Long Xuyên – 230 năm hình thành và phát triển!

20/08/2019 - 05:39

 - Từ một đồn nhỏ được lập bên vàm sông Tam Khê mang tên thủ Đông Xuyên, sau 230 năm, đã trở thành mảnh đất trù phú Long Xuyên ngày nay. Là thành phố trẻ nằm bên bờ hữu ngạn sông Hậu, Long Xuyên còn có cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng) quanh năm cây trái xanh tươi, phong cảnh hữu tình - quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính mến.

Ngược dòng lịch sử

Thế kỷ XVIII, khi lưu dân người Việt bước chân đến vùng đất An Giang khẩn hoang lập ấp, thì Long Xuyên vẫn là rừng rậm hàng mấy nghìn dặm. Đến năm 1780, vùng đất Long Xuyên mới có người Việt đến khai hoang, lập làng, đầu tiên là Châu Trấn Ba (cù lao Ông Hổ). Năm 1789, thủ Đông Xuyên được thành lập, thu hút đông đảo người đến định cư. Từ những điểm định cư trước đó, người dân bắt đầu khai phá đất đai, mở rộng diện tích vùng cư trú và phát triển cho đến ngày nay.

Dưới triều Gia Long (1802 - 1820), để giao thông giữa Vĩnh Thanh và Hà Tiên được dễ dàng, vua Gia Long giao cho Nguyễn Văn Thoại (Trấn thủ Vĩnh Thanh) tổ chức đào vét sông Đông Xuyên nối hữu ngạn sông Hậu ra biển Tây tại Rạch Giá. Sau khi đào xong, ghe thuyền qua lại thuận tiện, đảm bảo việc tưới tiêu, rửa đất, di dân khai thác vùng đất hoang hóa; hình thành mạch giao thông thủy ngắn nhất nối liền Đông Xuyên với Kiên Giang, thông thương ra biển và ngược lại. Ở Đông Xuyên, mật độ dân tăng dần lên, buôn bán tấp nập nên được gọi là Đông Xuyên Cảng Đạo. Địa bàn Long Xuyên dưới thời vua Gia Long (1802 - 1820) nằm ở 2 thôn Bình Đức, Mỹ Phước (thuộc huyện Vĩnh Định của trấn Vĩnh Thanh). Từ đây, vùng đất Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang. Năm 1868, sau khi chiếm xong Nam Kỳ, Pháp tiến hành thiết lập các đơn vị hành chính, Long Xuyên thuộc hạt Châu Đốc, đến năm 1876 thuộc hạt Long Xuyên.

Ngày 27-5-1868, Thống đốc Nam Kỳ “trích các làng thuộc hạt Thanh tra Châu Đốc, phía dưới Vàm Nao, nằm giữa hạt Thanh tra Rạch Giá, Cần Thơ và Sa Đéc, thành lập hạt Thanh tra thứ 28 là Long Xuyên”. Chợ Đông Xuyên được chọn làm trung tâm chính trị, kinh tế của hạt, bởi nó có vị trí quan trọng về phương tiện giao thông. Như vậy, địa danh Long Xuyên xuất hiện từ đây, chợ Đông Xuyên cũng đổi thành chợ Long Xuyên. Long Xuyên trở thành lỵ sở chính thức hạt Long Xuyên, cũng như tỉnh Long Xuyên hay tỉnh An Giang sau này.

Về phía chính quyền cách mạng, sau tháng 8-1945, địa bàn Long Xuyên thuộc quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên. Ngày 12-9-1947, Long Xuyên thuộc quận Châu Thành, tỉnh Long Châu Hậu theo Chỉ thị 50 của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam Bộ; đến cuối năm 1950 thuộc tỉnh Long Châu Hà. Từ năm 1956, Long Xuyên thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Năm 1957, tách ra khỏi huyện Châu Thành, thành lập TX. Long Xuyên. Theo Quyết định của Thường vụ Trung ương Cục, để phù hợp với yêu cầu cách mạng, sau khi điều chỉnh địa giới các tỉnh, tháng 5 năm 1974, TX. Long Xuyên thuộc tỉnh Long Châu Hà.

Phát triển không ngừng

Trong tiến trình lịch sử của An Giang, Long Xuyên luôn giữ vai trò trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa..., dù trải qua bao thăng trầm, biến đổi. Quá trình hình thành và phát triển của vùng đất Long Xuyên luôn gắn liền với việc giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, mà nổi trội trong các truyền thống đó là lòng yêu nước. Vùng đất Long Xuyên là trung tâm của tỉnh lỵ, nơi đặt các cơ quan đầu não của kẻ thù, địch thường xuyên phong tỏa, kiểm soát gắt gao và được xem rằng “khó có thể nổ ra các phong trào đấu tranh cách mạng” như ở các vùng nông thôn. Nhưng, với truyền thống yêu nước của dân tộc, ngay từ khi thực dân Pháp xâm lược, tại Long Xuyên đã có nhiều gia đình và cá nhân vùng lên hưởng ứng các cuộc đấu tranh do các tầng lớp, sĩ phu yêu nước khắp đất nước đứng lên phát động cuộc đấu tranh cứu nước. Nhân vật tiêu biểu và mang đến tự hào cho người dân Long Xuyên là người thanh niên Tôn Đức Thắng - sau này làm Chủ tịch nước - người con của quê hương Mỹ Hòa Hưng. Đó còn là lòng dân trong 2 cuộc kháng chiến, nổi bật là xã Mỹ Khánh Anh hùng (nơi thành lập Đội Biệt động Long Xuyên), căn cứ quan trọng của Thị xã ủy Long Xuyên trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước...

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Long Xuyên bắt tay ngay vào khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng chính quyền, phát triển sản xuất, tổ chức lại cuộc sống dưới chế độ mới; tập trung xây dựng kiến thiết đô thị, đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa và xây dựng phát triển nông thôn. Tháng 2-1976, TX. Long Xuyên gồm 4 xã: Bình Đức, Mỹ Bình, Phước Mỹ và Mỹ Phước. Đến ngày 1-3-1977, TX. Long Xuyên gồm 4 phường và 2 xã. Ngày 23-8-1979, sáp nhập xã Mỹ Hòa Hưng của huyện Châu Thành vào TX. Long Xuyên. Ngày 12-1-1984, thành lập thêm 3 phường, xã (phường Mỹ Xuyên, xã Mỹ Khánh và xã Mỹ Thạnh). Lúc này, TX. Long Xuyên có 5 phường và 5 xã. Ngày 1-3-1999, Chính phủ ban hành Nghị định số 09/1999/NĐ-CP thành lập TP. Long Xuyên trên cơ sở toàn bộ diện tích và dân số của TX. Long Xuyên. Ngày 2-8-1999, xã Mỹ Thạnh, Mỹ Thới được nâng lên thành phường; thành lập mới phường Mỹ Quý và phường Bình Khánh. Ngày 12-4-2005, thành lập thêm phường Đông Xuyên. Ngày 14-4-2009, Chính phủ có Quyết định số 474/QĐ-TTg, công nhận TP. Long Xuyên là đô thị loại II, trực thuộc tỉnh An Giang. Từ một thị xã vào năm 1975 (có dân số khoảng 100.000 người), đến năm 1999, Long Xuyên trở thành thành phố (có 10.687ha diện tích tự nhiên và 245.149 nhân khẩu, gồm 10 đơn vị hành chính cơ sở). Hiện nay, TP. Long Xuyên có 11 phường, 2 xã, dân số 286.140 người.

GIA KHÁNH