Biểu tượng YouTube trên màn hình máy tính bảng. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Việc cắt đứt mối liên hệ với mạng xã hội có thể xem là giải pháp nhanh, gọn, hiệu quả thay vì chật vật tìm cách tháo gỡ mớ hỗn tạp trên mạng xã hội tại thời điểm gặp rắc rối. Đó là nội dung bài viết của nhà báo Mỹ Noam Cohen đăng trên trang tin www.wired.com.
Theo tác giả, các vụ tấn công liên hoàn xảy ra tại 3 thành phố của Sri Lanka hôm 21/4 khiến ít nhất 360 người thiệt mạng đã được dựng lên để kích động xung đột tôn giáo ở một đất nước đang "nhích" từng bước phục hồi sau 1/4 thế kỷ chìm trong nội chiến. Trên chặng đường 10 năm tiến tới hòa bình và ổn định, nhiều vụ bạo lực liên quan đến tôn giáo xảy ra, như vụ bạo động chống người Hồi giáo tháng 3/2018 khiến 2 người chết. Tại thời điểm đó, Chính phủ Sri Lanka cũng tạm thời đóng cửa các mạng xã hội để hạn chế sự phát tán thông tin liên quan đến vụ bạo lực.
Một nghị sĩ Sri Lanka khi đó bày tỏ quan điểm trên Twitter: "Chính phủ sẽ phải hành động ngay lập tức để cứu lấy nhiều tính mạng".
Loạt vụ tấn công trong ngày Lễ Phục sinh vừa qua có quy mô khác biệt và ngay lập tức Chính phủ Sri Lanka đã có hành động ứng phó ngay tức thì, đó là đóng cửa toàn bộ các nền tảng xã hội. Bằng hành động này, giới chức Sri Lanka muốn các mạng xã hội không thể là công cụ để những kẻ bất trị lợi dụng nhằm làm gia tăng căng thẳng.
Thế giới đều đang đánh giá lại vai trò thích hợp của các mạng xã hội. Ivan Sigal, Giám đốc điều hành của Global Voices - tổ chức cam kết sử dụng công cụ Internet để cổ vũ sự hiểu biết vượt biên giới, đưa Twitter vào diện xem xét liên quan đến các vụ tấn công Sri Lanka. Ông nói: "Nhiều năm trước đây, chúng ta dựa vào những nền tảng xã hội này để giúp đỡ lẫn nhau và kêu gọi sự tương hỗ trong hoạt động cứu trợ. Hiện giờ, chúng ta coi các nền tảng này như một mối đe dọa".
Ông nói thêm: "Nhiều năm trước đây, chúng ta coi việc đóng cửa các trang mạng xã hội sau một vụ tấn công là sự kiểm duyệt thái quá, nhưng giờ chúng ta nghĩ rằng đây là trách nhiệm cần thiết để bảo vệ bản thân chúng ta trước mối đe dọa. Facebook ngôi nhà của bạn đã không còn trật tự”.
Sigal mô tả mạng xã hội mang con người chúng ta đến gần nhau hơn. Tuy nhiên, rất nhanh chúng ta bắt đầu lo ngại xem liệu đây có phải là "bức tranh hoàn chỉnh" của mạng xã hội. Chúng ta đều thấy các mạng xã hội như thứ gây nghiện và không nhất thiết tốt cho sức khỏe của chính chúng ta và con trẻ.
Chủ nghĩa cực đoan đang xâm nhập vào các mạng xã hội và khiến chúng trở thành mối nguy hại. Bằng cách tự động khuyến tán mọi tin tức xuất hiện trên nền tảng của họ và sử dụng dữ liệu và các thuật toán cá nhân để đưa những thông tin tới tới những nguồn tin có khả năng phát tán rộng lớn nhất, các mạng xã hội chính là vũ khí. Chúng phải được xem là một mối nguy hiểm đối với toàn xã hội, chứ không đơn thuần sự mở rộng danh sách người sử dụng mạng xã hội.
Chúng ta cần kiểm soát mạng xã hội với những quy định hợp lý về địa điểm, thời gian và thể loại nền tảng nào được hoạt động tự do, tượng tự như các quy định toàn diện về địa điểm, thời gian và loại súng nào được phép sử dụng trong cộng đồng mà gần như tất cả các chính phủ trên thế giới đang áp đặt.
Sự "tự do" có thể tiếp tục trở thành cái cớ dẫn đến sự thất bại trong việc kiểm soát các mạng xã hội như từng được đưa ra cách đây 250 năm cản trở hoạt động kiểm soát súng đạn.
Theo LAN PHƯƠNG (Báo Tin Tức)