Virus Corona được nhận định có tốc độ lây lan nhanh chóng đặc biệt là biến chủng Delta.
Do đó, bên cạnh việc tăng cường sức đề kháng, rửa tay thường xuyên… chúng ta cũng cần chú ý vệ sinh nhà cửa để đề phòng dịch bệnh.
Dưới đây là một số mẹo nhỏ giúp nhà cửa luôn thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo công tác phòng dịch.
1. Vệ sinh bề mặt, vị trí được tiếp xúc nhiều
Các bề mặt, vị trí trong ngôi nhà thường xuyên được chúng ta chạm vào như tay nắm cửa, mặt bàn, công tắc đèn, mặt kệ, bàn phím máy vi tính… rất có thể lưu lại virus sau những lần được cầm nắm, sử dụng.
Do đó, chúng cần được vệ sinh thường xuyên nhất là sau khi được chúng ta sử dụng, chạm vào.
Điều này càng phải được thực hiện thường xuyên, kỹ lưỡng hơn nếu trong gia đình có người nhiễm Covid-19.
Cần thường xuyên khử khuẩn bề mặt các vật dụng để phòng dịch. (Ảnh: Đại học Y Dược TP.HCM).
2. Vệ sinh sàn nhà
Sàn nhà là nơi thường xuyên tiếp xúc với giày, dép, là những đồ vật dễ bị vi khuẩn, virus bám vào. Để phòng tránh nguy cơ virus xâm nhập vào căn nhà, chúng ta cần phải thường xuyên vệ sinh sàn nhà bằng các chế phẩm sát khuẩn an toàn cho sức khỏe.
Mỗi lượt lau sàn, chúng ta nên đợi từ 10-15 phút để dung dịch sát khuẩn có thời gian xử lý virus, vi khuẩn. Khi vệ sinh sàn nhà, chúng ta cũng cần phải đeo khẩu trang, bao tay để hạn chế nguy cơ tiếp xúc với virus.
3. Dọn dẹp, xử lý đồ cũ, không sử dụng
Đồ cũ, không sử dụng sẽ chiếm dụng không gian nhà, làm cho nhà cửa không thông thoáng, tạo điều kiện cho virus dễ dàng trú ngụ, lây lan.
Do đó, chúng ta nên dọn dẹp, xử lý những vật dụng cũ, quần áo… không còn sử dụng để ngôi nhà rộng rãi, sạch sẽ hơn. Việc này cũng hạn chế nhà cửa bị ẩm mốc hoặc tạo môi trường sản sinh vi khuẩn nguy hại cho sức khỏe.
4. Vệ sinh các thiết bị công nghệ trong nhà
Điện thoại, ti vi, máy tính, máy tính bảng, bộ điều khiển từ xa... đều là những đồ vật mọi người thường xuyên dùng tay tiếp xúc. Do đó, những vật dụng này rất dễ lưu lại virus.
Để nhà cửa thông thoáng cũng là một cách phòng chống sự lây lan của dịch bệnh. (Ảnh: Đại học Y dược TP.HCM).
Để phòng dịch, tránh lây nhiễm, chúng ta nên vệ sinh chúng thường xuyên sau mỗi lần sử dụng bằng dung dịch sát khuẩn. Sau đó, chúng ta dùng khăn lau chùi nhẹ vào bề mặt các thiết bị điện tử có trong nhà.
5. Vệ sinh các đồ đạc trong nhà làm từ vải
Ghế sofa là nơi các thành viên trong gia đình tiếp xúc nhiều nhất. Bởi vậy, chúng ta cần làm sạch sofa thường xuyên.
Khăn nhà bếp cũng cần được giặt sạch bằng nước nóng ít nhất một tuần một lần để loại bỏ vi khuẩn phát triển trên những bề mặt ẩm ướt.
6. Giặt giũ và khử khuẩn quần áo
Quần áo là những thứ tiếp xúc nhiều ở nơi công cộng và có nguy cơ bị virus bám vào cao nhất. Để đảm bảo an toàn cho ngôi nhà, các thành viên trong gia đình, chúng ta hãy thay quần áo, giặt sạch chúng ngay khi trở về nhà.
Trong lúc giặt, chúng ta cũng cần sử dụng các loại nước giặt, bột giặt và chế độ sấy khô thích hợp để loại bỏ virus. Bên cạnh đó, sau khi tiếp xúc với đồ bẩn, bạn nên rửa tay bằng xà phòng ngay lập tức.
Khay hoặc giỏ đựng quần áo cũng là những đồ vật nên được vệ sinh sạch sẽ mỗi ngày.
7. Tạo môi trường thông thoáng, trong lành
Đảm bảo thông gió bằng cách tăng cường thông gió tự nhiên trong ngôi nhà của bạn. Chúng ta cũng nên mở cửa cho thoáng khí, đón nắng vào nhà, hạn chế ở trong phòng máy lạnh dưới 25 độ C.
Theo NGUYỄN SƠN (Vietnamnet)