Mang phim về quê

06/03/2024 - 05:36

 - Một chiếc xe tải nhỏ chứa máy móc, một tấm vải màn hình 250 inch, đội chiếu phim lưu động vỏn vẹn 3 người đã đi khắp nơi trong tỉnh, về đến vùng sâu, vùng xa, biên giới, mang “ánh sáng văn hóa” cho người dân. Dù rằng, nhịp sống hiện đại dần làm mất vị thế của nghề, nhưng họ vẫn âm thầm phục vụ, chưa hề ngơi nghỉ.

Toàn tỉnh An Giang giờ chỉ có duy nhất đội chiếu phim lưu động do ông Nguyễn Sĩ Hùng làm đội trưởng, trực thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh, sau nhiều lần tách, nhập. Một lần giữ chức đội trưởng của ông kéo dài ngót 20 năm, từ 2006 đến giờ. Ông gọi đó là cơ duyên. “Tôi học nghề điện tử, chuyên sửa đầu máy video. Công ty Điện ảnh An Giang thiếu kỹ thuật viên in sang băng đĩa, tôi được mời vào làm. Vài năm sau, đội trưởng đội chiếu phim lưu động về hưu, tôi đảm nhận nhiệm vụ thay thế” - ông bắt đầu câu chuyện.

Hồi đó, phim nhựa đang ở thời kỳ hoàng kim. Phim ảnh Việt Nam lưu hành trong dân rất ít, vì máy móc, công nghệ chưa phát triển. Mỗi lần đi chiếu phim lưu động, cả đội phải thay nhau vác máy móc đời cũ nặng trịch. Năm 2010, một số phim video chuyển thể từ phim nhựa xuất hiện, nghề của họ đỡ vất vả hơn. Phim được lưu từ băng video, chuyển sang đĩa, giờ vào ổ cứng gọn nhẹ. “Mỗi đêm, khán giả tập trung 300 - 400 người là chuyện bình thường. Nhiều nơi, mọi người chen chân nhau không lọt. Đi chiếu phim tới đâu là rần rần tới đó, bà con rủ nhau đi coi phim vui lắm” - ông Hùng chia sẻ.

Tính cả cũ, mới, phim trắng đen lẫn phim màu, hiện giờ đội lưu trữ khoảng 100 đầu phim Việt Nam, do Cục Điện ảnh cung cấp. Từ những phim kinh điển “Cánh đồng hoang”, “Mùa gió chướng”, “Hòn Đất”… đến phim hài, tình cảm, võ thuật “Tiểu đội hoa hồng”, “Thiên mệnh anh hùng”… đều được chiếu đi chiếu lại, người dân đón nhận nhiệt tình.

Một suất chiếu phim tại huyện An Phú

Qua thời kỳ hoàng kim, lượng khán giả giảm dần. Khoảng 10 năm trở lại đây, mọi thứ thay đổi chóng mặt. Muốn xem phim gì, chỉ cần lên mạng tìm kiếm. Công nghệ mở rộng đời sống văn hóa, giải trí của người dân từ thành thị đến nông thôn, chỉ cần thông qua chiếc điện thoại di động. Vậy nên, mấy ai thiết tha với buổi chiếu phim lưu động ngoài trời nữa!

Có hôm, khán giả chỉ vài chục người. Đa số là người già, trẻ em ở lại quê nương náu nhau, còn người trong độ tuổi lao động đã rời quê mưu sinh. Thanh, thiếu niên, học sinh dừng xe ngó nghiêng, không hứng thú cho lắm. Ít người nhẫn nại ngồi theo dõi cả bộ phim, bởi họ còn nhiều sự lựa chọn khác thú vị hơn.

Từ định mức 130 suất chiếu/năm (tương ứng 12 suất/tháng), đội chiếu phim được giảm còn 120 suất. Cả năm 2023, họ chỉ chiếu 100 suất, do các công việc chuyên môn khác chi phối. Nhưng suốt buổi trò chuyện cùng tôi, ông Hùng chẳng bận tâm về nốt trầm ấy. Ngược lại, ông lạc quan: “Điện ảnh luôn là món ăn tinh thần trong lĩnh vực văn hóa. Việt Nam mới gia nhập “ngành công nghiệp văn hóa” này, nên tiềm năng còn rất lớn, nhiều bộ phim được công chúng đón nhận. Mặt khác, chúng tôi có cách làm riêng, có mục đích riêng, nên không sợ bị cạnh tranh”.

Điều lớn nhất mà đội chiếu phim lưu động hướng đến là thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền các bộ phim tài liệu về lực lượng vũ trang, quá trình phát triển của từng ngành, lĩnh vực… theo chủ điểm hàng tháng, hàng năm, với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, không để bỏ trống “trận địa” ở vùng quê. Mỗi bộ phim tài liệu không quá 30 phút, nhưng nếu chiếu riêng lẻ thì rất phí.

Vì vậy, họ thường kết hợp chiếu phim tài liệu trước, giới thiệu bộ phim Việt Nam sẽ chiếu tiếp tục ngay sau đó, để “giữ chân” khán giả. Hoặc lồng ghép chiếu phim tài liệu trước chương trình biểu diễn văn nghệ…

Cách làm nào cũng được, miễn tạo điều kiện đưa các bộ phim tài liệu, mang ý nghĩa chính trị sâu sắc đến với người dân càng sâu rộng càng tốt. Những bộ phim này không có trên mạng Internet, gần như “độc quyền”, nên ông Hùng “không sợ cạnh tranh” là vậy.

Mấy mươi năm ròng rã theo nghề, cũ đi mới tới, nhưng ông Hùng vẫn là gương mặt quen thuộc của nhiều thế hệ cán bộ văn hóa, tuyên huấn của lực lượng vũ trang. Ông tự hào rằng mình đã đi khắp mọi miền quê, biết rất rõ từng nơi, hiểu tập quán văn hóa của nhiều vùng đất trong tỉnh. Nghề thấm sâu vào máu, trở thành nghiệp cả đời.

Ông yêu những chuyến đi, những buổi chiếu phim dù đông dù vắng, thuộc lòng từng bộ phim mình có. Thậm chí, ông rành nghề đến mức, nhìn sơ sân khấu cũng đoán được hôm nay khán giả đến dự nhiều hay ít, tuổi tác thế nào. Ông hòa mình vào người dân, ngồi xem phim nghiêm túc, thi thoảng hỏi người bên cạnh “phim hay không”, “cảm nhận thế nào”, để ghi nhận hiệu quả buổi tuyên truyền.

Ngần ấy năm, kỷ niệm đong đầy trong ông. Những buổi về khuya, mệt mà ăm ắp niềm vui khi khán giả xem đầy sân. Có hôm mưa gió, xe hư, cả đội, thay nhau đội mưa khắc phục. Đi đến đâu, họ ăn nghỉ ở đó, kết chặt tình thương mến với người địa phương. Cứ túc tắc như thế, những suất chiếu nối tiếp nhau, thành một nghề đặc biệt vô cùng…

Ánh chiều tắt hẳn, nhường chỗ cho màn đêm, báo hiệu câu chuyện của chúng tôi phải kết thúc, chuẩn bị suất chiếu đêm nay. Như dự đoán của ông Hùng, mới bắt đầu chương trình, người thưa thớt lắm, đa phần là trẻ nhỏ. Chúng ngồi nhấp nhổm trên ghế, nhìn những chú bộ đội trên màn hình vải, chưa hiểu được phim đang nói về điều gì.

Nhưng ít ra, người dân ở xã vùng biên hôm ấy có dịp tiếp cận với bộ phim, lưu dấu trong họ về người lính biên phòng. Rồi họ sẽ được cảm nhận rõ nét hơn bằng phần biểu diễn văn nghệ sôi động phía sau. Đội chiếu phim hoàn thành nhiệm vụ, lặng lẽ xếp màn hình vải, kết thúc thêm suất chiếu trong nghề nghiệp của mình…

GIA KHÁNH