Lợi ích từ việc mở đồng đón phù sa

26/01/2018 - 08:14

 - Nhiều năm nay, nông dân (ND) vùng ĐBSCL luôn trong trạng thái “ngóng lũ”, phải đợi đến năm 2017, lũ lớn mới tràn về, vậy là An Giang chủ trương lấy ý kiến người dân “mở đê” đón phù sa nhằm rửa sạch mầm mống sâu bệnh, tăng độ màu mỡ cho đất, giúp sản xuất thuận lợi hơn.

Mùa lũ năm 2017, An Giang mở đồng trên 21.000ha ở các địa phương như: Phú Tân, TX. Tân Châu... đón những đợt phù sa “đỏ lừ” đổ về từ thượng nguồn, điều mà từ lâu bà con nơi đây luôn mong ngóng. Riêng, Phú Tân có 8.000ha mở đồng đón phù sa trong sự phấn khởi của người dân. Với ND canh tác lúa, nếp, hoa màu... ở vùng đồng bằng, đất phù sa càng nhiều, giúp tẩy trôi độc tố tồn đọng, tăng độ màu mỡ cho đất. Từ đó, giúp bà con tiết kiệm chi phí dọn cỏ, đuổi chuột, phân bón cũng như dịch hại cũng ít xuất hiện, năng suất cao hơn. Theo ông Nguyễn Văn Đàng (ấp Bình Quới 1, xã Bình Thạnh Đông), một lão nông có trên 30 năm gắn bó với cây nếp, ở vùng này cứ 3 năm, 8 vụ sẽ được mở đồng đón lũ, nhờ vậy mà vụ nếp đông xuân này, giúp ông Đàng giảm từ 200.000-300.000 đồng/công. “Năm rồi, cỏ mọc nhiều, bệnh vàng lá chín sớm xuất hiện nên năng suất thấp, bà con đâu còn lợi nhuận là bao. Năm nay, nhìn đồng nếp xanh mỡn, từ đầu vụ tới giờ lượng phân bón giảm đáng kể, chắc chắn là có năng suất, giờ chỉ còn đợi giá cả vào cuối vụ” - ông Đàng chỉ tay về ruộng nếp đã 60 ngày tuổi cho biết.

ND phấn khởi vì đất được phù sa bồi đắp, giảm đáng kể chi phí, tăng thêm lợi nhuận

ND phấn khởi vì đất được phù sa bồi đắp, giảm đáng kể chi phí, tăng thêm lợi nhuận

Theo Chủ tịch Hội ND xã Bình Thạnh Đông (Phú Tân) Mai Duy Linh, chủ trương xả lũ đón phù sa được Nhân dân địa phương rất đồng tình vì qua nhiều vụ mùa canh tác, đất cần được bồi đắp thêm phù sa. Hiện nay, xã Bình Thạnh Đông đang chuyển đổi một số diện tích đất kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái, tuy nhiên, lúa, nếp vẫn là cây trồng chủ lực của địa phương. “Năm rồi, nước lũ cao hơn mọi năm nên bà con phấn khởi vì nước lũ nhiều thì phù sa cũng nhiều hơn. Khi lũ rút, nhìn cánh đồng phù sa màu mỡ, bà con vui mừng, tiến hành dọn dẹp rồi gieo sạ vụ đông xuân. Lượng phân bón giảm đáng kể, cây lúa cứ tươi tốt, giúp bà con giảm chi phí sản xuất” - anh Linh chia sẻ.

Ở TX. Tân Châu cũng thực hiện xả lũ vùng Bắc kênh Vĩnh An thuộc các xã: Long An, Phú Vĩnh, Lê Chánh, Châu Phong, với tổng diện tích trên 3.000ha. Người dân ở xã Phú Vĩnh (TX. Tân Châu) phấn khởi vì mở đồng tích nước sẽ giúp đất có thời gian nghỉ ngơi, đất được cải tạo mà không tốn chi phí... Theo chú Đỗ Văn Hài (ấp Phú Hưng, xã Phú Vĩnh), hơn chục năm nay, bà con ở địa phương được sản xuất trong vùng đê bao, nhưng do sản xuất lâu năm, đất có dấu hiệu cằn cỗi, kém hiệu quả. Từ khi lũ rút, bà con ND tranh thủ làm đất, tiến hành gieo sạ lúa cho vụ đông xuân, đến nay những đồng lúa cũng được trên 40 ngày tuổi. “Năm rồi, nhờ lũ lớn nên phù sa nhiều, cây lúa khi đầy đủ dinh dưỡng từ phù sa tự nhiên, lớn nhanh hơn những năm trước rất nhiều, thấy lợi trước mắt là chi phí phân bón không tốn bao nhiêu hết. Khi thu hoạch, năng suất chỉ cần bằng những năm trước đây thì bà con cũng đã có lợi nhuận vì chi phí sản xuất giảm đáng kể” - chú Hài phấn khởi cho biết. Sau nhiều năm ruộng đồng bị đóng kín, tình trạng dịch bệnh tăng nhiều, chất lượng đất và dinh dưỡng suy giảm, chính vì vậy việc mở đê bao đón phù sa được các nhà khoa học, giới chuyên môn khuyến khích.

Theo GS.TS Võ Tòng Xuân, việc cho lũ vào đồng ruộng là việc làm hợp với tự nhiên, lũ vào giúp đất thông thoáng, bớt lão hóa, tăng thêm độ màu mỡ. “Việc đồng ruộng trữ nước vừa cho đất nghỉ ngơi, vừa tích nước làm giảm đi lưu lượng nước trên các sông lớn nên giảm khả năng gây xoáy mòn, sạt lở bờ sông. Lũ vào tạo điều kiện cho cá đồng có chỗ sinh sôi giúp người dân khai thác nguồn lợi thủy sản rất lớn...” - GS.TS Võ Tòng Xuân nhận định.

ÁNH NGUYÊN