giác se lạnh, thậm chí là giá rét cho miền Bắc nước ta.

Gió bấc... nhẹ qua thềm

Gió bấc đến, mang theo hơi lạnh se sắt và cả những nỗi nhớ da diết. Cái lạnh ấy như len lỏi vào tận sâu trong tâm hồn, khơi dậy những ký ức đẹp về một thời đã qua. Đối với những người xa quê, mùa gió bấc là mùa của nỗi nhớ. Họ nhớ những cánh đồng lúa chín vàng, những con đường làng nhỏ, nhớ tiếng chim hót, nhớ những câu chuyện bà kể… “Còn nhớ, những năm bôn ba nơi xứ người, chật vật từ sáng đến tối, dành dụm tiền lương của 2 vợ chồng gửi về quê lo con ăn học và mong có ngày cất lại mái nhà. Gió bấc về là thời điểm lòng tôi như chậm lại. Khi đó, cuộc sống quanh quẩn qua ngày chờ đợi... Nén nỗi nhớ quê, nhớ nhà, chúng tôi chỉ động viên nhau cố gắng làm, cố gắng tăng ca để có thêm ít tiền thưởng Tết. Tôi thường làm cho đến cận Tết (khoảng 25 - 27 Tết) mới về quê. Những mùa gió bấc gần đây, tôi được ở gần gia đình, bận bịu chăm sóc cháu nhỏ nhưng cũng chưa bao giờ quên về những mùa gió bấc xa quê khi xưa. Nó nhắc tôi trân trọng khoảnh khắc hiện tại, quý những phút giây bên cạnh người thân hơn bao giờ hết” - cô Võ Thị Phỉ (ngụ xã Định Mỹ, huyện Thoại Sơn) trải lòng.

Mùa gió chướng, những chiếc lá vàng úa rơi lả tả, phủ kín mặt đường. Gió thổi vi vu qua những hàng cây, tạo nên một bản nhạc du dương, trầm buồn. Gió bấc thổi qua, mang theo những nỗi buồn, nhưng cũng mang theo cả những hy vọng. Những ngày này, công nhân nô nức trông đợi thưởng Tết, lịch nghỉ và quà Tết. “Cái lạnh của chớm đông chẳng thấm vào đâu so với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Ngày ngày, tôi vẫn miệt mài làm việc trên dây chuyền sản xuất, mong sao đến Tết được nhận tiền thưởng để trang trải cuộc sống và mua sắm Tết cho gia đình” - chị Lương Thùy Tiên (công nhân tại Khu Công nghiệp Bình Hòa, huyện Châu Thành) chia sẻ.

Đó còn là hy vọng của những nông dân mong chờ một mùa vụ bội thu của cây trái, của những luống hoa để có những ngày Tết ấm no. Nông dân là những người cảm nhận những cơn gió bấc chuyển mình sớm nhất. Với kinh nghiệm của mình, họ biết “bắt mạch” thời tiết để có sự chuẩn bị tốt nhất. Nắng gắt quá hay mưa liên tục hoặc lạnh quá là những ảnh hưởng không nhỏ đến vụ mùa của người nông dân. Dù với khoa học - kỹ thuật tiên tiến, người nông dân ngày càng nâng cao trình độ sản xuất, nhưng thời tiết vẫn là nhân tố quyết định sự thành bại trên mảnh vườn hay cánh đồng của họ.

Ông Trần Văn Trực (48 tuổi, ngụ ấp Hòa Tân, xã Định Thành, huyện Thoại Sơn) xuống giống hơn 10.000 chậu hoa các loại phục vụ thị trường Tết 2025. Để cây cho hoa đều và đẹp, nở hoa đúng dịp Tết, ông Trực đang tập trung chăm sóc tỉ mỉ, chu đáo và chọn thời điểm bón phân, ngắt cành, tưới nước. Đặc biệt, người trồng phải áp dụng kỹ thuật chong đèn cho cây vào ban đêm để kích thích sinh trưởng, phát triển đồng đều và điều chỉnh thời gian ra hoa theo ý muốn. Năm nay, thời tiết khá thất thường, tôi phải theo dõi liên tục. Năm ngoái, hoa Tết “vỡ trận” nên người trồng hoa ít đi, số lượng vì thế cũng giảm nhiều. Hiện, vườn hoa của tôi đang phát triển tốt. Hy vọng, từ đây đến Tết, thời tiết thuận lợi” - ông Trực mong đợi.

Từng cơn gió bấc gọi nhau qua thềm cũ, lòng người cũng nô nức, mang bao hoài niệm cùng những hy vọng đợi chờ, ấp ủ. Chợt nhận ra, 1 năm trôi qua thật nhanh, mong rằng những dự định của chúng ta hoàn thành trong những ngày cuối năm này, để Tết sẽ thật tròn đầy.

PHƯƠNG LAN