Lắng nghe và chia sẻ

15/09/2023 - 06:42

 - Tham vấn, tư vấn tâm lý học đường là hoạt động hỗ trợ tâm lý cho học sinh, sinh viên, để giúp các em có đủ khả năng để tự giải quyết các vấn đề học tập, thi cử và có định hướng đúng đắn hơn về những vấn đề xã hội, riêng tư. Qua đó, góp phần ngăn chặn rất nhiều hệ lụy ở môi trường học đường và trong cuộc sống…

Lắng nghe tiếng lòng

Là học sinh giỏi với số điểm trung bình năm học lớp 8 đạt 9,8, ít ai biết rằng, em Huỳnh L. (lớp 9 của một trường THCS ở TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang) từng trải qua những ngày trầm cảm, không muốn đến lớp vì áp lực học giỏi. “Áp lực về điểm số quá lớn khiến em cảm thấy căng thẳng và sợ đi học, thậm chí từng có những suy nghĩ tiêu cực vì thấy mình vô dụng khi không thể giành điểm số cao. Nguyên nhân xuất phát từ những so sánh của cha mẹ vì thấy “con người ta” học giỏi.

Khi đó, em mong muốn chia sẻ với một ai đó hiểu mình. Đắn đo một thời gian, em đến Phòng Tư vấn tâm lý học đường của trường để bày tỏ. Thầy phụ trách tư vấn rất ân cần, lắng nghe những tâm tư của em một cách chân thành, em thấy rất yên tâm. Thầy đã định hướng, gợi mở giúp em bớt căng thẳng, áp lực trong học tập. Sau một thời gian thực hiện, em dần lấy lại lạc quan và không còn áp lực khi đến lớp” - L. bộc bạch.

Tư vấn tâm lý học đường giúp học sinh giải tỏa những băn khoăn, khủng hoảng, tìm ra hướng giải quyết khó khăn một cách phù hợp

Từng có thời gian bị khủng hoảng tâm lý vì những tin nhắn hăm dọa của bạn cùng lớp, em Nguyễn Thị B.V. (lớp 9) không dám đến trường. Em V. cho biết, chỉ vì không cho bạn xem bài trên lớp mà em bị bạn dọa nạt qua tin nhắn điện thoại. Cảm giác sợ hãi, hoang mang, không dám nói với gia đình là những gì em phải trải qua trong thời gian đó.

Bởi theo B.V: “Cha mẹ cứ cho rằng, em như thế nào thì mới bị như vậy, nên em rất ít khi chia sẻ suy nghĩ của mình. Không biết xử lý thế nào, em đã tìm đến Phòng Tư vấn tâm lý học đường. Biết em lo lắng, thầy tư vấn đã trấn an rằng “mọi thông tin đều được giữ bí mật tuyệt đối”. Sau khi giúp em lấy lại bình tĩnh, thầy đã giải quyết mọi chuyện êm đẹp. Thầy giúp bạn kia nhận ra lỗi và cho chúng em làm hòa. Từ đó về sau, không còn tình trạng tương tự xảy ra với em nữa” - B.V. trải lòng.

Chia sẻ từ trái tim

Học sinh đang phải đối diện với nhiều áp lực trong học tập và cuộc sống, dẫn đến những trở ngại về tâm lý, nhưng lại không thể chia sẻ do cha mẹ ít lắng nghe hoặc thiếu kiến thức về tâm sinh lý lứa tuổi. Thực tế này khiến nhiều học sinh mong muốn có được sự hỗ trợ từ những người bên ngoài có chuyên môn về công tác tư vấn tâm lý.

“Từ năm học 2016 - 2017, trường đã đưa Phòng Tư vấn tâm lý học đường đi vào hoạt động. Dù thiếu thốn về cơ sở vật chất nhưng trường luôn cố gắng tạo không gian thân thiện, gần gũi, giúp các em thoải mái tâm lý khi đến tư vấn. Những vấn đề nổi bật thường gặp và mong muốn được tư vấn ở lứa tuổi này là áp lực học hành, bạo lực học đường.

Qua hoạt động tư vấn, chúng tôi đã hỗ trợ và can thiệp đối với những học sinh gặp phải khó khăn về tâm lý để chủ động ngăn ngừa những hệ lụy tiêu cực đến học tập và sinh hoạt hàng ngày” - thầy Đoàn Văn Lực, Tổng phụ trách đội, phụ trách tư vấn tâm lý học đường (Trường THCS Bình Khánh) chia sẻ.

Ở vùng xa xôi, Trường THPT Nguyễn Quang Diêu (TX. Tân Châu) luôn chú trọng hoạt động tư vấn học đường và duy trì hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của trường.

Qua nhiều năm trực tiếp tư vấn học đường, cô Nguyễn Thị Ánh Hồng (Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Quang Diêu, cố vấn Ban Tư vấn học đường) cho biết, những trường hợp cần được tư vấn học đường thường có hoàn cảnh rất đặc biệt: Nhà nghèo, thiếu tình thương của cha mẹ nên ham chơi, đua đòi, học yếu, vô lễ với thầy cô...

“Qua những tình huống đặc biệt, chúng tôi nhận ra, giáo dục con người là cả một quá trình; giáo dục học sinh là phải toàn tâm, toàn ý. Học sinh đều là những đứa trẻ đang ở tuổi ăn, tuổi học, cần phải uốn nắn, không vì những lỗi lầm nhất thời mà đối xử kỳ thị với các em” - cô Hồng tâm tình.

Hoạt động trải nghiệm vun bồi, nuôi dưỡng tâm hồn

Thời gian qua, công tác tư vấn học đường đã có sức lan tỏa và tạo chuyển biến về tâm lý mạnh mẽ theo hướng tích cực. Học sinh được giáo viên tư vấn và giải tỏa tâm tư, tình cảm, nên hầu hết cảm thấy lạc quan, vui vẻ hơn... Tình trạng vi phạm đạo đức, lối sống của học sinh được chấn chỉnh, có chuyển biến tốt, được phụ huynh đánh giá cao. Đây không chỉ là nhiệm vụ, giáo viên còn phải xác định sự quan tâm từ trái tim đối với học sinh, tôn trọng các em, tin tưởng và giúp các em có niềm tin nơi mình.

Hiệu trưởng Trường THPT An Phú Nguyễn Minh Tuấn cho biết, bộ phận tư vấn tâm lý học sinh của trường tư vấn trực tiếp cho học sinh đến Phòng Tư vấn tâm lý học đường hoặc trực tiếp trên lớp, gián tiếp cho học sinh qua Zalo. Năm học 2022 - 2023, trường tư vấn cho hơn 100 lượt học sinh về những băn khoăn, mâu thuẫn của học sinh, hoạt động hướng nghiệp, trong đó có 5 trường hợp phải phối hợp với các bộ phận để tư vấn. “Cán bộ, giáo viên nắm bắt thông tin từ lớp trưởng, giáo viên chủ nhiệm để chủ động liên hệ học sinh tư vấn.

Qua thực hiện các chuyên đề tư vấn tâm sinh lý, sức khỏe sinh sản, phòng, chống bạo lực học đường, giúp học sinh có thêm kiến thức tự bảo vệ bản thân, có biện pháp xử lý hay biết được những bộ phận trong nhà trường có thể giúp các em vượt qua những khó khăn về tâm lý hoặc mâu thuẫn nơi học đường, góp phần hạn chế bạo lực học đường”- thầy Tuấn chia sẻ.

Tạo thuận lợi phát triển

Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Quốc Khanh, công tác tổ chức và quản lý các hoạt động giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống luôn được đẩy mạnh, với quan điểm giáo dục toàn diện học sinh. Cùng với đổi mới chương trình, phương pháp giáo dục, sách giáo khoa, để nâng chất lượng dạy và học, ngành GD&ĐT tổ chức nhiều hoạt động phù hợp đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi nhằm hình thành kỹ năng sống, giá trị sống cho học sinh, khơi dậy khát vọng cống hiến cho các em; thực hiện chủ trương “dạy chữ” đi đôi với “dạy người” và triển khai thực hiện văn hóa ứng xử học đường.

Năm học 2022 - 2023, Sở GD&ĐT phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai mô hình công tác xã hội học đường ở 13 điểm trường; tuyên truyền giáo dục bình đẳng giới cho 12 trường THCS; tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước cho các trường tiểu học; tập huấn kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe tâm thần cho học sinh ở 20 trường tiểu học; tập huấn kỹ năng tổ chức hoạt động truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống tai nạn thương tích cho 12 trường THCS, 15 trường tiểu học…

Lớp học làm người có ích

Các trường còn tổ chức gặp gỡ, đối thoại với học sinh nhằm nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của các em và giải quyết kịp thời những vấn đề đặt ra, nhất là các vụ việc phức tạp phát sinh liên quan đến tư tưởng thanh, thiếu niên. Qua đó, góp phần ngăn chặn vụ việc không mong muốn xảy ra trong ngành và ngoài xã hội…

Sở GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo các trường tổ chức thành công mô hình sinh hoạt ngoại khóa “Ngày hội tuổi chúng mình”. Mô hình đã trở thành sân chơi lành mạnh, bổ ích, giúp học sinh nâng cao kiến thức, kỹ năng trong việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và kỹ năng thực hành xã hội, hành vi ứng xử văn hóa, góp phần phòng, chống xâm hại, bạo lực học đường; nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, không kết hôn sớm, không kết hôn cận huyết thống và có trách nhiệm trong đời sống gia đình.

Cần nâng chất

Theo giảng viên Trần Thị Huyền (Phó Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang), hiện các trường học rất quan tâm đến giáo dục đạo đức, pháp luật, trang bị kỹ năng sống, ứng xử cho học sinh. Tuy nhiên, một số hoạt động đôi khi mang tính hình thức, chưa đổi mới phương pháp nên chưa thu hút học sinh.

Trong các đợt khảo sát tại các trường phổ thông cho thấy, đa số các giáo viên làm công tác tham vấn, tư vấn tâm lý cho học sinh phải kiêm nhiệm nhiều việc khác; nhiều người chưa được tập huấn hoặc được tập huấn nhưng chưa có thời gian nghiên cứu sâu về bộ môn tâm lý để có cách chia sẻ, hỗ trợ tâm lý cho học sinh phù hợp lứa tuổi.

Hoạt động "Viết để hàn gắn tâm hồn" của sinh viên Trường Đại học An Giang

Cô Trần Thị Huyền cho biết, hàng tuần, bộ phận tổ chức tư vấn tâm lý theo nhóm nhỏ (còn được gọi là tâm lý học ứng dụng). Tham gia hoạt động nhóm (10 - 12 bạn), mỗi sinh viên có cơ hội tương tác, chia sẻ khó khăn trong cuộc sống với cán bộ, giảng viên chuyên ngành tâm lý. Giảng viên chia sẻ theo từng chủ đề: Yêu thương bản thân, quản lý cảm xúc, tình bạn, tình yêu, giá trị cuộc sống, chữa lành tâm hồn...

Các bạn đặt câu hỏi nhờ tháo gỡ vấn đề khó khăn đang gặp phải. Giảng viên đưa ra nhiều phương án thiết thực để sinh viên lựa chọn giải quyết vấn đề. Nơi đây còn tổ chức hoạt động tập thể, như: Viết để hàn gắn tâm hồn, món quà yêu thương, những khoảng lặng, quyển sách thay đổi góc nhìn, kết nối thiên nhiên… giúp sinh viên thư giãn tinh thần, kết nối với bạn bè, thầy cô, phát huy góc nhìn tích cực, giúp phòng ngừa và giảm suy nghĩ tiêu cực.

Thời gian qua, Phòng Công tác sinh viên (Trường Đại học An Giang) đã thành lập Bộ phận Tư vấn sinh viên, với mong muốn hỗ trợ tư vấn tâm lý, chăm sóc sức khỏe tinh thần, qua đó giúp hàng trăm sinh viên vượt qua khủng hoảng tâm lý.

 “Ngoài nhiệm vụ học tập, sinh viên còn phải đối mặt với nhiều vấn đề mà các bạn đôi khi chưa đủ vững tâm lý, suy nghĩ chín chắn để giải quyết. Chất chứa muộn phiền, lo lắng, sợ hãi tích tụ lâu dần gây áp lực, khủng hoảng tâm lý, dẫn đến ứng xử lệch lạc, ảnh hưởng đến chất lượng sống, học tập.

Đây là những vấn đề thầm kín mà các bạn khó nhận ra, hoặc khi nhận ra lại rất ngại chia sẻ với gia đình, bạn bè. Do vậy, với vai trò là thầy cô, anh chị đi trước, những giảng viên luôn mong muốn trở thành người bạn để sinh viên có thể tâm tình, giải tỏa tâm lý, tự chọn giải pháp giải quyết vấn đề của bản thân” - một nữ giảng viên phụ trách tư vấn cho biết.

Hoạt động giúp sinh viên "kết nối với thiên nhiên"

Với những bạn đang gặp khó khăn, không thể thổ lộ trước nhóm đông, giảng viên sẽ tư vấn tâm lý cá nhân (tư vấn 1 - 1). Không gian của phòng tư vấn với nhiều bức tranh, màu sắc thân thiện, làm khác biệt so với giảng đường đại học, giúp các bạn cảm thấy gần gũi và dễ dàng chia sẻ hơn.

“Sinh viên có thể tỏ ra ổn bề ngoài, đầy năng lượng, nhưng bên trong là nỗi buồn, sự thiếu thốn về tình cảm gia đình do cha mẹ ly hôn, kinh tế khó khăn không lo nổi học phí, áp lực từ phụ huynh, những mâu thuẫn trong tình bạn, tình yêu, áp lực điểm số… Khi các bạn chịu tìm đến bày tỏ, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, động viên để các bạn vượt qua khủng hoảng, khó khăn” - một giảng viên chuyên tư vấn tâm lý cho biết.

Để học sinh, sinh viên có được đời sống tinh thần vững vàng, khả năng xử lý khủng hoảng tâm lý hợp lý, khoa học, cần lắm sự hỗ trợ kịp thời từ những giáo viên, chuyên gia tâm lý ngay từ tuổi nhỏ ở các bậc THCS, THPT. Muốn vậy, các trường cần củng cố, xây dựng tốt hơn các câu lạc bộ (bộ phận) hỗ trợ tâm lý học đường, bồi dưỡng, đãi ngộ những giáo viên làm công tác kiêm nhiệm tham vấn tâm lý học đường, tạo địa chỉ tin cậy để các em bày tỏ, chữa lành “ung nhọt” từ xa, từ sớm.

 

Phần lớn học sinh khi gặp những vấn đề rắc rối trong hoạt động học tập, mối quan hệ với bạn bè, thầy cô và gia đình, thì các em đều tự giải quyết. Với lứa tuổi còn non nớt trong suy nghĩ, ở giai đoạn giao thoa giữa người lớn và trẻ con, cộng thêm sự bốc đồng, muốn khẳng định bản thân, các em hay đưa ra những cách giải quyết cảm tính, thiếu kinh nghiệm, dễ bị dẫn dắt, định hướng bởi phim ảnh, các tư tưởng lệch lạc trên mạng xã hội hoặc kẻ xấu…

HỮU HUYNH - TRÚC PHA - PHƯƠNG LAN