Những hệ lụy của việc chìm đắm trong mạng xã hội ảo
Không thể phủ nhận sự phát triển của mạng xã hội là một đóng góp tích cực cho cuộc sống, giúp mọi người dễ dàng kết nối, làm quen, phát triển thương hiệu, trao đổi, mua bán… nhưng từ đó cũng đã nảy sinh nhiều tiêu cực nếu người tham gia mạng xã hội không biết cách điều chỉnh hợp lý.
Vấn đề này ảnh hưởng đến cuộc sống và việc xây dựng các mối quan hệ trong xã hội. Mất kiểm soát khi dùng mạng xã hội có thể dẫn tới những hệ lụy lâu dài về mặt tâm lý.
Ảnh minh họa.
Chuyên gia Tâm lý Mai Việt Đức (Trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý 247) cho hay, theo những nghiên cứu gần đây của Liên Đoàn Sức Khỏe Tâm Thần Thế Giới (WFMH) - tổ chức bảo vệ sức khỏe tâm thần toàn cầu có thành viên trên 150 quốc gia, thì:
Một nửa loại bệnh tâm thần khởi phát từ 14 tuổi nhưng hầu hết không được phát hiện và điều trị. Trầm cảm chiếm 1/3 nguyên nhân gây ra gánh nặng này của tuổi trẻ. Tự tử là nguyên nhân tử vong thứ 2 ở lứa tuổi từ 15 đến 29. Trong đó, nguyên nhân ảnh hưởng lớn nhất là việc "nghiện" mạng xã hội.
Chuyên gia tâm lý Mai Việt Đức (Trung tâm tư vấn, trị liệu tâm lý 247).
Những vấn đề gặp phải khi quá phụ thuộc mạng xã hội có thể kể đến như: Tăng cảm giác cô đơn, thích sống ảo, tự tin thái quá về bản thân, dễ bị kích động...
Không chỉ có thế, việc quá phụ thuộc vào mạng xã hội còn khiến người dùng, đặc biệt là giới trẻ tiếp thu các nguồn thông tin đa dạng nhưng không chất lượng, gây mất định hướng cuộc sống. Dễ thấy, xu hướng cập nhật và thu hút người xem thông tin trên mạng xã hội hiện nay là tin nóng trong ngày, phần lớn thông tin này là tiêu cực không giúp ích nhiều cho người xem.
Nếu người dùng không có động thái để thay đổi và vẫn tiếp tục dành thời gian quá mức để sử dụng mạng xã hội có thể khiến suy giảm sức khỏe do không kiểm soát được thời gian, lười vận động. Và đặc biệt, việc phụ thuộc mạng xã hội có thể khiến người dùng giảm khả năng giao tiếp và hòa nhập với mọi người trong đời sống.
"Kê đơn" điều trị "bệnh" mất kết nối với đời thực, nghiện mạng xã hội ảo
Theo chuyên gia Mai Việt Đức, để cải thiện những vấn đề này: Người dùng cần ý thức và cần thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội.
Hãy kiểm soát để giảm thời gian trực tuyến (dưới 60 phút/1 ngày), tăng thời gian vận động thể dục, thể thao (60 - 90 phút/ 1 ngày). Thay vì trò chuyện qua mạng xã hội hãy dành thời gian để trực tiếp trò chuyện với người xung quanh, chủ động và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng.
Các trường hợp tâm lý bất ổn do sử dụng mạng xã hội quá nhiều, không có khả năng tự ổn định tâm lý nên tham khảo ý kiến chuyên gia để trị liệu an toàn và hiệu quả nhất.
Để tránh các vấn đề tiêu cực không mong muốn, hãy chủ động kiểm soát mức độ sử dụng mạng xã hội với thời lượng vừa phải, biết chắt lọc các thông tin hữu ích để thu nạp, hạn chế đọc thông tin tiêu cực, không tham gia vào các hội nhóm bình phẩm chê bai cá nhân, tập thể trên mạng.
Người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo, tập trung tìm hiểu, khai thác thông tin hữu ích với bản thân tránh lãng phí thời gian. Tập trung xây dựng và phát triển các mối quan hệ thực tế thay vì mất thời gian vào những câu chuyện xã giao trên mạng.
Theo NGUYÊN AN (Dân Trí)