Quy định về hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 04/2023/TT-NHNN ngày 16/6/2023 quy định về hoạt động đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới.
Thông tư quy định rõ hoạt động của đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới. Theo đó, các đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới chỉ được hoạt động dưới hình thức dùng đồng Việt Nam mua tiền của nước có chung biên giới của cá nhân bằng tiền mặt, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới đặt tại khu vực chờ xuất cảnh ở cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính được bán tiền của nước có chung biên giới bằng tiền mặt lấy đồng Việt Nam cho cá nhân theo quy định.
Tổ chức kinh tế có thể thỏa thuận với tổ chức tín dụng ủy quyền trong hợp đồng đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới về việc đặt đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới ở một hoặc nhiều địa điểm tại khu vực biên giới đất liền, khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn nơi tổ chức kinh tế có trụ sở chính hoặc chi nhánh.
Đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới đặt tại khu vực chờ xuất cảnh ở cửa khẩu quốc tế và cửa khẩu chính được bán tiền của nước có chung biên giới bằng tiền mặt cho cá nhân nước ngoài đã làm xong thủ tục xuất cảnh.
Trường hợp bán tiền của nước có chung biên giới có giá trị tương đương từ 20.000.000 VND (Hai mươi triệu đồng Việt Nam) trở xuống, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới yêu cầu cá nhân xuất trình các giấy tờ xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh của người nước ngoài.
Trường hợp bán lại tiền của nước có chung biên giới có giá trị tương đương trên 20.000.000 VND (Hai mươi triệu đồng Việt Nam) cho cá nhân đã đổi tiền của nước có chung biên giới, đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới yêu cầu cá nhân xuất trình giấy tờ xuất cảnh theo quy định của pháp luật về xuất cảnh của người nước ngoài, hóa đơn (biên lai) đã đổi tiền có đóng dấu của tổ chức tín dụng được phép hoặc đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới. Hóa đơn (biên lai) đã đổi tiền chỉ có giá trị cho cá nhân sử dụng để mua lại tiền của nước có chung biên giới trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày ghi trên hóa đơn (biên lai). Đại lý đổi tiền của nước có chung biên giới phải thu hồi hóa đơn (biên lai) đã đổi tiền của cá nhân trước đây.
Hạn mức tiền của nước có chung biên giới cá nhân được mua lại tối đa không quá số tiền đã đổi ghi trên hóa đơn (biên lai).
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/8/2023.
Tăng phí sát hạch bằng lái xe
Thí sinh sát hạch hạng B2 thi phần sa hình. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN
Từ ngày 1/8/2023, phí sát hạch lái xe sẽ áp dụng theo quy định mới tại Thông tư số 37/2023/TT-BTC ngày 7/6/2023 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng.
Thông tư số 37/2023/TT-BTC đã điều chỉnh tăng mức phí sát hạch lái xe so với quy định hiện hành.
Theo đó, mức phí sát hạch lái xe đối với thi sát hạch lái xe các hạng xe A1, A2, A3, A4 gồm: Sát hạch lý thuyết là 60.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng so với mức cũ là 40.000 đồng/lần; sát hạch thực hành là 70.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng so mức cũ 50.000 đồng/lần.
Đối với thi sát hạch lái xe ô tô hạng xe B1, B2, C, D, E, F, phí sát hạch lý thuyết là 100.000 đồng/lần, tăng 10.000 đồng so với mức cũ là 90.000 đồng/lần; sát hạch thực hành trong hình là 350.000 đồng/lần, tăng 50.000 đồng so với mức cũ là 300.000 đồng/lần; sát hạch thực hành trên đường giao thông là 80.000 đồng/lần, tăng 20.000 đồng so với mức cũ 60.000 đồng/lần; sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông là 100.000 đồng/lần.
Theo Thông tư số 37/2023/TT-BTC, tổ chức thu phí, lệ phí là Cục Đường bộ Việt Nam và cơ quan quản lý đường bộ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thông tư số 37/2023/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 1/8/2023, thay thế Thông tư số 188/2016/TT-BTC ngày 08/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ hoạt động trên các phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng.
Sửa quy định đối với cổ đông sáng lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 05/2023/TT-NHNN ngày 22/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2015/TT-NHNN ngày 25/12/2015 quy định việc cấp Giấy phép, tổ chức và hoạt động của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 11 quy định đối với cổ đông sáng lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng:
1. Không phải là cổ đông chiến lược, cổ đông sáng lập, chủ sở hữu, thành viên sáng lập của tổ chức tín dụng khác được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.
2. Không được dùng vốn huy động, vốn vay của tổ chức, cá nhân khác để góp vốn.
3. Ngoài các quy định tại khoản 1, khoản 2, cổ đông sáng lập là cá nhân phải tuân thủ các quy định sau đây: a) Mang quốc tịch Việt Nam; không thuộc những đối tượng bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Cán bộ, công chức.
4. Ngoài các quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, cổ đông sáng lập là tổ chức phải tuân thủ các quy định sau đây:
a) Được thành lập theo pháp luật Việt Nam;
b) Kinh doanh có lãi trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
c) Thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế và bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép;
d) Đối với tổ chức là doanh nghiệp Việt Nam (trừ ngân hàng thương mại Việt Nam):
- Có vốn chủ sở hữu tối thiểu 500 tỷ đồng, tổng tài sản tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong 03 năm tài chính liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép. Trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có yêu cầu mức vốn pháp định, phải đảm bảo vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm liền kề trước thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép trừ đi vốn pháp định tối thiểu bằng số vốn cam kết góp;
- Trường hợp doanh nghiệp được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, bảo hiểm, phải tuân thủ việc góp vốn theo các quy định của pháp luật có liên quan;
đ) Đối với ngân hàng thương mại Việt Nam:
- Có tổng tài sản tối thiểu 100.000 tỷ đồng, tuân thủ đầy đủ các quy định về quản trị rủi ro và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
- Không vi phạm các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động theo quy định của Ngân hàng Nhà nước trong năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ bổ sung để được xem xét cấp Giấy phép;
- Đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu sau khi góp vốn thành lập tổ chức tín dụng phi ngân hàng;
- Không bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong 02 năm liền kề trước năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép và đến thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 6/8/2023.
Sửa quy định về nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư 07/2023/TT-NHNN ngày 30/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 38/2018/TT-NHNN quy định việc nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Thông tư sửa đổi, bổ sung Điều 4 quy định về căn cứ và thủ tục nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền.
Trên cơ sở văn bản chỉ định và cho phép cơ sở in, đúc tiền được nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này, cơ sở in, đúc tiền thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền quy định tại Phụ lục Danh mục hàng hóa chỉ định cơ sở in, đúc tiền nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này như sau:
Đối với hàng hóa là phôi kim loại sử dụng để đúc, dập tiền kim loại; giấy in tiền; mực in tiền; foil chống giả để sử dụng cho tiền, ngân phiếu thanh toán và các loại ấn chỉ, giấy tờ có giá khác thuộc ngành Ngân hàng phát hành và quản lý: Cơ sở in, đúc tiền căn cứ hợp đồng in, đúc tiền giữa cơ sở in, đúc tiền với Ngân hàng Nhà nước để thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa;
Đối với hàng hóa là máy ép foil chống giả; máy in tiền; máy đúc, dập tiền kim loại: Cơ sở in, đúc tiền căn cứ văn bản phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 07/2020/TT-NHNN ngày 30/6/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc đầu tư, mua sắm hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để thực hiện việc nhập khẩu hàng hóa.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ủy quyền Cục trưởng Cục Phát hành và Kho quỹ có văn bản xác nhận việc cơ sở in, đúc tiền nhập khẩu hàng hóa phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước theo hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc các hình thức văn bản khác giữa cơ sở in, đúc tiền và đơn vị cung cấp hàng hóa.
Khi làm thủ tục nhập khẩu, cơ sở in, đúc tiền gửi Cơ quan hải quan 01 bản chính văn bản xác nhận của Ngân hàng Nhà nước kèm hồ sơ hải quan theo quy định pháp luật.
Thay thế Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 38/2018/TT-NHNN bằng Phụ lục Danh mục hàng hóa chỉ định cơ sở in, đúc tiền nhập khẩu phục vụ hoạt động in, đúc tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này.
Thông tư 07/2023/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 14/8/2023.
Quy định điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh
Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 08/2023/TT-NHNN ngày 30/6/2023 quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh.
Thông tư nêu rõ, các đối tượng áp dụng quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh gồm có: Người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là bên đi vay nước ngoài (bên đi vay); tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi bên đi vay mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài (ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản).
Bên đi vay vay nước ngoài dưới hình thức phát hành trái phiếu quốc tế ngoài việc đáp ứng điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh, phải tuân thủ quy định của pháp luật về chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Bên đi vay là doanh nghiệp nhà nước ngoài việc đáp ứng điều kiện vay, phải tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2023.
Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2024 tăng 5 - 7%
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 51/2023/TT-BTC ngày 17/7/2023 hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024 - 2026. Theo đó, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2024 tăng 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023.
Theo Thông tư, việc xây dựng dự toán thu năm 2024 bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính trong và ngoài nước, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, về quản lý thu, nhất là các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất hết hiệu lực của năm 2023, việc thực hiện lộ trình cắt giảm, ưu đãi thuế để thực hiện cam kết của Chính phủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài.
Phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2024 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng khoảng 5 - 7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách); mức tăng trưởng thu tại từng địa phương phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa bàn, trên cơ sở tính đến cả yếu tố tăng cường quản lý thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế.
Phấn đấu dự toán thu từ hoạt động xuất nhập khẩu năm 2024 tăng bình quân khoảng 4-6% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023.
Về xây dựng dự toán thu viện trợ không hoàn lại, Thông tư nêu rõ, việc xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài cần căn cứ và bám sát vào tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 (số dự toán được giao, số vốn tiếp nhận từ nhà tài trợ, số vốn thực hiện); văn kiện của Chương trình, dự án, phi dự án hoặc khoản viện trợ đã được cấp có thẩm quyền Việt Nam phê duyệt; các văn bản về cam kết viện trợ, thư viện trợ hoặc văn bản về ý định viện trợ của nhà tài trợ; tiến độ triển khai thực tế, khả năng phát sinh và thực hiện mới trong năm, hạn chế tình trạng thiếu dự toán dẫn đến phải trình cấp thẩm quyền bổ sung hoặc thực hiện không hết dẫn đến phải hủy dự toán hoặc chuyển nguồn.
Đối với các khoản viện trợ đã tiếp nhận từ năm 2023 chưa có trong dự toán được giao, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương lập và tổng hợp vào dự toán năm 2024 để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, làm cơ sở để thực hiện hạch toán, quyết toán theo quy định.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31/8/2023.
Theo TTXVN