Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị quốc tế về Libya ở thủ đô Berlin, Đức ngày 19-1-2020. Ảnh: AFP-TTXVN
Quyết định trên được đưa ra trên cơ sở Nghị quyết 2510 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Trong một thông báo trên tài khoản Twitter, UNSMIL nêu rõ: "Chúng tôi hoan nghênh ý thức trách nhiệm cũng như tinh thần nghiêm túc và mang tính xây dựng của các bên tham gia đàm phán. Chúng tôi hy vọng rằng tinh thần này được đưa vào Diễn đàn Chính trị Libya, với sự tham dự của đầy đủ các bên, dự kiến bắt đầu diễn ra vào ngày 26-2 tới, và kêu gọi tất cả các bên nắm bắt cơ hội để phản hồi một cách tích cực".
Theo UNSMIL, Ủy ban quân sự chung Libya là 1 trong 3 lộ trình giữa các phe phái Libya đang được UNSMIL triển khai, cùng các lộ trình kinh tế và chính trị. Vòng đàm phán đầu tiên của Ủy ban quân sự chung Libya diễn ra từ ngày 3-2-8-2 ở Geneva.
Trước đó, ngày 17-2, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) đã công bố Kế hoạch ứng phó nhân đạo (HRP) năm 2020 tại Libya.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, kế hoạch này đã được phê duyệt cuối tuần qua, với khoản kinh phí lên đến 115 triệu USD, nhằm mục đích đáp ứng các nhu cầu nhân đạo đang trở nên cấp thiết tại quốc gia Bắc Phi này. Thủ tướng Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) Fayez al-Sirraj đã cam kết cung cấp 10 triệu USD cho kế hoạch này.
Phát biểu với báo giới, điều phối viên nhân đạo của LHQ tại Libya - ông Yacoub El Hillo cho biết tình trạng xung đột kéo dài ở Libya, đặc biệt là việc hoạt động xuất khẩu dầu bị phong tỏa từ giữa tháng 1 vừa qua, đã khiến nguồn thu chính của quốc gia này bị sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng mạnh đến đời sống của người dân. Ông đồng thời đánh giá tình hình bạo lực ở Libya và tình trạng vi phạm lệnh cấm vận vũ khí đã khiến quốc gia Bắc Phi này trở thành "kho dự trữ đạn dược không kiểm soát lớn nhất thế giới". Số liệu thống kê ước tính hiện đang có 150.000 đến 200.000 tấn đạn dược không được kiểm soát trên khắp Libya.
Cũng trong ngày 17-2, người đứng đầu phái bộ Liên minh châu Âu (EU) tại Libya đã kêu gọi các bên liên quan chấm dứt tình trạng bạo lực đang diễn ra ở nước này.
Ông Alan Bugeja nêu rõ: "Tôi kêu gọi tất cả các bên tham chiến ở Libya hãy đặt lợi ích của người dân Libya lên hàng đầu bằng cách chấm dứt bạo lực, và chân thành tham gia vào lộ trình hòa bình đã được đưa ra tại Hội nghị Berlin. Đây là con đường duy nhất để giải quyết cuộc xung đột đang diễn ra, và để nối lại tiến trình hòa giải không thể thiếu đối với nền hòa bình, sự ổn định, tự do và thịnh vượng (ở Libya)".
Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện ở nước này tồn tại hai chính quyền với lực lượng vũ trang riêng. GNA được LHQ công nhận và được Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar ủng hộ, trong khi Tướng Khalifa Hafta đứng đầu Quân đội miền Đông được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ, đồng thời nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp. Bạo lực gia tăng kể từ tháng 4-2019 khi Tướng Haftar bắt đầu chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA. Giao tranh ác liệt giữa các bên đã khiến hàng nghìn người thương vong, buộc hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 800.000 người phải trông chờ vào viện trợ nhân đạo.
Kể từ tháng 4-2019, với lý do truy quét tàn dư khủng bố, quân đội miền Đông Libya (LNA) đã triển khai chiến dịch quân sự nhằm vào thủ đô Tripoli - vốn nằm trong sự kiểm soát của GNA. Đến nay, giao tranh ác liệt đã khiến hàng nghìn người thiệt mạng và hơn 150.000 người buộc phải rời bỏ nhà cửa. Các dịch vụ cơ bản của đời sống tại Tripoli và các khu vực lân cận bị gián đoạn, khiến khoảng 800.000 người phải trông chờ vào viện trợ nhân đạo. Dư luận quốc tế lo ngại nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở quốc gia Bắc Phi này như ở Yemen.
Theo Báo Tin Tức