Loại côn trùng này có vẻ ngoài xấu xí nhưng lại là nguyên liệu chế biến nên nhiều món ngon nức tiếng. Dế cơm ngày nay thành đặc sản được săn lùng, muốn mua cũng khó vì vừa ngon vừa lạ, dù giá không hề rẻ.
AA
Trước đây, dế cơm là món dân dã, bà con bắt được thì đem về rang lên làm món đổi bữa. Vài năm lại đây, khi nhu cầu thưởng thức "của ngon vật lạ" của thực khách tăng cao, loài vật bé tí này đã trở thành đặc sản được săn lùng. Ở nhiều quán nhậu, người ta đưa dế cơm vào "menu" và thường bán rất chạy vì vừa ngon vừa lạ.
Dế cơm là giống dế to gấp đôi dế ta, có màu vàng nhạt, béo ú. Nhìn bề ngoài, dế cơm xấu xí, kém hấp dẫn nhưng chúng lại là nguyên liệu chế biến nên nhiều món ngon nức tiếng. Ở Việt Nam, dế cơm có nhiều ở Đồng Nai, Tây Nguyên, Hà Tĩnh...
Loại côn trùng này sống tự nhiên dưới lòng đất, trong những cái hang có độ sâu và ngóc ngách khác nhau. Thời điểm dế cơm sinh sản nhiều nhất là vào khoảng tháng 9, tháng 10 hàng năm, khi những cơn mưa cuối mùa dần thưa thớt.
Theo những người có kinh nghiệm “săn” dế cơm, muốn bắt được loài côn trùng này phải canh chừng ở trước những cái hang nhỏ xíu, ẩn sâu trong lòng đất. Đặc biệt, nên bắt dế cơm vào lúc sáng sớm, vì thời điểm này, chúng to tròn và béo nhất.
Việc bắt dế cơm không dễ vì không phải khu vực nào cũng có loại côn trùng này sinh sống. Thông thường, dế cơm chỉ xuất hiện ở những gò đất cao, nhất là các bãi cát bỏ hoang hoặc nơi trồng khoai, đậu,...
Để bắt được dế cơm, người ta phải dùng nhiều cách, phổ biến nhất là bắt kiến nhọt thả xuống rồi lấp miệng hang. Chờ khoảng vài phút, dế cơm bị kiến nhọt cắn sẽ nhảy bật lên khỏi miệng hang, những người đi săn tha hồ bắt.
Ở một số nơi, việc bắt kiến nhọt không dễ. Vì thế, người ta sẽ dùng cọng bông cỏ gạo (hay còn gọi cỏ lá tre) làm cần câu bắt dế cơm.
Ở Long Khánh, Đồng Nai, người dân địa phương còn sử dụng nhánh cây mây còn nhiều gai để câu dế cơm. Sau khi đổ nước vào hang, các tay săn dế sẽ dùng nhánh cây mây chọc sâu vào bên trong thì dế sẽ bị gai cây mây móc vào cánh hoặc bụng. Người dân chỉ cần kéo cây mây mang theo chú dế ra khỏi hang.
Muốn đào được dế, đòi hỏi phải có kinh nghiệm nhận biết dấu vết chúng để lại. Những ụ đất nhỏ nhô lên trên mặt đất, hạt li ti là nơi dế mới đào. Chỉ cần dùng cuốc hớt nhẹ vài nhịp là hang dế lộ ra.
Sở dĩ người ta thường bắt dế cơm thay vì bắt các loại dế khác như dế than, dế lửa, dế tiêu… là bởi chúng ăn cỏ nên rất sạch, có độ béo mập, to và hương vị thơm ngon đặc trưng.
Vì thế, dế cơm trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng, có giá thành cao. Một kg dế cơm được bán với giá lên tới 200.000 đồng/kg.
Không chỉ “săn” dế cơm khá khó mà việc chế biến chúng cũng đòi hỏi sự khéo léo, kỳ công. Dế bắt về được đem rửa sạch, rút ruột, bỏ cánh, đuôi và hai cẳng chân sau.
Dế cơm sau khi sơ chế sạch có thể chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như chiên giòn, chiên nước mắm, kho mặn, xào sả ớt,...
Trong đó, món dế cơm chiên nước mắm được xem là ngon và hấp dẫn nhất. Theo đó, dế được làm sạch, đem chiên trực tiếp trong dầu nóng rồi vớt ra, chuyển sang chảo khác để đảo cùng nước mắm, tỏi, ớt tùy thích. Món này ăn ngay khi nóng, thưởng thức cùng cơm trắng rất ngon.
Dế cơm có vị béo ngậy, giòn rụm. Nhưng với những thực khách lần đầu thưởng thức sẽ có chút dè chừng, thậm chí rùng mình vì vẻ ngoài của loài côn trùng này khá xấu xí. Còn những người ăn quen, có cơ hội nếm thử nhiều lần sẽ cảm thấy say mê, thích thú hương vị lạ miệng của dế cơm.
Ngoài làm đồ ăn thông thường, dế cơm còn có nhiều công dụng với sức khỏe. Trong Đông y, dế cơm có tác dụng lợi tiểu, giải độc, tốt cho người bị sỏi thận đồng thời tăng cường sinh lý.
Nhưng không phải dế ngon, tốt cho sức khỏe mà ăn quá nhiều. Các chuyên gia cho biết, chỉ nên ăn vài con dễ mỗi lần và không nên ăn quá thường xuyên.
Theo HẠNH NGUYÊN (VietNamNet)
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: