Liệu năm nay có tái diễn cảnh xếp hàng dài rút tiền tại cây ATM?

19/01/2022 - 19:35

Lãnh đạo NHNN cho biết trong vài năm trở lại đây, do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, dù nhu cầu sử dụng tiền tăng cao hơn vào dịp cuối năm nhưng việc rút tiền mặt đã không nhiều như những năm trước.


Từ nay sẽ hết cảnh sếp hàng dài để rút tiền tại các cây ATM. (Nguồn: TTXVN)

Còn hơn 10 ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, mọi năm cứ vào dịp này hình ảnh người dân xếp hàng dài trước các cây ATM để rút tiền đã quá quen thuộc. Đặc biệt, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều công nhân, người lao động, hiện tượng xếp hàng chờ rút tiền rất phổ biến. 

Tuy nhiên, theo nhận định của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, lượng người rút tiền mặt tại các cây ATM dịp cuối năm nay sẽ không cao như mọi năm. Bên cạnh đó, các ngân hàng đã chấn chỉnh lại hệ thống để hạn chế những trục trặc có thể xảy ra.

“Tiếp sức” ATM ngày Tết

Đến thời điểm này, các ngân hàng đều đã và đang chuẩn bị kỹ phương án bảo đảm lượng tiền mặt cho máy ATM để tránh gặp "sự cố" trong dịp Tết. Tuy không đưa ra cam kết 100% hệ thống máy ATM không gặp trục trặc dịp Tết Nhâm Thìn này, nhưng hầu hết các ngân hàng đều khẳng định sẽ cố gắng hết sức có thể.

Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước trên địa bàn chuẩn bị lượng tiền mặt hợp lý, đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu về tiền mặt cho khách hàng trước và trong dịp nghỉ Tết qua hệ thống ATM và các quầy trực giao dịch của các đơn vị, các chi nhánh và các bộ phận liên quan. Trường hợp cần thiết, các chi nhánh cùng hệ thống trên địa bàn và lân cận có thể hỗ trợ cho nhau để chuẩn bị đủ lượng tiền dự phòng, bao gồm cả cơ cấu mệnh giá và số lượng.

[Tổng số lượng giao dịch thực hiện qua NAPAS tăng 131% về giá trị]

Hiện Vietcombank có hệ thống Monitor để giám sát việc tiếp, nạp quỹ vào các máy ATM, theo dõi thường xuyên tình trạng tồn quỹ tiền mặt tại các máy, xác định tần suất tiếp quỹ, số tiền mỗi lần tiếp quỹ để có kế hoạch chuẩn bị tiền mặt phù hợp; tăng cường tần suất tiếp quỹ trong những ngày cao điểm, bố trí bộ phận thường xuyên cập nhật thông tin ATM qua email, tin nhắn SMS để theo dõi trạng thái hoạt động của từng máy, kịp thời nắm bắt các sự cố phát sinh và xử lý sự cố.

Ngoài ra, ngân hàng cũng thiết lập hệ thống cảnh báo giám sát từ xa kết hợp với tuần tra, kiểm soát đối với hệ thống ATM nhằm phát hiện sớm, ngăn chặn kịp thời các hành vi bất hợp pháp (trộm, cướp, đập phá, cài đặt thiết bị sao chép dữ liệu thẻ…) để bảo đảm an ninh, an toàn các máy cũng như khách hàng giao dịch. Tại mỗi máy ATM của chi nhánh đều thiết lập đường dây nóng để khách hàng có thể liên hệ, phản ánh những vấn đề, vướng mắc phát sinh trong quá trình giao dịch.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cho biết tỷ trọng giao dịch trong những ngày giáp Tết tăng khoảng 200%-300% so với ngày thường. Hiện Techcombank đã triển khai một số biện pháp để đảm bảo giao dịch cho các chủ thẻ như nâng cấp, bảo trì thiết bị, yêu cầu các chi nhánh tăng cường tần suất tiếp quỹ, đặc biệt là giai đoạn từ ngày 26-28 Tết.

Các ngân hàng khác như BIDV, VietinBank, Agribank, Sacombank, HDBank, TPBank… cũng lên kế hoạch một cách chi tiết nhất để đảm bảo ATM trên toàn hệ thống hoạt động thông suốt.

Chuyển dần sang thanh toán online

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết trong vài năm trở lại đây, do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, dù nhu cầu sử dụng tiền tăng cao hơn vào dịp cuối năm nhưng việc rút tiền mặt đã không nhiều như những năm trước.

Nguyên nhân là do thói quen thanh toán của người dân đã thay đổi mạnh mẽ trong 2 năm gần đây, chuyển sang thanh toán không tiền mặt. Không chỉ khu vực thành thị mà ở khu vực nông thôn, nhiều người cũng đã dần quen với các hình thức thanh toán như quét mã QR, ví điện tử, chuyển tiền qua Mobile banking...

Ngoài ra, mới đây, 3 nhà mạng viễn thông lớn đã triển khai Mobile Money rộng khắp, cho phép người dùng có thể chuyển tiền, thanh toán mà không cần kết nối Internet, cũng không cần có tài khoản ngân hàng, phù hợp với địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. 

Theo đó, người dân không cần thiết phải rút tiền mặt từ ATM, mà sử dụng thẻ, ví điện tử, ngân hàng số để thanh toán mua hàng trên mạng.

Điều này cũng đã được đánh giá tại báo cáo của Công ty cổ phần thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) khi năm 2021, giao dịch rút tiền mặt qua hệ thống ATM lần đầu tiên giảm 5% so với năm 2020.

Cũng theo ghi nhận ở quanh khu công nghiệp Bắc Thăng Long, tại các cây ATM, số lượng người đến rút tiền rất ít, trong khi mọi năm thời điểm này thường rất đông đúc. 

Còn tại các cửa hàng, nếu như trước đây chỉ có một hình thức thanh toán là tiền mặt thì bây giờ đã có thêm rất nhiều hình thức thanh toán khác thông qua các ứng dụng ngân hàng hay ví điện tử trên điện thoại di động, máy POS và so với trước khi dịch bệnh diễn ra, số lượng người mua hàng chọn thanh toán không tiền mặt tăng khoảng 20%-30%.

“Theo nhận định của chúng tôi, lượng người rút tiền mặt tại các cây ATM dịp cuối năm nay sẽ không cao như mọi năm,” ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) nói.

Căn cứ để lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhận định trên là nhiều người lao động, nhất là công nhân bị giảm sút về thu nhập do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nên nhiều khả năng sẽ không rút tiền mặt nhiều từ ATM như mọi năm. Quan trọng hơn, xu hướng dịch chuyển mạnh mẽ từ thanh toán bằng tiền mặt sang thanh toán điện tử giúp phân tải từ hệ thống ATM sang hệ thống thanh toán khác, như chuyển tiền nhanh 24/7, thanh toán qua di động, thanh toán qua các điểm chấp nhận thẻ….

“Do đó chúng tôi tự tin nhu cầu rút tiền mặt sẽ không cao như mọi năm, ngành ngân hàng sẽ đáp ứng được tốt nhu cầu rút tiền mặt của dân cư,” ông Lê Anh Dũng khẳng định.

Còn lãnh đạo NAPAS cho biết hiện nay tổ chức này có thể xử lý khối lượng giao dịch rất lớn, lên tới 7 triệu giao dịch/ngày và vẫn đảm bảo an toàn, trong đó có những giao dịch thẻ ATM và giao dịch chuyển tiền 24/7. Đây là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước tự tin hệ thống sẽ vẫn hoạt động thông suốt ngay cả thời điểm cuối năm khi nhu cầu thanh toán của nền kinh tế tăng cao.

Theo THÚY HÀ (Vietnam+)