Người dân phải rời nhà cửa do xung đột tại Tigray, Ethiopia, ngày 19/6/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 19/9, các nhà điều tra của Liên hợp quốc cho biết họ tin rằng chính phủ Ethiopia đứng sau những tội ác chống lại loài người đang diễn ra ở khu vực Tigray, đồng thời cảnh báo rằng việc cuộc xung đột ở đây tái diễn làm gia tăng nguy cơ xảy ra các tội ác tàn bạo.
Trong báo cáo đầu tiên, Ủy ban Chuyên gia về Nhân quyền của Ethiopia cho biết họ đã tìm thấy bằng chứng về hàng loạt hành vi vi phạm ở nước này của tất cả các bên, kể từ khi giao tranh nổ ra ở khu vực phía Bắc Tigray vào tháng 11/2020.
Ủy ban này, được Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc thành lập năm ngoái và gồm 3 chuyên gia độc lập về nhân quyền, cho biết họ có "cơ sở hợp lý để tin rằng, trong một số trường hợp, những vi phạm này có thể là tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người."
Các chuyên gia nhấn mạnh tình hình kinh hoàng ở Tigray, nơi chính phủ và các đồng minh của họ đã từ chối khoảng 6 triệu người tiếp cận các dịch vụ cơ bản trong vòng hơn một năm, bao gồm internet và ngân hàng, nơi mà những hạn chế nghiêm trọng về việc tiếp cận nhân đạo đã khiến 90% dân số đang rất cần sự cứu trợ.
Báo cáo cho biết có "cơ sở hợp lý để tin rằng Chính phủ Liên bang và chính quyền của các bang khu vực đồng minh đã và đang tiếp tục thực hiện các tội ác chống lại loài người, khủng bố vì lý do sắc tộc và các hành vi vô nhân đạo khác."
Báo cáo nhấn mạnh rằng họ đã "cố ý gây ra nỗi đau hoặc thương tích nghiêm trọng cho cơ thể, tinh thần hoặc thể chất con người dựa trên việc họ liên tục từ chối và cản trở hỗ trợ nhân đạo cho khu vực Tigray.”
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Kaari Betty Murungi mô tả cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Tigray mang tính "gây sốc, cả về quy mô và thời gian".
Theo Vietnamplus