Năm 2020, Việt Nam ghi nhận hơn 1.700 ca mắc mới và gần 1.000 trường hợp tử vong vì ung thư bàng quang. Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Hương Giang, Trưởng khoa Nội tiêu hóa trên và hệ tiết niệu, Bệnh viện K Trung ương, hầu hết người bệnh ung thư bàng quang đều trên 40 tuổi nhưng thực tế các bác sĩ từng tiếp nhận bệnh nhân trẻ tuổi hơn.
Tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao gấp 3 lần nữ giới
Với nam giới trung niên và người già, đây là bệnh hay gặp nhất sau ung thư tiền liệt tuyến. Đặc biệt, tỷ lệ nam giới mắc bệnh cao gấp 3 lần nữ. Khoảng 95% là loại ung thư biểu mô đường niệu, số còn lại là ung thư biểu mô vảy (hiếm gặp).
Khoảng 70% các trường hợp ung thư bàng quang mới mắc được chẩn đoán là ung thư bàng quang nông (giai đoạn sớm), còn lại là khối u đã xâm lấn xuống lớp cơ. "Ung thư bàng quang không quá đáng sợ nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm, tổn thương nông", bác sĩ Giang khẳng định.
Ở giai đoạn này, bệnh nhân được phẫu thuật lấy u tại chỗ, sau đó sử dụng các biện pháp bổ trợ. Bệnh có đặc thù là khả năng tái phát cao, thường tái phát tại chỗ. "Ở góc độ nào đó, ung thư bàng quang giai đoạn sớm được coi là mạn tính hơn là ác tính do tiên lượng tốt, dù có thể gây phiền hà cho bệnh nhân khi phải thường xuyên đi khám lại, theo dõi sát để đánh giá mức độ. Vì thế, bệnh nhân không nên quá bi quan", bác sĩ Giang chia sẻ.
Bệnh nhân chẩn đoán ung thư bàng quang giai đoạn sớm, tổn thương nông không nên bi quan. Ảnh: BVCC
Bổ sung ý kiến, Thạc sĩ Bùi Xuân Nội, Phó trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện K Trung ương, cho hay một tổng kết của khoa này và khoa Nội 3, cho thấy trong 500 bệnh nhân ung thư bàng quang đã được cắt bàng quang toàn bộ tạo hình (giai đoạn có xâm lấn), gần 61% bệnh nhân sống thêm 5 năm không bệnh. Đây được đánh giá là tỷ lệ tốt.
Triệu chứng dễ gặp nhất của ung thư bàng quang
Tiểu lẫn máu là triệu chứng thường gặp nhất. Trong ung thư bàng quang, tiểu lẫn máu thường có đặc điểm tiểu máu từng đợt, tiểu máu đại thể, toàn bãi, không đau.
Đi tiểu lẫn máu cũng có thể xuất hiện ở người bình thường hoặc người có tổn thương lành tính. Theo nghiên cứu, gần 2.000 bệnh nhân tiểu lẫn máu cho thấy 60% không có bất thường, ung thư bàng quang 12%, nhiễm trùng đường tiết niệu 13%, bệnh của thận 10%, sỏi tiết niệu 4%, ung thư thận 0,6% và ung thư tiền liệt tuyến 0,4%.
Khi tiểu lẫn máu xảy ra ở nam giới trên 40 tuổi mà không tìm được nguyên nhân khác, bác sĩ khuyên phải nghĩ đến ung thư biểu mô đường niệu và phải tiến hành đánh giá toàn bộ hệ thống tiết niệu.
"Chị em cần phân biệt ra máu khi tiểu với ra máu kỳ kinh, còn nam giới cũng cần chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý hệ tiết niệu, sinh dục, như ung thư tuyến tiền liệt xâm lấn bàng quang. Nhìn chung, tất cả những triệu chứng ra máu bất thường đều phải đi khám", bác sĩ Giang khuyến cáo.
Tiểu rắt, tiểu khó, tiểu không tự chủ, nước tiểu sẫm màu do bàng quang bị kích thích hoặc bị giảm thể tích cũng là biểu hiện hay gặp, thường có trước triệu chứng tiểu lẫn máu. Khi thấy nước tiểu màu sậm hơn bình thường dù đã uống đủ nước thì nên đi khám, xét nghiệm.
Ngoài ra, bệnh nhân ung thư bàng quang có thể bị viêm nhiễm đường tiết niệu; tắc nghẽn đường tiết niệu do u xâm lấn hoặc do cục máu đông.
Khi bệnh ở giai đoạn muộn, di căn xa, các biểu hiện, các triệu chứng thường rõ ràng hơn như đau hông, đau trên xương mu, đau vùng hạ vị, đau tầng sinh môn, đau xương, đau đầu... Mệt mỏi, gầy sút, chán ăn, suy sụp nhanh cũng là dấu hiệu thường gặp ở giai đoạn muộn và tiên lượng xấu.
Những dấu hiệu trên chưa khẳng định được bệnh nhân đã mắc ung thư bàng quang vì cũng có thể gặp ở một số bệnh lành tính. Tuy nhiên, ngay khi thấy những dấu hiệu trên, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay.
Theo Vietnamnet