Lợi dụng “góp ý”, xuyên tạc chính sách đất đai sửa đổi

10/07/2023 - 06:39

 - Khi nhà nước lấy ý kiến toàn dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), các đối tượng chống phá chế độ, cơ hội chính trị, lợi dụng mạng xã hội tuyên truyền xuyên tạc vấn đề này.

Với mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật thống nhất, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, một trong những giải pháp quan trọng là bảo đảm tính công khai trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh quy trình, thủ tục chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, cần bảo đảm sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xây dựng, ban hành văn bản pháp luật và quyền tiếp cận của người dân.

Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước. Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai và minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của người dân”.

Qua 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, còn thiếu nhiều điều khoản, chưa phù hợp với tình hình mới, việc sửa đổi, bổ sung luật là cần thiết. Luật tập trung nhiều nội dung: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cơ chế, chính sách tài chính đất đai; thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất...

Các nội dung này được xây dựng chi tiết, cụ thể, sát với thực tiễn. Bộ khung dự thảo luật được xây dựng khoa học, rõ ràng, nghiên cứu kỹ lưỡng, có nhiều ý kiến đóng góp giá trị, nhất là đối với những vấn đề được xem là rất “nhạy cảm”, “phức tạp” như thu hồi, bồi thường trong công tác giải phóng mặt bằng.

 Luật Đất đai (sửa đổi) đảm bảo tính kế thừa Luật Đất đai trước đó, thể chế hóa các quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết quan trọng tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII); nhất là Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao; cũng như các giải pháp liên quan đến đất đai để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo tinh thần Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI).

Ngày 6/1/2023, Văn phòng Quốc hội công bố Nghị quyết 671/NQ-UBTVQH15, tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Khẳng định việc nhà nước lấy ý kiến các đối tượng trực tiếp chịu sự điều chỉnh của luật, của các chuyên gia, nhà khoa học, của người dân đối với dự thảo Luật Đất đai là việc làm quan trọng.

Tính đến ngày bế mạc kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV (ngày 24/6/2023), đã có hơn 12 triệu lượt ý kiến của mọi thành phần trong và ngoài nước. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đây là một trong những nhiệm vụ lập pháp trọng tâm của cả nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Toàn văn dự thảo luật đã đưa trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ từ ngày 2/9/2022, phục vụ lấy ý kiến lần đầu các đối tượng theo quy định. Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức 12 hội nghị, hội thảo với 230 lượt ý kiến góp ý; UBMTTQVN cấp tỉnh tổ chức 51.153 hội nghị, hội thảo với 1,3 triệu lượt góp ý kiến tâm huyết, sâu sắc. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận được hơn 8,3 triệu lượt ý kiến góp ý cụ thể vào từng quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tổ chức, cá nhân…

Sở dĩ Luật Đất đai (sửa đổi) được dư luận quan tâm là vì gắn bó với mọi người, mọi nhà và trong đời sống thường phát sinh các quan hệ dân sự lẫn hình sự về vấn đề đất đai. Việc tổ chức lấy ý kiến không chỉ nhằm phát huy quy chế dân chủ, thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, mà còn huy động trí tuệ nhiều người, tích hợp được nguyện vọng của số đông, nâng cao trách nhiệm của cộng đồng với việc xây dựng và hoàn thiện dự thảo luật.

Cùng với những góp ý tích cực, xây dựng, xuất hiện một số ý kiến lợi dụng việc “góp ý” để xuyên tạc, gây rối, cố tình làm "trầm trọng hóa" vấn đề nhạy cảm, phức tạp liên quan đến đất đai. Trên mạng xã hội thường xuất hiện luận điệu "nhà nước Việt Nam tiến hành sửa đổi Luật đất đai là để thao túng thị trường đất đai, nhằm mang lại lợi ích cho những cá nhân hay nhóm lợi ích nhất định chứ không phải vì lợi ích của nhân dân".

Các đối tượng viện dẫn, cắt gọt, xuyên tạc phát ngôn của lãnh đạo Đảng, nhà nước, coi đó là "bằng chứng để tố cáo"; đồng thời cho rằng, dù luật có nhiều sửa đổi thì "do các nhóm lợi ích chi phối nên dẫn đến xây dựng luật chắp vá, phải sửa đổi, bổ sung thường xuyên, nhất là Luật đất đai, các địa phương mỗi nơi áp dụng mỗi kiểu...".

Trên các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, các thế lực thù địch liên tục lập "nick ảo", tài khoản giả mạo người dân để tham gia "bình luận", "chia sẻ" thông tin, bài viết liên quan đến các vụ việc về đất đai với góc nhìn lệch lạc, tiêu cực, nhằm kích động người dân, tạo tâm lý hoang mang, mất niềm tin đối với luật pháp và chính quyền. Thực chất những luận điệu này vẫn "bổn cũ soạn lại" nhưng nhân danh "góp ý” nhằm mục đích chống phá.

Mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân khi tiếp cận những thông tin, tài liệu tán phát trên mạng cần phải tỉnh táo nhận diện đâu là thông tin thật, có cơ sở, đâu là thông tin giả mạo, xuyên tạc, bịa đặt; tránh bị cuốn theo giọng điệu xảo trá của các thế lực thù địch và phần tử cơ hội, dẫn tới tư tưởng hoài nghi, hoang mang, dao động. Đặc biệt, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân phải là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa; phản đối, loại bỏ những “góp ý” sâu độc để bảo vệ chính sách, pháp luật, nền tảng tư tưởng của Đảng, nhà nước ta.

N.R