Trẻ em tại một trại tị nạn ở Marib, Yemen ngày 18-2-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Mạng lưới toàn cầu chống khủng hoảng lương thực (GNAFC), mức độ đói nghiêm trọng đã diễn ra ở 55 quốc gia trong 5 năm qua, chỉ tính riêng năm 2020 đã có thêm 20 triệu người rơi vào tình trạng đói so với năm 2019.
Báo cáo cho biết các quốc gia ở châu Phi vẫn “bị ảnh hưởng không cân xứng”, với gần 98 triệu người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong năm 2020, chiếm 2/3 tổng số người phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực trên toàn thế giới. Ảnh hưởng của xung đột đã đẩy gần 100 triệu người vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, tiếp theo là các cú sốc kinh tế, với 40 triệu người và ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, với 16 triệu người.
Trong báo cáo, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá “xung đột và nạn đói đang kết hợp với nhau. Chúng ta cần cùng nhau giải quyết nạn đói và xung đột. Chúng ta phải làm mọi cách để chấm dứt vòng luẩn quẩn này. Giải quyết nạn đói là nền tảng cho sự ổn định và hòa bình”.
Đánh giá của Mạng lưới GNAFC, bao gồm Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WFP) dựa trên thang IPC đối với an ninh thực phẩm cấp tính, đã tiết lộ rằng các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Burkina Faso, Nam Sudan và Yemen. Trên khắp các nước này, khoảng 133.000 người đang ở mức IPC5 - mức nhu cầu cao nhất - và họ yêu cầu hành động ngay lập tức “để ngăn chặn tình trạng tử vong trên diện rộng và sự sụp đổ của sinh kế”.
Báo cáo cũng cho biết có ít nhất 28 triệu người khác đã ở mức IPC4 “cận kề chết đói” thuộc 38 quốc gia và vùng lãnh thổ, nơi hành động khẩn cấp đã cứu mạng sống và sinh kế, đồng thời ngăn chặn nạn đói lan rộng. Không chỉ châu Phi, các khu vực khác trên thế giới cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, bao gồm Yemen, Afghanistan, Syria và Haiti - nằm trong số 10 nước khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất trong năm ngoái.
Theo HỮU THANH (Báo Tin Tức)