"Mekong show" - cách làm mới của xiếc công lập

03/07/2020 - 08:17

Tư duy mới, cách làm mới, đầu tư mới để tạo thương hiệu cho nghệ thuật xiếc công lập cất cánh

Chương trình "Mekong show" của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam vừa ra mắt đã được người xem đón nhận nồng nhiệt. Đây là chương trình nghệ thuật tổng hợp giữa loại hình xiếc và múa rối với kinh phí đầu tư hơn 1 tỉ đồng.

Kỳ vọng làm nên thương hiệu mới

Khác với những chương trình xiếc thường thấy là ráp nối các tiết mục xiếc trình diễn kỹ năng của diễn viên, "Mekong show" như một vở diễn với thời lượng 60 phút, tái hiện ngoạn mục quá trình lao động khai hoang, mở đất, đầy kiêu hãnh của người dân phương Nam; thiên nhiên và con người nơi đây sống chan hòa. Đề tài con người và vùng đất Nam Bộ là mảnh đất màu mỡ để xiếc, rối sáng tạo làm nên sức hấp dẫn cho vở diễn.

Khán giả trầm trồ với nghệ thuật tạo hình của NSND Vương Tất Lợi. Anh đã chế tác đàn cá sấu bơi lội, rượt đuổi đàn cá dưới đầm; đàn cò trắng bay lượn, rồi chú công xòe đuôi dưới ánh sáng dạ quang cực đẹp; hàng chục trai làng đánh đuổi cọp dữ; đồng ruộng bạt ngàn đến mùa thu hoạch, cả sân khấu nhà bạt xiếc tràn ngập lúa vàng; những đội thuyền ra khơi đánh bắt cá; những người thợ xây dựng nhà cửa, công trình, phút chốc hiện ra một thành phố công nghiệp...

Cảnh trong “Mekong show” của Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam

Từ câu chuyện được tác giả Lê Quý Dương xâu chuỗi, các tiết mục xiếc, rối được lồng ghép chặt chẽ, vận dụng tối đa điểm nhấn của từng loại hình, để nâng cao kỹ thuật xiếc nhào lộn, đu dây, tung hứng, múa lụa, nhảy dây, vận dụng xiếc trên đôi tay. Ấn tượng nhất là cách đưa những chú rối xinh xắn, được điều khiển bằng chân của các nữ diễn viên; cả những chú rối cạn, rối que, rối dây… xuất hiện sinh động khiến sân khấu lung linh, chuyển biến liên tục.

Nhạc sĩ Hồ Văn Thành đã sáng tác âm nhạc bằng những giai điệu ngũ cung của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ, kết hợp với tính hiện đại làm nên linh hồn của "Mekong show". Phần biên đạo múa của Mạnh Quyền và trợ lý Trần Được đã cộng hưởng sức mạnh cho đạo diễn Nguyễn Phi Sơn tăng tính hiệu quả nghệ thuật trong bức tranh tổng thể đầy màu sắc của chương trình.

Đạo diễn Nguyễn Phi Sơn cho biết anh và ê-kíp cùng hơn 50 diễn viên đã tập dượt cật lực trong khoảng 20 ngày để cho ra đời "Mekong show".

Sáng tạo để tồn tại

NSND Trần Minh Ngọc nhận xét Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã có bước chuyển mình đáng khen ngợi, khi tổng thể của câu chuyện "Mekong show" hứa hẹn ngang tầm với "À ố show" trong tương lai trên con đường xây dựng thương hiệu nghệ thuật dành cho du lịch trong và ngoài nước.

Hiện nay, với cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu nhưng Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tạo sức lay động trái tim khán giả vốn lâu nay cứ nghĩ "xiếc quốc doanh" vẫn làm theo lối cũ, nhàm chán.

Đạo diễn Lê Diễn, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, bày tỏ: " Chương trình tổng hợp loại hình xiếc - rối là một thử thách vì ngôn ngữ mỗi bộ môn nghệ thuật khác nhau, để tạo sự hợp lý là công việc đòi hỏi công phu. Trong giai đoạn hiện nay, nhà hát gặp rất nhiều khó khăn, đặc thù tuổi đời, tuổi nghề của diễn viên xiếc có hạn nên dẫn đến tình trạng luôn thiếu hụt nguồn nhân lực, những áp lực này đã khiến nhà hát phải sáng tạo hình thức biểu diễn, nỗ lực xây dựng các chương trình nghệ thuật chất lượng cao cũng như tìm nhiều phương thức mới trong tổ chức biểu diễn để thu hút người xem. "Mekong show" ra đời từ sự thúc ép đó".

Với những tín hiệu khả quan từ những nỗ lực của nhà hát, "Mekong show" là cú hích hiện thực hóa giấc mơ nâng tầm "xiếc quốc doanh". Các nhà chuyên môn đánh giá cao khi "xiếc quốc doanh" bắt đầu thay đổi tư duy, đặt hàng những tác phẩm chất lượng cao. Tác giả của "Mekong show" là đạo diễn sân khấu Lê Quý Dương vốn có mối quan hệ chặt chẽ với hệ thống sân khấu xiếc, rối, kịch nói và điện ảnh quốc tế. Anh đi nhiều nước, xem và hiểu được những điều du khách cần, do vậy đã tìm được chìa khóa sáng tạo cho Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam qua "Mekong show".

Lực lượng diễn viên trẻ của nhà hát đã được chăm chút, tạo cơ hội để đầu tư nhiều tiết mục mới. Trong đó phải kể đến sự trưởng thành đáng mừng của Thanh Hoa, Hiền Phước, Lê Hưng, Nhã Hiểu, Trịnh Thắng, Phương Đông… sau thế hệ đàn anh Quốc Cơ, Quốc Nghiệp. Họ xuất hiện thật sự ấn tượng trong các chương trình của nhà hát. Sự háo hức của đội ngũ diễn viên khi họ không còn diễn những trò đơn lẻ mà được hóa thân vào nhân vật để kể chuyện, đưa "Mekong show" đến với khán giả một cách chuyên nghiệp. Chính vì thế, khi chương trình khép lại là những tràng pháo tay không dứt từ phía khán giả. 

Cần hướng đi riêng

"Mekong show" không phải là chương trình xiếc có câu chuyện đầu tiên tại Việt Nam, trước đó đã có "À, ố show", "Làng tôi"... của tư nhân thành công vang dội. NSND Trần Ngọc Giàu cho rằng về kỹ thuật xiếc thì đơn vị nghệ thuật nào cũng giống nhau nhưng để tạo nên bản sắc riêng, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam cần phải có hướng đi riêng. "Bên cạnh việc hiện đại hóa các tiết mục theo xu hướng quốc tế, yếu tố truyền thống và văn hóa luôn được kết nối, để qua đó truyền cảm hứng đến người xem, cùng nhau nâng niu, gìn giữ văn hóa Việt".

"Mekong show" sẽ biểu diễn các suất lúc 20 giờ ngày 4 và 5-7 tại rạp xiếc Công viên Gia Định (đường Hoàng Minh Giám, quận Gò Vấp, TP HCM) với giá vé 100.000 đồng và 200.000 đồng.

Theo THANH HIỆP (Người lao động)