Mỗi nước một tiêu chuẩn, Việt Nam chưa có
Thông tin liên quan kiểm soát dư lượng Etylen oxit trong thực phẩm khi xuất khẩu, theo Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), tới thời điểm này, dữ liệu của RASFF cho thấy, các quốc gia châu Âu đã phát đi hơn 690 cảnh báo liên quan đến EO. Các nước đưa ra nhiều cảnh báo nhất là Hà Lan (208), Đức (90), Bỉ (79), Tây Ban Nha (49), Pháp (30) và Ý (28).
Các sản phẩm có chứa EO bị thu hồi thuộc nhiều chủng loại, bao gồm các chất phụ gia, gia vị, các loại hạt, thảo mộc, kem, món tráng miệng, ngũ cốc, các sản phẩm từ sữa, trái cây, rau quả, cà phê, trà, sản phẩm chế biến từ cacao,..v.v...
Những sản phẩm này có thể có chuỗi cung ứng gồm nhiều nhánh nhỏ dành riêng cho các cấu phần khác nhau trước khi được đóng gói trong sản phẩm cuối cùng. Việc kiểm soát chất lượng trong toàn chuỗi cung ứng cần được coi là mối quan tâm hàng đầu đối với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm.
Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.
Khi sản phẩm bị thu hồi ở châu Âu, ông Kajiwara Junich, Tổng Giám đốc Công ty Acecook Việt Nam - Công ty sản xuất mì Hảo Hảo- đã cam kết, tất cả các sản phẩm đang lưu hành tại thị trường Việt Nam đều tuân thủ quy định và pháp luật Việt Nam, không sử dụng ETO trong bất kỳ khâu nào của công nghệ bảo quản nguyên liệu sản xuất - lưu trữ. Các nhà cung cấp nguyên liệu cũng khẳng định với Acecook Việt Nam rằng không sử dụng EO trong quy trình sản xuất.
Song, điều đáng chú ý, Vụ khoa học và công nghệ cho biết: Hiện nay, Việt Nam chưa ban hành quy định cho phép, cấm sử dụng EO trong sản xuất nông nghiệp hay giới hạn dư lượng EO trong thực phẩm.
Trong khi đó, việc quy định các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với từng loại thực phẩm mà mỗi quốc gia, khu vực đơn phương đưa ra khác nhau và phụ thuộc rất lớn vào cán cân thương mại giữa các quốc gia/khu vực hoặc chính sách xuất nhập khẩu mỗi nước, điều kiện kỹ thuật, phương thức quản lý, thói quen tiêu dùng,...
Vì vậy, trong trường hợp này, Vụ Khoa học và Công nghệ cho rằng: Mức giới hạn dư lượng EO cho phép đối với cùng một mặt hàng thực phẩm có thể đáp ứng quy định của quốc gia, khu vực này nhưng lại vượt ngưỡng cho phép của quốc gia, khu vực khác. Đây là một yếu tố các doanh nghiệp cần nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin để kiểm soát tiêu chuẩn sản phẩm do mình sản sản xuất trước khi xuất khẩu.
Doanh nghiệp cần hết sức thận trọng
Hiện nay, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế, các sản phẩm từ Việt Nam xuất đi khắp thế giới. Thương mại quốc tế giữa các quốc gia, khu vực nói chung bị điều chỉnh bởi hệ thống các hiệp định thương mại tự do được ký kết ở cấp độ song phương hoặc đa phương. Bên cạnh đó, bất kỳ sản phẩm, hàng hóa xuất nhập khẩu nào cũng đều bị điều chỉnh bởi hệ thống các quy định của mỗi quốc gia.
Khi các FTA được ký kết ngày càng nhiều, “hàng rào thuế quan” gần như được dỡ bỏ theo nguyên tắc chung là tạo thuận lợi tối đa cho thương mại. Tuy nhiên, vì nhiều mục tiêu khác nhau như bảo vệ sức khỏe con người, động thực vật, các vấn đề môi trường, lợi ích quốc gia bao gồm an ninh, quốc phòng và kể cả lợi ích kinh tế, các nước sẽ tăng cường việc xây dựng các biện pháp TBT và biện pháp SPS.
Người tiêu dùng Việt Nam hiện tiêu thụ nhiều mì ăn liền.
Trong thực tiễn thương mại quốc tế gần đây, các vấn đề tranh chấp về TBT và SPS ngày càng được đưa ra nhiều hơn, hệ thống cảnh báo vi phạm, quyết định thu hồi, quyết định cấm nhập khẩu liên quan đến TBT và SPS cũng được ban hành nhiều hơn. Điều đó cho thấy, đây có thể coi là một cuộc chiến tương đối phức tạp và gay gắt giữa các nước, các doanh nghiệp cạnh tranh toàn cầu.
Ví như cách đây vài năm, vụ tương ớt của một doanh nghiệp lớn trong nước đã bị Nhật Bản công bố thu hồi. Thời sự nhất là một số lô sản phẩm mì, miến của hai doanh nghiệp trong nước bị một số quốc gia châu Âu thu hồi do hàm lượng chất hàm lượng hợp chất Etylen oxide vượt quá giới hạn dư lượng cho phép trong thực phẩm theo quy định của EU.
Từ sự việc mì tôm Hảo Hảo bị thu hồi tại Ireland, nhiều ý kiến cho rằng các bộ, ngành hữu quan và các DN ngành thực phẩm, đồ uống lẽ ra phải truyền thông đầy đủ tới người tiêu dùng từ lâu, chứ không phải khi hữu sự mới lao vào tìm hiểu. Đó là, chất EO (ETO) được dùng nhiều để khử trùng, kể cả tẩy rửa nguyên liệu thực phẩm. Liên minh châu Âu (trong đó có Ireland) không chấp nhận thực phẩm đóng gói chứa EO nhưng một số thị trường lớn - như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc - thì chấp nhận.
Ở Việt Nam, Theo Thông tư 50/2016/TT-BYT của Bộ Y tế thì EO là chất không thuộc danh mục được quy định về giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Và vì thế, xét về các tiêu chuẩn an toàn của Việt Nam thì các loại mì, bún được cảnh báo vừa qua lại đang sản xuất theo đúng các quy định .
Một chuyên gia hoá thực phẩm nhiều năm làm trưởng bộ phận QC (Kiểm soát chất lượng) cho một DN thực phẩm cho hay, do sự phức tạp của hệ thống các biện pháp, quy định của các nước, khu vực nên đôi khi việc không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu cũng có thể xảy ra, kể cả ở những tập đoàn đa quốc gia có uy tín.
Tuy nhiên, để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ về các quy định, các biện pháp hàng rào kỹ thuật về TBT (biện pháp TBT), các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật (biện pháp SPS) liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn.
Điều đó sẽ giảm thiểu tối đa cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu đi nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.
Theo HÀ DUY (Vietnamnet)