Khảo sát tình hình sản xuất tại doanh nghiệp Hà Nội. Ảnh: CTV
Ông Phan Thanh Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam (Khu công nghiệp Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, đến sáng ngày 4/3, theo ghi nhận đã có hơn 1.000 lao động là F0 trong tổng số 5.300 công nhân, chiếm khoảng 1/5 nhân lực của đơn vị.
“Các ca F0 là lao động tăng nhanh đang ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nên công ty tuyển thêm nhân sự. Để phòng dịch, các lao động là F1 nếu không có quyết định cách ly của địa phương mà vẫn đi làm thì trước khi vào nhà máy phải test nhanh. Công ty đang tìm mọi cách đảm bảo an toàn phòng, chống COVID-19 cho công nhân như phát que test cho tổ COVID của công ty để sàng lọc. Trong ca làm việc đảm bảo giãn cách trên 2m, hạn chế giao tiếp. Công ty dừng các cuộc họp trực tiếp, chỉ họp online”, ông Phạm Thanh Hải cho biết.
“Hiên nay bất cập nhất là việc cấp giấy chứng nhận ốm đau cho lao động để hưởng chế độ BHXH. Tại nhiều địa phương, ngày cấp giấy thường ghi sau thời gian nhiễm hoặc không khớp thời gian giữa thời điểm cách ly và thời điểm cấp giấy chứng nhận hưởng BHXH khiến lao động phải đi lại nhiều lần hoặc không được chấp nhận chi trả. Năm 2021, với lao động là F0, F1 mà không có quyết định cách ly y tế vẫn được công ty hỗ trợ một phần lương. Còn từ năm nay, số ca nhiễm tăng cao nên những ngày nghỉ lao động sẽ chuyển sang hưởng chế độ ốm đau từ BHXH nhưng số lao động được hưởng rất ít khiến họ rất thiệt thòi. Do đó, phía công đoàn công ty đã có đơn kiến nghị lên công đoàn cấp trên có văn bản kiến nghị với các cấp thẩm quyền”, ông Hải chia sẻ.
Còn theo ông Nguyễn Đức Sinh, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp Phú Thọ, trong các khu công nghiệp của tỉnh từ đầu năm 2022 đến nay có tổng số 5.450 lao động là F0, trong đó, nhiều nhất là khu công nghiệp Thuỵ Vân với trên 4.200 lao động là F0. Có 2 công ty may có đông người lao động là F0, ảnh hưởng đến tiến độ các đơn hàng. Các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng thêm, nhưng việc tuyển dụng khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Có công ty đang có nhu cầu tuyển thêm 500 lao động nhưng chưa tuyển được người làm.
Về vấn đề lao động là F0, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết: Qua nắm bắt thông tin từ các hội viên, có những doanh nghiệp ghi nhận số lao động mắc COVID-19 nhiều. Đáng chú ý, có một doanh nghiệp may có tới 45% lao động bị mắc F0, một số doanh nghiệp có đến 30-40% lao động đã trở thành F0. Ước tính bình quân thời điểm này có khoảng 25% số lao động tại doanh nghiệp là F0. Người lao động mắc COVID-19 đều được tạm thời nghỉ việc, điều trị theo quy định.
Tình trạng lao động bị nhiễm F0 gia tăng đang làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu vì vẫn phải đảm bảo về sản lượng, theo tiến độ đơn hàng. “Tác động này sẽ ảnh hưởng trong vài tháng tới bởi tình trạng này sẽ dai dẳng, hết người này mắc rồi đến người khác nên sẽ ảnh hưởng đến dây truyền sản xuất. Nhất là việc tăng ca sẽ khó thực hiện được đối với doanh nghiệp sản xuất có độ chuyên môn hóa. Vì vậy, trước tình trạng thiếu hụt lao động mang tính tạm thời này, doanh nghiệp đang lên phương án, sắp xếp lại sản xuất cho phù hợp. Nhìn chung ở một số doanh nghiệp đang xử lý việc thiếu hụt lao động tạm thời”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.
"Về chính sách lao động nghỉ hưởng chế độ ốm đau, tùy vào tình hình tài chính doanh nghiệp, có đơn vị vẫn hỗ trợ trả lương cho lao động nếu vẫn làm việc online, nhưng chủ yếu là khối văn phòng. Còn với doanh nghiệp sản xuất đông lao động thì chuyển sang BHXH chi trả. Theo ghi nhận việc triển khai vẫn còn chậm làm thủ tục cho F0 hưởng chế độ ốm đau từ BHXH do lượng lao động đến giải quyết đông nên cần ứng dụng công nghệ thông tin. Việc giải quyết thủ tục hành chính này cần sớm được các ban ngành chức năng quan tâm bởi đó cũng là hỗ trợ doanh nghiệp duy trì lực lượng sản xuất”, ông Mạc Quốc Anh cho biết.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, dự báo số ca mắc tăng cao, mới đây Liên đoàn lao động TP Hà Nội có công văn chỉ đạo các cấp công đoàn Thủ đô tiếp tục tăng cường các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức để giảm thiểu tối đa nguy cơ lây nhiễm.
Theo XM (Báo Tin Tức)