Ngày 15-12, Liên minh châu Âu đã đệ trình hai dự thảo luật nhằm hạn chế các gã khổng lồ công nghệ. Đây là nỗ lực cải cách lập pháp lớn đầu tiên của EU về quy định kỹ thuật số trong hai thập kỷ. Một khi luật mới được thông qua, nó sẽ trở thành quy định quản lý công nghệ nghiêm ngặt nhất thế giới, có thể thay đổi hoàn toàn cách thức hoạt động của các công ty công nghệ.
Luật mới chủ yếu nhắm vào các nền tảng truyền thông xã hội có hơn 45 triệu người dùng ở Châu Âu. Nó quy định rằng những phương tiện truyền thông xã hội này có nghĩa vụ kiểm duyệt và hạn chế phổ biến nội dung bất hợp pháp và việc không thực hiện bị coi là vi phạm. Nội dung bất hợp pháp bao gồm: tuyên truyền khủng bố, tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em, việc sử dụng AI để thao túng bầu cử và truyền bá ngôn từ có hại cho sức khỏe cộng đồng.
Trước đây, những gã khổng lồ trong lĩnh vực truyền thông xã hội đã phải đối mặt với sự chỉ trích vì không thực hiện nhiều biện pháp hơn để xem xét nội dung do người dùng tạo. Tuy nhiên, các chính phủ châu Âu và Mỹ miễn cưỡng thực hiện luật cấm một số nội dung vì lo ngại hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Hai dự luật sẽ áp dụng mức phạt rất lớn nếu vi phạm
Các công ty vi phạm Đạo luật thị trường kỹ thuật số sẽ bị phạt tới 10% doanh thu toàn cầu, trong khi đó mức phạt dành cho hành vi vi phạm Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số cũng lên tới 6% doanh thu. Luật quy định các công ty công nghệ lớn bị phạt 3 lần trong vòng 5 năm sẽ bị gắn mác “tái phạm” và EU có quyền thực hiện hành động chia rẽ họ. Các quan chức EU cho rằng, quy định mới sẽ bổ sung cho luật chống độc quyền và tăng trách nhiệm của những công ty lớn.
Liên minh châu Âu thường được coi là nơi có quy định công nghệ nghiêm ngặt nhất trên thế giới. Nhóm 27 quốc gia này có dân số khoảng 450 triệu người và các quy định về khoa học và công nghệ ở đây thường trở thành hình mẫu cho toàn cầu. Vào năm 2018, Liên minh Châu Âu đã thông qua Đạo luật bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) mang tính bước ngoặt, được coi là đạo luật "nghiêm ngặt nhất" trong lĩnh vực bảo vệ quyền riêng tư.
Tại châu Âu, có rất ít công ty Internet địa phương đạt được quy mô như những gã khổng lồ ở Thung lũng Silicon, hầu hết những thách thức đến từ Mỹ. Các công ty như Google, Amazon, Facebook và Apple đang phải đối mặt với sự thù địch ngày càng tăng ở châu Âu vì trả thuế thấp tại địa phương, thường bị nghi ngờ xâm phạm quyền riêng tư và có xu hướng chèn ép đối thủ cạnh tranh.
Vào tháng 11, Liên minh châu Âu cáo buộc Amazon lạm dụng lợi thế bán lẻ trực tuyến và vi phạm luật cạnh tranh. Vụ án dự kiến có phán quyết vào năm sau, nếu bị kết tội Amazon phải đối mặt với khoản tiền phạt lên tới 10% tổng doanh thu hàng năm toàn cầu, tương đương hàng tỷ USD và Amazon có thể kháng cáo. Luật mới lần này là bản cập nhật cho luật giám sát mạng được ban hành vào năm 2004, khi hầu hết các gã khổng lồ công nghệ vẫn còn phôi thai hoặc thậm chí là chưa thành lập.
Luật pháp vẫn cần được thông qua
Tuy nhiên, dự luật EU công bố ngày 15-12 chỉ là dự thảo, sẽ bước vào quá trình xem xét lâu dài. Theo quy trình lập pháp của Liên minh Châu Âu, phải có sự chấp thuận của các cơ quan lập pháp khác của Liên minh Châu Âu, bao gồm Nghị viện Châu Âu và Hội đồng Châu Âu trước khi nó được ký thành luật. Quá trình xem xét có thể mất một hoặc hai năm.
Trong giai đoạn này, ý kiến của 27 quốc gia thành viên EU và Nghị viện châu Âu, cũng như lập trường của các hiệp hội thương mại và công nghiệp công nghệ, có thể ảnh hưởng đến văn bản pháp lý cuối cùng. Các nhà quan sát mong đợi một trận chiến kéo dài ở Brussels, bởi vì ngành công nghệ chi tiêu nhiều hơn cho vận động hành lang hơn bao giờ hết. Facebook và những công ty công nghệ khác đã cảnh báo rằng nhiều quy định hơn có thể buộc họ phải rời khỏi châu Âu, khiến người dân ở EU mất việc hoặc quyền truy cập vào trang web của họ.
Các công ty công nghệ có thể cố gắng làm suy yếu những quy tắc mới hoặc kêu gọi quy tắc công bằng. Stéphanie Yon-Courtin, một nhà lập pháp châu Âu liên quan đến việc chỉ định chính sách cạnh tranh nói: “Tôi kỳ vọng rằng các nền tảng sẽ cố gắng chia rẽ Nghị viện châu Âu xung quanh các cuộc tranh luận giả và đơn giản. Chẳng hạn như ủng hộ - phản đối quyền tự do ngôn luận hay ủng hộ - phản đối sự đổi mới”.
Thái độ của các nước EU cũng khác nhau. Ngay từ tháng 9, Pháp và Hà Lan đã ban hành một văn bản chung thúc giục chính quyền EU có lập trường cứng rắn đối với các gã khổng lồ công nghệ. Với Hà Lan, lời kêu gọi này đánh dấu sự rời bỏ con đường thương mại tự do truyền thống. Đức cũng ủng hộ biện pháp cứng rắn, còn chính phủ Séc cảnh báo người dân không nên điều tiết quá mức. Trong khi đó, là nơi đặt trụ sở chính ở châu Âu của Google, Facebook và Twitter, Ireland đang cố gắng áp dụng một phương pháp giám sát vừa phải.
Cũng có ý kiến cho rằng tranh chấp lập pháp này có thể là phép thử cho mối quan hệ giữa Mỹ và EU. Trong thời chính quyền Trump, quan hệ song phương đã căng thẳng về một số vấn đề như thuế kỹ thuật số. Nhiều tổ chức vận động hành lang đại diện cho lợi ích của các công ty công nghệ Mỹ đã phàn nàn với nhiều quan chức ở Washington về quy định mới của châu Âu. Sau khi Biden nhậm chức, ông hy vọng sẽ khôi phục lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương truyền thống.
Song phần lớn dư luận vẫn bày tỏ thái độ tích cực trước nỗ lực của EU. Raegan MacDonald, người đứng đầu chính sách công ở Brussels của Mozilla Foundation, đơn vị vận hành trình duyệt Firefox, nói rằng những nỗ lực của EU là cơ hội "có một không hai". Đặc biệt, những quy tắc minh bạch sẽ cung cấp thông tin quan trọng cho hoạt động của doanh nghiệp.
Theo PHONG VŨ (Infonet)