Lý do ngày càng nhiều nước Đông Nam Á muốn gia nhập BRICS
22/06/2024 - 09:11
Theo các nhà phân tích, mong muốn đa dạng hóa các lựa chọn trên đấu trường kinh tế toàn cầu là một trong những lý do khiến ngày càng nhiều các quốc gia Đông Nam Á muốn gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS.
AA
Quốc kỳ các nước thành viên BRICS. Ảnh: AFP/TTXVN
Tiến sĩ Joseph Liow – Trưởng khoa Khoa học xã hội, nghệ thuật và nhân văn tại Đại học công nghệ Nanyang (Singapore) – cho biết các quốc gia bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS đều bị thu hút bởi tiềm năng chung của khối này.
“Đây là một phần trong tính toán của các quốc gia Đông Nam Á về lợi ích quốc gia và mong muốn đa dạng hóa các lựa chọn của họ trên trường kinh tế toàn cầu”, ông Liow nhấn mạnh
Theo hãng tin Reuters (Anh), hôm 20/6, người phát ngôn Bộ ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura cho biết nước này đã đệ trình yêu cầu chính thức gia nhập BRICS từ một tuần trước.
Trong khi đó, trong cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông Trung Quốc Guancha hôm 18//6, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cho biết nước này đã quyết định gia nhập BRICS và “sẽ sớm tiến hành các thủ tục chính thức”.
Hồi tháng 1, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết đất nước này “vẫn đang nghiên cứu những lợi ích có thể đạt được khi gia nhập BRICS”.
Các quốc gia khác, như Myanmar và Lào trước đây cũng bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Trong khi đó, Singapore và Philippines, vẫn chưa đưa ra lập trường về việc gia nhập khối.
Lời kêu gọi của BRICS
Ông Bhima Yudhistira, Giám đốc điều hành Trung tâm nghiên cứu kinh tế và luật pháp (CELIOS) tại Indonesia, cho biết hầu hết các quốc gia trong ASEAN đều coi Trung Quốc và Ấn Độ là những thị trường truyền thống tiềm năng.
BRICS được thành lập vào năm 2006, ban đầu bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. Nam Phi gia nhập khối vào năm 2010. Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) được chào đón trở thành thành viên mới của khối từ ngày 1/1/2024.
Tổng cộng, nền kinh tế của các thành viên BRICS có giá trị hơn 28,5 nghìn tỷ USD, chiếm khoảng 28% nền kinh tế toàn cầu.
Trong khi đó, Tiến sĩ Alan Chong, Nghiên cứu viên cao cấp tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam của Singapore, mô tả BRICS là “một vòng tròn lãnh đạo thay thế khi nói đến quản trị toàn cầu”.
Lấy ví dụ về mối quan tâm của Malaysia khi gia nhập nhóm, Tiến sĩ Chong cho biết rằng đây có thể “là một cách để nâng cao chính sách đối ngoại của quốc gia này theo một cách rất đặc biệt”.
Những trở ngại
Ông Bhima cảnh báo khi một số nước ASEAN gia nhập BRICS, điều này có thể trao cho Bắc Kinh vai trò lớn hơn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Ngoài ra, các quốc gia này còn có thể phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc theo nhiều cách khác nhau, đặc biệt là từ góc độ kinh tế.
“Điều này thực sự rất rủi ro, vì Trung Quốc đang phải trải qua tình trạng nhu cầu trong nước chậm lại trong ít nhất 2 đến 3 năm tới và vẫn đang vật lộn với cuộc khủng hoảng bất động sản. Nền kinh tế Trung Quốc, dự kiến chậm lại, cũng sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế của các nước trong khu vực ASEAN”, ông Bhima nói.
Trong khi đó, Tiến sĩ Liow cho biết chính trị trong nội bộ BRICS có thể trở thành một trở ngại.
“Cũng có những trở ngại lớn, như tư cách thành viên của các quốc gia có mối quan hệ song phương riêng đang phải đối mặt với những thách thức, như Trung Quốc và Ấn Độ, hoặc Saudi Arabia và Iran. Chính trị có thể dễ dàng trở thành một bức tranh khiến tiềm năng của khối khó có thể hiện thực hóa”, ông nói.
Trong khi một số quốc gia Đông Nam Á đã bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS, thì một số quốc gia khác vẫn giữ im lặng về vấn đề này. Nhà kinh tế học Bhima tin rằng vấn đề này phụ thuộc vào mối quan hệ giữa các quốc gia ASEAN và các thành viên trong nhóm BRICS.
“Singapore cảm thấy nếu không gia nhập BRICS, họ cũng vẫn trở thành trung tâm đầu tư và tài chính cho nhiều công ty Trung Quốc. Nước này cũng lo ngại các thỏa thuận song phương và đa phương với Trung Quốc và các quốc gia BRICS khác sẽ bị trùng lặp”, ông Bhima nói.
Tuy nhiên, ông Bhima tin rằng sức hấp dẫn của BRICS sẽ tiếp tục hướng đến việc mở rộng để có được những lợi ích kinh tế tiềm năng.
“Nhiều quốc gia sẽ quan tâm đến việc gia nhập BRICS nếu các nước lớn như Trung Quốc và Ấn Độ đưa ra các gói đầu tư hấp dẫn, giảm bớt các rào cản xuất khẩu khác nhau cho các nước BRICS và cung cấp các khoản vay chắc chắn hơn cho các dự án lớn phù hợp với chương trình nghị sự quốc gia", ông cho hay.
Theo TTXVN
Mọi phản ánh, ý kiến, tin, bài và hình ảnh cộng tác của độc giả có thể gửi đến Báo An Giang theo địa chỉ: