Tiếng xe gắn máy gầm rú đưa chúng tôi ngược dốc lên đỉnh Bồ Hong. Dù nhiều lần lên núi bằng phương tiện này, nhưng chúng tôi vẫn căng thẳng. Cứ đến đoạn ngược dốc, anh bạn thân lại cười hô hố khi thấy tôi bấu mạnh vào vai. Chiếc xe gắn máy phân khối lớn cứ hùng hục trườn qua mấy con dốc, lướt qua những khúc cua “cù chỏ” trong sự đứng ngồi không yên của tôi.
Vừa chạy xe, anh bạn vừa nói vui: “Anh ở dưới xuôi lên, cũng nên đến vồ Bồ Hong để “chữa lành” tâm hồn cho bớt áp lực cuộc sống”. Tuy nhiên, sau 20 phút vòng vèo, lên dốc, đổ đèo, tôi không biết mình có nên đi “chữa lành” nữa hay không.
Đến điểm tập kết xe quen thuộc, chúng tôi lại ngược dốc bằng chân thêm vài trăm mét nữa. Quả thật, những cung đường trên núi bao giờ cũng mang đến cho người ta thử thách nhất định. Lẫn trong tiếng thở hổn hển là những giọt mồ hôi chảy trên gương mặt của tôi, dù cung đường này được thiết kế bậc thang cho khách bộ hành dễ đi.
Cảnh vật Bảy Núi với góc nhìn từ vồ Bồ Hong
Đến vồ Bồ Hong, cảm giác thư thái hẳn ra. Trong dịu mát của đất trời, chúng tôi ngồi nghỉ chân trên chiếc ghế đá kê ven đường. Không khí chốn non cao trong lành, hòa cùng cơn gió ở đâu kéo đến khiến bao nhiêu mệt nhọc dần tan biến. Nhìn xuống phía dưới, khu trung tâm hành hương thu gọn trong tầm mắt.
Nhờ những cơn mưa đầu mùa, không khí trên vồ Bồ Hong dịu mát hơn những ngày trước đó. Nhiều đoàn khách hành hương cũng lên đến đỉnh Bồ Hong. Họ tranh thủ chuẩn bị lễ vật, nhang đèn để chiêm bái các đấng siêu nhiên.
Trên vồ Bồ Hong có 3 điện thờ do người dân dựng lên, gồm: Điện Ngọc Hoàng, điện Địa Mẫu Diêu Trì, điện Cửu Huyền Thất Tổ. Điện thờ Ngọc Hoàng ở vị trí cao nhất, có tượng Ngọc Hoàng lộ thiên trên một khối đá lớn. Thấp hơn có điện thờ Địa Mẫu Diêu Trì, được xây thành ngôi miếu nhỏ và cũng có đặt tượng. Cách đó khoảng 20m có điện thờ Cửu Huyền Thất Tổ cũng được xây thành miếu, bên trong có tượng ông cụ, bà cụ trong tư thế ngồi, mặc áo dài, râu tóc bạc, búi tóc sau đầu, vẻ mặt phúc hậu...
“Người dân tích hợp Ngọc Hoàng, Địa Mẫu trong Đạo giáo của người Hoa với tín ngưỡng bản địa là thờ cúng tổ tiên của người Việt, tạo nên bộ ba thiên - địa - nhân vô cùng độc đáo. Điều đó thể hiện sự năng động, sáng tạo của người dân trong giao lưu văn hóa. Đây là nơi được rất đông khách hành hương đến chiêm bái, cầu nguyện các đấng siêu nhiên phù hộ cho gia đình an lạc, vạn sự hanh thông” - Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch Núi Cấm Đinh Văn Chắc thông tin.
Ông Đinh Văn Chắc cho hay, nhiều du khách lên đỉnh Bồ Hong hành hương và thưởng ngoạn phong cảnh hữu tình đẹp tựa như tranh từ góc nhìn trên đỉnh non cao. Quả thật, từ vồ Bồ Hong có thể thu vào tầm mắt sự hùng vĩ, trập trùng của dãy Thất Sơn, với đủ mảng màu thiên nhiên tươi đẹp. Đứng trước trời đất bao la, lòng người trở nên phóng khoáng, cảm giác an lành, nhẹ nhàng trong tâm hồn để tạm quên những muộn phiền trong cuộc sống.
Lần đầu đến với vồ Bồ Hong, chị Tố Trinh (ngụ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) không giấu được sự phấn khởi. Người phụ nữ ở xứ mía này cứ liên tục dùng điện thoại thông minh ghi lại những khoảnh khắc ấn tượng với thiên nhiên bao la, bát ngát.
“Đây là lần đầu tiên, tôi đến vồ Bồ Hong. Lúc đầu, cứ nghĩ ở đây có nhiều bồ hong nên thành tên gọi. Không ngờ lên đây khí hậu trong lành, phong cảnh rất đẹp. Tôi thắp hương nguyện cầu Ngọc Hoàng, Địa Mẫu, các vị chư thần phù hộ cho gia đình được bình an, công việc thuận lợi. Có thể, những năm sau, tôi trở lại vồ Bồ Hong, vì nơi này rất đặc biệt. Quanh năm ở ruộng đồng, giờ được nhìn cảnh vật ở từ trên cao, tôi thấy khá thú vị” - chị Trinh chia sẻ.
Theo lời người dân núi Cấm, được nghỉ lại qua đêm trên đỉnh vồ Bồ Hong mới thực sự là trải nghiệm trọn vẹn. Có tận hưởng đêm trên núi, nghe gió rít vi vu qua từng vồ đá, ngắm nhìn rừng mây phủ trắng núi đồi trong buổi tinh mơ, mới hiểu đầy đủ nét đặc trưng của chốn non cao. Đó là những yếu tố góp phần hình thành danh xưng “Đà Lạt miền Tây” cho ngọn Thiên Cấm Sơn hùng vĩ này.
Sau chuyến hành trình, tôi tạm biệt đỉnh Bồ Hong để trở lại với cuộc sống thường ngày. Tuy nhiên, cảm giác an yên trước thiên nhiên là dấu ấn đặc biệt, để tôi có thêm những lần quay lại nơi này.
Trong tương lai, đỉnh Bồ Hong cần được đầu tư, phát triển các dịch vụ du lịch, giúp du khách có những trải nghiệm đầy đủ, chất lượng hơn khi đến với nơi cao nhất của miền Tây.
Theo Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm, ngày xưa, trên vồ đá cao nhất núi Cấm này có rất nhiều bồ hong. Vào buổi chiều, người dân không thể ra khỏi nhà vì loài bồ hong bay đặc cả không gian, hiện tượng này kéo dài đến giữa thế kỷ XX. Mặc dù hiện tại, loài côn trùng này giảm đi số lượng, nhưng tên gọi vồ Bồ Hong trở thành huyền thoại, ghi dấu một thời “khai sơn, phá thạch” của người xưa trên đỉnh núi cao nhất miền Tây.
|
MINH QUÂN