Một nhà máy điện hạt nhân ở Michigan, Mỹ. (Nguồn: news.un.org)
Ngày 7-10, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội (DESA) Lưu Chấn Dân đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết vấn đề chất thải hạt nhân.
Phát biểu tại Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu và Vai trò của Điện hạt nhân diễn ra tại Vienna, Áo, ông Lưu Chấn Dân cho rằng sự an toàn là mối quan tâm lớn của cộng đồng, đặc biệt sau khi xảy ra sự cố điện hạt nhân ở Fukushima (Nhật Bản) và nỗi lo sợ chủ nghĩa khủng bố.
So với các nguồn năng lượng truyền thống đang dần cạn kiệt, năng lượng hạt nhân vẫn chiếm ưu thế rõ rệt về sự ổn định. Do đó, nhiều quốc gia đã lựa chọn con đường phát triển những dự án nhà máy điện hạt nhân với công suất khổng lồ.
Tuy nhiên, mặc dù thế giới đã đạt được nhiều bước tiến trong phát triển công nghệ xử lý chất thải hạt nhân nhưng vấn đề này vẫn làm đau đầu giới khoa học. Trên thực thế, các quốc gia vẫn chưa thống nhất được phương pháp lưu trữ rác thải hạt nhân an toàn hay có các giải pháp xử lý dài hạn.
Mặc dù vậy, ông Lưu Chấn Dân vẫn ghi nhận công nghệ hạt nhân đóng một vai trò quan trọng, tích cực trong xã hội như hỗ trợ chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư và các bệnh khác; công nghệ bức xạ giúp ngăn chặn thực phẩm bị hỏng và tạo ra các giống cây trồng mới, hỗ trợ thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đối với điện hạt nhân, ông đánh giá chi phí cho lĩnh vực này là khá lớn và đây là vấn đề quan trọng, trong khi các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió đang tiếp tục giảm giá và ngày càng cạnh tranh với các nguồn năng lượng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Do đó, để đáp ứng chi phí vốn cho việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân cần các cam kết của chính phủ và sự chấp nhận của cộng đồng dân cư.
Trước đó, quyền Tổng giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Cornel Feruta cảnh báo về khả năng khó đạt được mục tiêu giảm khí thải độc hại và chống biến đổi khí hậu nếu không gia tăng đáng kể việc sử dụng năng lượng hạt nhân trên toàn thế giới.
IAEA chỉ ra rằng năng lượng hạt nhân đóng góp khoảng một phần ba tổng lượng điện carbon thấp, thực tế sản phẩm này không tạo ra khí thải nhà kính và cung cấp khoảng 10% tổng lượng điện sản xuất trên toàn thế giới.
Cơ quan này cũng thừa nhận có những lo ngại lâu nay về các nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe và môi trường do chất thải phóng xạ từ các nhà máy điện hạt nhân gây ra. Tuy nhiên, ông Feruta cho rằng những tiến bộ liên quan đến việc xử lý chất thải hạt nhân có thể làm giảm bớt lo ngại của cộng đồng quốc tế đối với nguồn năng lượng có tính bền vững lâu dài này.
Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu và Vai trò của Điện hạt nhân do Cơ quan Năng lượng Hạt nhân (NEA) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) phối hợp tổ chức.
Hội nghị đã thu hút sự tham gia của khoảng 550 đại biểu đến từ 79 quốc gia và 18 tổ chức quốc tế nhằm trao đổi các thông tin khoa học và tổ chức các cuộc thảo luận về vai trò của năng lượng hạt nhân trong việc giảm thiểu khủng hoảng khí hậu.
Theo HỮU THANH (Vietnam+)