Mặt tiền nhà lão A hướng ra con phố đông đúc người qua lại. Lương hưu hai vợ chồng già hằng tháng cũng còn dư chút đỉnh, chả phải sống nhờ con cái, cũng chẳng phải phiền luỵ đến hai bên hàng phố. Con cháu ở tỉnh xa, lễ tết mới đáo vội về thăm bố mẹ, ông bà. Mười mấy năm rồi, vợ chồng lão vẫn hằng ngày bình an thanh thản vậy.
Nhà lão B ở tận cuối cùng con hẻm liền kề. Lão cùng mấy thằng con là dân đá cá lăn dưa, khu phố này ai cũng biết. Chỉ biết mặt nhau vậy thôi, lâu nay lão A chưa một lần giao tiếp với lão B.
Tự nhiên một sớm, canh đúng lúc lão A lững thững đến quán cà phê như thường lệ, lão B thân mật chào hỏi rồi nài nỉ mời anh Hai ngồi cùng bàn, rồi, mau mắn bật ngón tay cái tách ngoắc tiếp viên:
- Hai ly sữa đá. Anh Hai từ chối là khinh thằng em này lắm đấy.
Ừ thì uống, lão A thoáng nghĩ: Hạng người này mình tỏ ra cách biệt với nó, phiền lắm. Vãn cuộc, lão A ngỏ lời:
- Hoàn cảnh thằng em lúc này bi đát lắm. Đang tính bán nhà, xin anh Hai cho em treo cái biển trước cửa nhà anh. Em biết ơn vô cùng.
Tính cả nể, lão A gật đầu. Bụng lại nghĩ: Cũng chẳng có gì phiền toái.
Vậy là chiều ấy, tấm biển viết mấy chữ đỏ chói: Bán nhà, liên hệ số xxx treo ngay ngắn chính giữa khung cửa sắt nhà lão A. Vị thế nhà lão A nằm cạnh con đường bán buôn sầm uất, người qua lại hằng ngày như nước chảy, lại đang lúc giá nhà đất mỗi giờ mỗi sốt lên sình sịch nên cái tấm biển đỏ chói kia mỗi ngày chẳng đếm được có bao nhiêu con mắt hau háu nhìn nhìn ngó ngó.
Và tất nhiên, mỗi ngày cũng vô số lần cánh cửa sắt nhà lão A từ sáng đến chiều cho đến tận chín mười giờ tối cứ bị những bàn tay thô bạo đập ầm ầm. Khổ thân cho hai vợ chồng lão A đang thiu thiu vào giấc ngủ lại phải choàng dậy thay phiên nhau he hé cánh cửa nặng trịch rồi miệng trả lời khách, tay chỉ vào con hẻm hoặc chỉ vào số điện thoại ghi trên tấm biển.
Nhưng mà căn nhà của lão B bé tí, vừa ngắn chiều ngang, chiều sâu nông toen hoẻn nên chả khách nào ưng, sau khi gặp chủ nhà họ đều dông thẳng. Vậy là cả tháng nay, lão A mất hẳn suất ngủ trưa, Khép kín hai cánh rồi, vẫn bị gõ ấm ầm.
Cố tình nằm yên cũng không xong, đành lồm cồm bò dậy, vợ chồng lão A mệt phờ mệt phạc. Bà vợ già giận quá, đòi lột tấm biển vô duyên kia xuống. Lão phải nài nỉ, mình ráng chịu đựng. Vài bữa nữa chắc nó bán được rồi, mình đỡ mang tiếng.
Người quen thì biết rõ sự tình. Mấy người qua đường, nhìn tấm bảng ngỡ nhà lão A rao bán. Thế là từ tiệm cà phê này qua quán cơm nọ cứ râm ran bàn tán. Kẻ đoán vợ chồng lão A sắp chuyển đi ở với thằng con trưởng, nó làm to lắm trên thành phố, biệt thự mấy chục phòng, tội gì không hưởng phúc già.
Người phao tin láo, đứa con gái lão lấy phải thằng chồng cờ bạc, nó đi casino thua mấy tỷ, bọn xã hội đen doạ không trả thì bắt sống, bán ra nước ngoài. Con sắp chết, không bán nhà cứu con, có là loài súc vật.
Một đồn mười, mười đồn trăm, câu chuyện kinh khủng loang ra khắp phường cứ y như thật. Mà lão có biết đâu, chỉ ngờ ngợ cảm thấy nhiều người là lạ đi qua nhà mình, họ đều chầm chậm bước, ngửa cổ nhìn lên tấm biển, ngó vào trong nhà với ánh mắt là lạ.
Có kẻ chụp hình đưa lên Phây-búc, tag thẳng vào trang của mấy đứa con lão A. Chúng hốt hoảng gọi điện la toáng lên: Sự tình nguy cấp thế nào mà bố mẹ phải bán gấp nhà. Đến nước ấy, lão A vội nhắn lão B phải đến gỡ ngay tấm biển xuống.
Nhận tin, lão B tảng lờ coi như không biết. Lão A đành hạ tấm biển đỏ chói ấy cất ra sau bếp. Sáng hôm sau, ở quán cà phê quen thuộc, thấy lão B đi sát bàn mình đang ngồi, lão A định đứng lên nói vài lời giải thích, lão B cứ mặt lạnh như tiền không một lời chào hỏi. Vậy là lão ấy giận mình thật rồi. Câu cửa miệng của ông bà ta xưa: Làm phúc phải tội, lão A chợt nghĩ mà thâm thấm nỗi buồn.
Theo V.T.K (Báo Tây Ninh)