Lùi vụ phóng Kính thiên văn không gian James Webb vào vũ trụ tới ngày 25-12

22/12/2021 - 13:51

Vụ phóng Kính thiên văn không gian James Webb (JWST) - được các nhà thiên văn học kỳ vọng sẽ mở đường cho kỷ nguyên khám phá mới - một lần nữa phải hoãn lại tới ít nhất ngày Giáng sinh (25-12) do "các điều kiện thời tiết bất lợi" tại bãi phóng ở Guiana, một tỉnh hải ngoại của Pháp.

Kính thiên văn không gian lớn nhất thế giới James Webb (JWST) được thử nghiệm tại Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA ở Houston, Texas, Mỹ, ngày 16-5-2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Đây là thông báo mới nhất của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA).     

Thông báo nêu rõ dự kiến vụ phóng sẽ diễn ra trong khoảng 12h20-12h52 ngày 25/12 theo giờ GMT (19h20-19h52 cùng ngày theo giờ Việt Nam). Hiện phương tiện phóng là tên lửa đẩy Ariane 5 và kính thiên văn JWST đang trong điều kiện ổn định và an toàn tại Khu vực lắp ráp sau cùng (Final Assembly Building).   

Giám đốc NASA Bill Nelson đã gửi lời cám ơn tới các nhóm nỗ lực làm việc ngày đêm để đảm bảo vụ phóng JWST sắp tới sẽ diễn ra an toàn.  

Đây là lần thứ ba vụ phóng JWST phải hoãn lại do các vấn đề nhỏ. Lần hoãn đầu tiên là do một sự cố trong quá trình chuẩn bị cho vụ phóng vào cuối tháng 11 năm nay. Lần thứ hai là do trục trặc thông tin liên lạc. Nếu vụ phóng ngày 25/12 tới được xác định là khả thi, sự kiện này sẽ trở thành món quà Giáng sinh thiết thực dành cho các nhà khoa học đã chờ đợi ba thập kỷ để chứng kiến kính thiên văn lớn nhất với độ phân giải cao chưa từng có cất cánh vào không gian trên tên lửa đẩy Ariane 5.

Kính thiên văn không gian James Webb là "thế hệ sau" của kính viễn vọng không gian huyền thoại Hubble. Tuy vậy, Kính thiên văn James Webb có quỹ đạo quay quanh Mặt Trời là 1,5 triệu km tính từ Trái Đất, xa hơn nhiều so với kính viễn vọng Hubble chỉ hoạt động trên quỹ đạo của Trái Đất tại độ cao khoảng 610 km kể từ năm 1990. Giới khoa học kỳ vọng rằng thiết bị này sẽ giúp giải đáp các câu hỏi cơ bản về vũ trụ, quay ngược thời gian 13 tỷ năm trước. Kính thiên văn mới này cũng sẽ cung cấp thông tin mới về gần 5.000 hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời.

Theo MINH TÂM (TTXVN)