'Mặt Trời nhân tạo' của Trung Quốc lập kỷ lục mới

22/01/2025 - 08:45

Ngày 20/1, lò Tokamak siêu dẫn tiên tiến thử nghiệm (EAST), được mệnh danh là "Mặt Trời nhân tạo" của Trung Quốc, đã duy trì hoạt động plasma giới hạn cao ở trạng thái ổn định trong 1.066 giây. Đây là mốc thời gian kỷ lục trên thế giới, đánh dấu bước đột phá trong hành trình tìm kiếm cách thức sản xuất điện nhiệt hạch.

Khoảng thời gian 1.000 giây được coi là bước tiến quan trọng trong nghiên cứu nhiệt hạch. Bước đột phá do Viện Vật lý Plasma thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc (ASIPP) đạt được này đã cải thiện đáng kể so với kỷ lục thế giới ban đầu là 403 giây, cũng do chính EAST xác lập vào năm 2023.

Giám đốc ASIPP Tống Vân Đào (Song Yuntao) cho biết một thiết bị tổng hợp phải hoạt động ổn định ở hiệu suất cao trong hàng nghìn giây để cho phép tuần hoàn plasma tự duy trì, điều này rất quan trọng đối với việc phát điện liên tục của các nhà máy tổng hợp trong tương lai. Ông nhấn mạnh rằng kỷ lục mới này có ý nghĩa to lớn, đại diện cho một bước tiến lịch sử hướng tới sự phát triển của lò phản ứng tổng hợp.

Mục tiêu cuối cùng của một “Mặt Trời nhân tạo” là tạo ra phản ứng tổng hợp hạt nhân giống như Mặt Trời, cung cấp cho nhân loại nguồn năng lượng sạch vô tận và cho phép khám phá không gian bên ngoài hệ Mặt Trời. Các nhà khoa học toàn cầu đã làm việc trong hơn 70 năm để cố gắng đạt được kỳ tích này. Tuy nhiên, chỉ sau khi đạt nhiệt độ trên 100 triệu độ C, duy trì hoạt động ổn định lâu dài và đảm bảo khả năng kiểm soát thì thiết bị tổng hợp hạt nhân mới có thể tạo ra điện thành công.

Giám đốc bộ phận Vật lý và Hoạt động Thử nghiệm EAST Gong Xianzu cho biết ông và các cộng sự đã nâng cấp một số hệ thống EAST kể từ vòng thử nghiệm cuối cùng. Đơn cử như hệ thống sưởi ấm, trước đây hoạt động ở mức tương đương gần 70.000 lò vi sóng gia dụng, hiện đã tăng gấp đôi công suất đầu ra trong khi vẫn duy trì được tính ổn định và tính liên tục.

Kể từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 2006, EAST đã trở thành một nền tảng thử nghiệm mở cho các nhà khoa học Trung Quốc và giới nghiên cứu quốc tế tiến hành các thí nghiệm cũng như những nghiên cứu liên quan phản ứng tổng hợp. 

Trung Quốc chính thức tham gia chương trình Lò phản ứng Thử nghiệm Nhiệt hạt nhân Quốc tế (ITER) vào năm 2006 với tư cách là thành viên thứ bảy. Theo thỏa thuận, Trung Quốc đảm trách khoảng 9% hoạt động xây dựng và vận hành dự án. ASIPP là đơn vị chịu trách nhiệm chính thực hiện sứ mệnh Trung Quốc. Lò phản ứng ITER đang được xây dựng ở miền Nam nước Pháp. Sau khi hoàn thành, đây sẽ là thiết bị thử nghiệm vật lý plasma từ tính lớn nhất thế giới và là lò phản ứng tổng hợp hạt nhân tokamak thử nghiệm lớn nhất.

Theo TTXVN