Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở thủ đô Washington, D,C. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là kịch bản tồi tệ, đẩy kinh tế Mỹ đi vào suy thoái, gây khủng hoảng lan rộng toàn cầu. Nhưng xác suất đối với kịch bản này là không lớn và nhiều khả năng các bên sẽ sớm đạt giải pháp tạm thời.
Nước Mỹ lại bị ám ảnh bởi trần nợ công
Truyền thông Mỹ ngày 16/5 đưa tin Tổng thống Joe Biden dự định sẽ cắt ngắn chuyến công du nước ngoài sắp tới. Ông Biden sẽ trở về Mỹ ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh G-7 (từ ngày 19-21/5) tại Hiroshima Nhật Bản, hủy chuyến thăm tới Papua New Guine và không tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ (Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ) dự kiến diễn ra ngày 24/05 ở Australia.
Nguyên nhân là Tổng thống Biden muốn thúc đẩy đàm phán, sớm đạt được thỏa thuận với phe Cộng hòa về trần nợ công, tránh để nước Mỹ lâm vào tình cảnh vỡ nợ. Điều này phần nào cho thấy tính chất nghiêm trọng của vấn đề. Vậy trần nợ công là gì và tại sao lại xuất hiện nguy cơ vỡ nỡ đối với Mỹ liên quan đến trần nợ công?
Về khái niệm, trần nợ công của Mỹ là tổng số tiền mà chính phủ liên bang có thể vay mượn một cách hợp pháp. Do là nước thường xuyên thâm thủng ngân sách lớn khi tiêu vượt quá thu, nên buộc chính phủ Mỹ phải vay mượn. Theo quy định, khi chạm trần nợ công Bộ Tài chính Mỹ không thể vay mượn thêm để trang trải cho các hoạt động của chính phủ, chi trả lương hưu, bảo đảm an sinh xã hội. Bộ này vẫn có thể sử dụng tiền mặt dự trữ và “các giải pháp đặc biệt” liên quan đến ba quỹ lớn nhằm đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của chính phủ. Nhưng khi “các biện pháp đặc biệt” đã dùng hết và dự trữ tiền mặt của Bộ Tài chính Mỹ cạn kiệt, chính phủ liên bang sẽ đối diện với “ngày vỡ nợ” (X-Date) - ngày chính phủ không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính đầy đủ và đúng hạn.
Rất khó đưa ra nhận định chính xác về “X-Date”, bởi điều này phụ thuộc vào nguồn thu hàng ngày cũng như khả năng sử dụng công cụ đặc biệt, tiền mặt mà Bộ Tài chính nắm giữ. Theo đánh giá của Trung tâm chính sách lưỡng đảng (BPC-Bipartisan Policy Centre), tính đến ngày 03/05, Bộ Tài chính Mỹ còn khoảng 115 tỷ USD khả dụng từ “giải pháp đặc biệt”, cùng với 188 tỷ USD tiền mặt. BPC dự đoán X-Date dao động trong khoảng từ đầu tháng 6 đến đầu tháng 8/2023.
Năm 1939, Quốc hội Mỹ lần đầu tiên áp mức vay mượn tối đa đối với chính phủ là 45 tỷ USD, chiếm khoảng 10% tổng nợ liên bang tại thời điểm đó. Sau thời điểm này, kinh tế Mỹ phát triển nhanh, đi cùng đó là mức nợ công cũng tăng theo. Tổng nợ liên bang của Mỹ năm 2022 lên tới 30,9 nghìn tỷ USD. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tại thời điểm năm 2021, nợ chính phủ của Mỹ chiếm 128% GDP.
Tuy nhiên, tranh cãi, mâu thuẫn trần nợ công dường như là vấn đề của riêng nước Mỹ. Các nước khác cũng có giải pháp về ranh giới nợ công, nhưng với mục tiêu khuyến khích kiểm soát chi tiêu hợp lý, gắn nợ công theo tỉ lệ đối với GDP. Cùng với Mỹ là trường hợp của Đan Mạch, nhưng nước này không vướng vào vòng tranh cãi như tại Mỹ. Bởi khi thông qua quyết định về trần nợ công vào năm 1993, Đan Mạch chọn cách đưa mức trần này lên cao vót, đạt 950 tỷ kroner (tương đương với 140 tỷ USD).
Hệ quả vỡ nợ và khả năng xảy ra vỡ nợ đối với Mỹ
Giới chức Mỹ gần đây liên tục cảnh báo nguy cơ vỡ nỡ nếu không có giải pháp điều chỉnh trần nợ công. Về mặt kỹ thuật, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jannet Yellen ngày 19/1 khẳng định chính phủ đã cán mức trần nợ công 31,4 nghìn tỷ USD mà Quốc hội thông qua. Đến ngày 11/5, bà Yellen lên tiếng cảnh báo việc Mỹ vỡ nợ do bế tắc về trần nợ công sẽ đẩy kinh tế Mỹ đi vào suy thoái, làm suy yếu vị thế lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ và châm ngòi cho bất ổn toàn cầu.
Cảnh báo được đưa ra tại thời điểm các cuộc đàm phán giữa Nhà Trắng và phe Dân chủ về nâng hoặc đóng băng trần nợ công lâm vào bế tắc. Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa kiểm soát đã thông qua Dự luật về Giới hạn, tiết kiệm và Tăng trưởng 2023. Quan điểm của đảng này là sẽ đóng băng trần nợ công (nợ công thực tế của Mỹ tăng lên bao nhiêu thì đó là trần nợ mới của Mỹ) đến ngày 31/3/2024, hoặc là tăng trần nợ công thêm 1.500 tỷ USD từ mức 31,4 nghìn tỷ USD hiện nay, tùy theo điều kiện nào đến trước. Đổi lại, đảng Cộng hòa yêu cầu chính phủ cắt giảm chi tiêu 4.500 tỷ USD trong 10 năm tới – điều không được Nhà Trắng chấp nhận.
Vỡ nợ do không đạt thỏa thuận về trần nợ công sẽ gây ra hệ quả xấu đối với kinh tế Mỹ. Báo cáo của Hội đồng Cố vấn Kinh tế Nhà Trắng (CEA) công bố ngày 5/5 nhận định kịch bản vỡ nợ ngắn hạn sẽ khiến tỉ lệ thất nghiệp tăng thêm 0,3%, GDP giảm 0,6%. Còn kịch bản vỡ nợ kéo dài, mức tổn thất sẽ lên tới thêm 5% tỉ lệ thất nghiệp, kinh tế suy giả 6,1%. Vỡ nợ cũng sẽ kích hoạt làn sóng tăng lợi suất trái phiếu, gây đổ vỡ trên các thị trường tài chính Mỹ và nền kinh tế thực ở Mỹ, ảnh hưởng đến phạm vi toàn cầu.
Phân tích của tờ Washington Post ngày 15/5 cũng chỉ ra 7 hệ lụy nếu Mỹ vỡ nợ: Thị trường chứng khoán sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên, với nguy cơ lao dốc mạnh, giá trị cổ phiếu có thể mất 20%; kinh tế suy thoái đột ngột, khi chính quyền không thể thanh toán các khoản chi tiêu liên bang thường xuyên; các chương trình an sinh xã hội, ảo hiểm sức khỏe bị đóng băng; chi phí vay của Mỹ tăng cao do trái phiếu kho bạc Mỹ mất giá trị, giảm lòng tin đối với giới đầu tư; kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng tiêu cực và cuối cùng là suy yếu của đồng USD và uy tín của Mỹ.
Điều may mắn chính là việc kịch bản vỡ nợ ít có khả năng xảy ra. Do trần nợ công là vấn đề riêng của Mỹ nên cách thức xử lý cũng mang “đặc trưng Mỹ”. Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ vướng vào tranh cãi về trần nợ công. Tính từ năm 1960 trở lại đây, Quốc hội Mỹ đã có 78 lần thông qua các quyết định về nâng trần nợ công, đóng băng trần nợ công hay tái định nghĩa trần nợ công.
Nhìn rộng ra, vấn đề nợ công thường được đẩy căng tại những thời điểm mâu thuẫn đảng phái chính trị tại Mỹ nổ ra gay gắt, khi không có đảng nào giành quyền kiểm soát Quốc hội lưỡng viện. Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều sử dụng chiến thuật gây sức ép trước đàm phán về trần nợ để buộc đối phương phải nhượng bộ. Nhưng sau cùng hai bên đều đi đến bước thỏa hiệp, bởi không muốn bị nhìn nhận là tác nhân tự tay đẩy kinh tế Mỹ vào suy thoái, gây bất ổn xã hội.
Lần này có lẽ cũng vậy. Nhiều khả năng các bên sẽ đạt được một thỏa thuận về tạm thời nâng mức giới hạn trần nợ công hoặc đóng băng trần nợ công trong thời hạn nhất định. Đây là điều cũng được phe Cộng hòa bóng gió đề cập tới: Kết thúc cuộc gặp tại Nhà Trắng với Tổng thống Biden ngày 16/5, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết các bên có thể đạt được một thỏa hiệp vào cuối tuần này. Nước Mỹ có thể tạm thời thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ.
Nhưng chừng nào chưa có đồng thuận về một khung dài hạn cho trần nợ công theo hướng bền vững hơn, kiểm soát chi tiêu chặt chẽ hơn, nước Mỹ sẽ vẫn ở tình trạng thâm hụt ngân sách trầm trọng, luôn phải đi vay. Đóng cửa chính phủ hay nguy cơ vỡ nỡ với kinh tế vì trần nợ công khi đó sẽ luôn là câu chuyện “đến hẹn lại lên” của nước Mỹ.
Theo Báo Tin Tức