
(Nguồn: Internet)
Vào buổi sáng và chiều tối, những điểm bán thức ăn đường phố hoạt động “hết công suất” để phục vụ thực khách, với những món ăn phổ biến, như: Bánh mì, bún, cơm, mì, hủ tiếu, cháo... Em Nguyễn Thị Cẩm Thu (TP. Long Xuyên) cho biết: “Sau những buổi học, em và bạn bè thường đi ăn vặt tại các quán vỉa hè, vì vừa túi tiền học sinh. Ngoài ra, em thấy thức ăn cũng khá ngon, người đến ăn cũng nhiều, nên em nghĩ không có vấn đề gì”.
Tương tự chị Lê Thị Châu Pha (huyện Châu Thành) chia sẻ: “Vợ chồng tôi đều làm công nhân, nhiều hôm tăng ca về khuya, chúng tôi thường ghé các quán vỉa hè ăn vì cũng ngại nấu nướng. Theo tôi, thức ăn ở các hàng quán này khá rẻ và ngon”. Còn em Trần Minh Thuận (sinh viên Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Vừa đi học, đi làm thêm, thời gian khá bận, nên em thường mua thức ăn ngoài đường ăn cho tiện. Giá cả hợp túi tiền sinh viên, lại có nhiều món, có thể thay đổi khẩu vị”.
Bên cạnh những tiện ích, thức ăn đường phố cũng kèm theo mối lo lắng về chất lượng và nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đặc điểm thức ăn đường phố thường phục vụ ở những nơi đông người qua lại, nên không khí xung quanh thường bị ô nhiễm, bụi bẩn… Đây là điều kiện dễ gây ô nhiễm thức ăn, nhất là những loại thức ăn chế biến sẵn, thời gian bày bán kéo dài. Một số người buôn bán thức ăn ở lề đường, vỉa hè chưa nhận thức hết tác nhân gây ô nhiễm thức ăn, chưa được trang bị những kiến thức cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Nhiều người bán chiên thực phẩm trong chảo dầu đã chuyển màu đen; thịt nướng ngay giữa đường, khói bụi mù mịt; người bán dùng tay trần để chế biến, cầm tiền rồi bốc thực phẩm; tô, chén được rửa ngay tại vỉa hè với lượng nước ít ỏi…
Từng là nạn nhân bị ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố, nên chị Nguyễn Thị Hường (TP. Long Xuyên) rất cẩn trọng trong việc ăn uống. “Trong một lần ăn bánh ngọt của một gánh hàng rong bán trên đường, tôi đau bụng dữ dội kèm nôn ói và được người thân đưa vào bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ nói tôi bị ngộ độc thực phẩm. Từ đó về sau tôi rất kỹ tính trong việc ăn uống và nơi mua đồ ăn” - chị Hường cho biết.
Để đảm bảo an toàn khi sử dụng thức ăn đường phố, phòng ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm, người sản xuất - kinh doanh thực phẩm phải có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Người dân cần cẩn trọng khi lựa chọn thức ăn đường phố, để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm cho bản thân và gia đình.
THANH THANH