Laporte - Tây Ban Nha, mối tình gượng ép có đơm hoa?

14/06/2021 - 10:08

2 giờ sáng 15-6, Aymeric Laporte, người bị Pháp ruồng bỏ sẽ ra sân cùng đội tuyển Tây Ban Nha. Với anh, đây sẽ là khởi đầu hành trình gây dựng tình yêu thực sự với người hâm mộ xứ đấu bò.

Thật ngạc nhiên khi Luis Enrique không gọi Sergio Ramos cho chiến dịch Euro 2020. Nhà lãnh đạo, người có khả năng gây dựng sự đoàn kết ở một quốc gia nhiều chia rẽ lại phải ở nhà. Thay vào đó là Aymeric Laporte, hậu vệ sinh ra ở Pháp. 

8 năm trước tại Vòng chung kết U19 châu Âu, Laporte khoác áo U19 Pháp và đối đầu với Tây Ban Nha có Adama Traore trong đội hình. Bây giờ họ lại là đồng đội của nhau và chiến đấu tại Euro 2020 với tư cách tuyển thủ Tây Ban Nha. 

Nếu số phận mỉm cười với Laporte, hay chính xác là huấn luyện viên Didier Deschamps thích, anh đã là Á quân EURO 2016 hay đăng quang tại World Cup 2018 cùng tuyển Pháp. “Lẽ ra tôi phải là nhà vô địch thế giới”, trung vệ của Man City nói với sự tiếc nuối. 

Ở tuổi 27, Laporte quyết định chuyển sang khoác áo Tây Ban Nha. (Ảnh: 24News)

Có thể vì lý do cá nhân, hoặc đơn giản là Pháp có quá nhiều lựa chọn chất lượng ở trung tâm hàng thủ, Laporte chưa bao giờ chơi một trận chính thức cho Les Bleus. Hai lần được triệu tập, vào các năm 2017 và 2019, nhưng anh đều ra về trong thất vọng.

Trưởng thành từ rất sớm ở CLB Bilbao, sau đó gia nhập Man City năm 2017 với mức giá kỷ lục 57 triệu bảng và lọt vào đội hình xuất sắc nhất mùa 2018/19 của Premier League, khá bất công khi Laporte vẫn chờ đợi mỏi mòn để một lần khoác áo đội tuyển quốc gia.

Vào thời điểm tuyệt vọng bởi đã 27 tuổi, Laporte bất ngờ nhận được cuộc gọi từ Liên đoàn bóng đá Tây Ban Nha. Không như Pháp, La Roja đã tìm kiếm trung vệ trong một thời gian dài. Kể từ sau thế hệ của Ramos và Gerard Pique, không có cái tên chất lượng nào nổi lên. Cực chẳng đã, họ phải tính đến chuyện nhập tịch. Trung vệ gốc Brazil, Gabriel Paulista của Valencia là một lựa chọn. Thật không may, Paulista không thể lên tuyển dù đã có quốc tịch Tây Ban Nha bởi không đáp ứng yêu cầu về thời gian cư trú 5 năm liên tục. 

Laporte lại phù hợp tiêu chí này. Anh gia nhập lò đào tạo Bilbao từ năm 2010 và đến năm 2018 mới chuyển đến Anh. Không những thế, cụ cố của Laporte là người xứ Basque. Ít nhất anh cũng mang trong mình một phần dòng máu Tây Ban Nha. 

Đầu tháng 5, Laporte nhận hộ chiếu Tây Ban Nha. Một tháng sau anh chơi trận ra mắt La Roja. Sau đó, đến EURO 2020 thay vì Ramos. Giờ thì Laporte có thể tận hưởng cảm giác ngọt ngào khi đại diện cho một quốc gia và chinh chiến ở giải đấu lớn? 

Đáng tiếc, câu trả là không. Người dân xứ đấu bò không mấy chào đón một người từng khoác áo Pháp (ở cấp độ trẻ), nhất là khi anh ta khiến Ramos bị loại. “Anh nghĩ rằng chỉ cần nói được tiếng Tây Ban Nha là đủ để hát quốc ca, và chiến đấu cho màu cờ sắc áo của đất nước này?”, một phóng viên hỏi Laporte trong cuộc họp báo đầu tiên với tư cách cầu thủ Tây Ban Nha. 

Trên thế giới có rất nhiều trường hợp cầu thủ thay đổi lựa chọn đội tuyển quốc gia. Ngay ở EURO lần này, Declan Rice và Jack Grealish từng từ bỏ Cộng hòa Ireland để chuyển sang chơi cho Anh, hoặc Jamal Musiala lại từ chối Anh để khoác áo Đức. Có điều, Laporte quyết định quá muộn, khi đã 27 tuổi và sau thời gian dài cố gắng để được Pháp lựa chọn. 

Thêm nữa, Laporte đến với Tây Ban Nha ở thời điểm phong độ xuống thấp. Anh chỉ ra sân 27 trận cho Man City ở mọi đấu trường mùa 2020/21 và mất suất đá chính. Nó xuất phát từ màn trình diễn tệ hại trong trận thua 0-2 trước Tottenham vào tháng 11-2020. Pep Guardiola chuyển sang chọn John Stones, và trung vệ này ngay lập tức hình thành mối quan hệ đối tác gắn bó với Ruben Dias. Mùa hè này, Laporte nhiều khả năng sẽ bị bán. 

Dưới muôn vàn áp lực, Laporte sẽ trở thành trái tim, điểm tựa cho hàng thủ Tây Ban Nha, giúp đội bóng này lên đỉnh vinh quang? Nếu làm được điều đó, anh sẽ xoay chuyển vận mệnh bản thân và gây dựng tình yêu với người dân xứ đấu bò. Nhược bằng không, mối tình gượng ép với Tây Ban Nha có thể kết thúc ngay khí mới bắt đầu.

Theo HẢI THANH (Báo Nhân Dân)