Máy bay chạy năng lượng mặt trời PHASA-35
Theo đó, PHASA-35 là mẫu máy bay không người lái được phát triển để có thể bay trong tầng bình lưu, ở độ cao lên tới 20 km.
Sản phẩm được hãng BAE Systems kết hợp với Prismatic phát triển chỉ trong khoảng thời gian 2 năm, nhưng đã sớm được cất cánh thử nghiệm tại căn cứ không quân Hoàng gia Australia ở miền Nam nước này.
Nhà sản xuất tiết lộ, mẫu máy bay mới dự kiến sẽ được sử dụng để phát hiện các vụ cháy rừng và giám sát hàng hải.
Cụ thể, máy bay nặng 150 kg, sải cánh dài 35 m được bao phủ bằng các tấm pin mặt trời, dùng để cung cấp năng lượng khi bay vào ban ngày và bổ sung vào pin dự trữ dùng để bay vào ban đêm. Trong chương trình thử nghiệm, PHASA được cho bay ở độ cao 2 km, nhằm nhanh chóng hoàn thành và đánh giá tính khả thi của máy bay trong đáp ứng nhu cầu thực tế, trước khi nâng cấp theo đúng thiết kế.
Giám đốc kỹ thuật Ian Muldowney của BAE Systems nói rằng, kết quả tuyệt vời của chuyến bay thử nghiệm cho thấy, chúng ta có thể vượt qua thách thức mà chính phủ Anh đặt ra, nhằm cung cấp một hệ thống không chiến trong thập kỷ tới.
Được biết, PHASA-35 còn có thể được sử dụng để cung cấp mạng viễn thông 5G, dù điều này phụ thuộc vào cách xử lý trọng lượng anten đa năng 5G vốn có thể vượt quá tải trọng 40 kg, trong khi tải trọng tối đa của máy bay mới hiện chỉ là 15 kg.
Cũng theo BAE Systems, PHASA-35 sẽ tiếp tục tham gia nhiều chuyến bay thử nghiệm đã được lên kế hoạch vào cuối năm nay.
Sau khi hoàn tất mọi cuộc thử nghiệm, PHASA-35 có thể bắt đầu được thương mại hóa trong vòng 12 tháng.
Theo BẢO LAM (PetroTimes)