Hình ảnh tàu Soyuz MS-22 chụp từ không gian. Ảnh: AFP/NASA
Theo kênh truyền hình RT, trong một cuộc họp báo qua video ngày 22/12, người đứng đầu chương trình bay vào không gian - tập đoàn Roscosmos ông Sergey Krikalev cho biết vẫn chưa có quyết định cuối cùng nào liên quan đến vấn đề này được đưa ra.
Joel Montalbano, Giám đốc chương trình ISS của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), cho biết các chuyên gia từ các cơ quan vũ trụ của Nga và Mỹ đã phối hợp cùng nhau để điều tra vụ rò rỉ xảy ra trên tàu Soyuz vào tuần trước. “Chúng tôi vẫn liên tục trao đổi dữ liệu qua lại”, ông Joel khẳng định.
Theo kế hoạch, tàu vũ trụ Soyuz MS-22 sẽ làm nhiệm vụ đưa các nhà du hành vũ trụ người Nga Dmitry Petelin và Sergey Prokopyev, cũng như phi hành gia NASA Frank Rubio trở về Trái Đất từ quỹ đạo. Bộ ba phi hành gia này đã ở trên ISS từ tháng 9.
Theo một cuộc kiểm tra của Roscosmos và NASA, lỗ thủng có kích thước khoảng 0,8mm đã ảnh hưởng đến một ống dẫn chất làm mát trong Soyuz MS-22. Chất lỏng thoát ra từ lỗ rò rỉ không làm ô nhiễm các bề mặt bên ngoài của ISS, bao gồm các tấm pin mặt trời hoặc cửa sổ. Sự cố không gây nguy hiểm cho các phi hành gia. Nhiệt độ trên tàu Soyuz MS-22 ổn định ở mức dưới 30 độ C và tàu vẫn hoạt động được.
Ông Krikalev cho biết quá trình phân tích nhiệt đang được tiến hành để xác định liệu Soyuz MS-22 có phù hợp để đưa phi hành đoàn về nhà hay hoặc liệu họ có cần gửi một phương tiện khác lên ISS trong tương lai hay không.
Trong trường hợp cần triển khai nhiệm vụ giải cứu, một chiếc Soyuz MS-23 không có người sẽ được phóng lên ISS để đón các phi hành gia Petelin, Prokopyev và Rubio.
Đại diện của Roscosmos cũng đảm bảo một tàu vũ trụ Soyuz MS-23 dự kiến được phóng vào tháng 3/2023, nhưng thời gian khởi hành có thể được dời sớm sang tháng 2 nếu tình thế cấp bách yêu cầu. Trong trường hợp đó, các nhiệm vụ luân chuyển phi hành đoàn trong tương lai tới ISS sẽ phải được điều chỉnh lại.
Lý do chính xác gây ra rò rỉ trên tàu vũ trụ cho đến nay vẫn chưa được xác định. Cả 2 cơ quan hàng không vũ trụ Nga và Mỹ đều loại trừ khả năng dó mưa sao băng Geminid gây ra.
Theo kế hoạch ban đầu, các nhà du hành vũ trụ của Nga có chuyến đi bộ ngoài không gian kéo dài 6 giờ rưỡi vào ngày 14/12. Vụ rò rỉ đã buộc hai nhà du hành phải hủy kế hoạch này vào phút chót.
Theo BẢO HÀ(Báo Tin tức/Theo RT)