Không khí năm mới đang cận kề, nhiều gia đình đã sửa sang nhà cửa, mua sắm quần áo mới cho con để chuẩn bị đón Tết cổ truyền thật sung túc, đầm ấm, đầy đủ. Trong không khí tất bật, nhộn nhịp ấy, đâu đó những phận người kém may mắn len lỏi trên các con đường, góc phố mưu sinh, từ bán hàng rong, chở hàng, dọn dẹp nhà, bảo vệ, sửa xe, bốc vác...
Đối với những lao động nghèo, khoảng thời gian cận Tết là thời điểm để họ làm thêm, tăng thu nhập, vì khi đó công việc nhiều, người thuê cũng phóng khoáng lì xì thêm. Do đó, họ sẽ cố gắng “cày” để có tiền chi tiêu trong dịp Tết và dư dả chút đỉnh để trang trải cho phí sinh hoạt gia đình sau Tết.
4 giờ sáng, anh Lê Phước Thiện và ông Trương Minh Dũng (cùng ngụ phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) đã phải chở hàng trăm ghế ngồi cho một sự kiện tại tượng đài cá basa. Sau khi sự kiện kết thúc, anh Thiện và ông Dũng lại hối hả chất từng chồng ghế lên chiếc xe lôi đạp để chở về chỗ cho thuê.
Vừa chất ghế lên xe, anh Thiện vừa nói: “Tranh thủ chở về còn ra chợ để chở hàng. Tết đến nơi rồi nên ráng “cày” để có tiền mua đồ cúng ông bà và sắm đồ đạc cho con cái. Tết đến nhiều thứ phải chi lắm”.
Còn ông Dũng cho biết: “Thời điểm này, cánh xe lôi tụi tôi được nhiều người thuê, phải tranh thủ kiếm tiền”. Hiện tại, trung bình ông Dũng chạy từ 5-8 cuốc xe, chủ yếu trong nội ô thành phố, với mức thu nhập khoảng 200.000 đồng/ngày, gấp 2-3 lần so với ngày thường.
“Cận Tết nên nhu cầu vận chuyển hàng hóa của người dân tăng cao nên tôi được nhiều người thuê, nhờ đó thu nhập cũng khá. Còn hơn 1 tuần nữa là đến Tết, mong sao được nhiều người thuê để có tiền trang trí nhà cửa đón Tết” - ông Dũng chia sẻ.
Trên các tuyến đường nội ô TP. Long Xuyên, như: Bùi Thị Xuân, Bùi Văn Danh, Phạm Hồng Thái, Lê Triệu Kiết… rực rỡ màu sắc của hoa kiểng, mai vàng và các loại cây cảnh đón Tết. Hòa trong dòng người bán, mua là những người lao động chở thuê.
Khi người dân đi chợ hoa xuân chọn cho mình những loại cây cảnh, hoa kiểng đẹp về nhà trưng Tết, thì họ vẫn miệt mài với công việc của mình. Tại ngã ba Bùi Thị Xuân và Bùi Văn Danh, lúc nào cũng có vài ba người chạy xe “ôm” hoặc xe lôi đạp, xe thớt chờ sẵn để khi có khách họ sẽ được gọi chở.
Thường ngày, ông Lê Văn Hải (ngụ phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) chỉ chạy xe “ôm” nhưng hơn tuần nay, khi chợ hoa xuân TP. Long Xuyên có nhiều người mua, bán thì ông Hải thường xuyên “đóng đô” ở ngã ba Bùi Thị Xuân và Bùi Văn Danh để đón khách.
Ngoài việc chạy xe “ôm” chở khách, ông Hải còn nhận chở cây cảnh, chậu hoa kiểng. Ông Hải chia sẻ: “Hàng năm đến dịp giáp Tết, người ta bán cây cảnh thì tôi kiêm luôn nghề chở thuê. Chạy xe máy nên chỉ chở được những loại cây cảnh hay những chậu hoa nhỏ gọn. Những cây lớn hơn thì xe lôi đạp hay xe thớt mới chở được. Gần Tết xe cộ chạy đông nên đòi hỏi phải cứng tay lái và thật cẩn thận, nếu hàng của khách rớt bể chậu hay hư hại là mình đền tiền oan”.
Theo chia sẻ của ông Hải, tùy theo quãng đường xa hay gần mà chi phí khác nhau. Trung bình ông được khách hàng trả từ 50.000 - 200.0000 đồng cho một chuyến đi. “Nhiều khi đến nơi người ta thấy thương nên lì xì thêm nên thu nhập cũng khá. Tết đến nơi rồi nên phải cố gắng làm để có thêm tiền ăn Tết, về khuya một chút cũng phải ráng” - ông Hải chia sẻ.
Tại chợ đầu mối Long Xuyên, không khí cũng nhộn nhịp không kém chợ hoa. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau, quả, trái cây ngày càng nhiều vào dịp Tết, từ 1 tháng nay ở đây đã tấp nập bán buôn, kéo theo nhu cầu lao động tăng cao.
Anh Nguyễn Thanh Tú (ngụ phường Mỹ Long) là người đã có gần 20 năm gắn bó với nghề “cửu vạn” cho biết: “Làm cái nghề bốc xếp phải làm quanh năm không có thời gian nghỉ, trời nắng thì đội nắng, trời mưa phải dầm mưa. Mấy ngày nay, hàng hóa nhiều nên làm vất vả lắm nhưng phải cố gắng vì Tết sắp đến rồi”.
Tết là thời khắc thiêng liêng với mọi người dân. Vì thế, dù vất vả mưu sinh nhưng ai cũng cố gắng để gia đình có một cái Tết sung túc và đầm ấm, với mong ước những điều tốt đẹp nhất trong năm mới.
TRUNG HIẾU