Đợt nắng nóng của tuần này diễn ra sau nhiều hiện tượng thời tiết bất thường khác trên khắp nước Mỹ trong mùa Đông này - từ những cơn mưa "sông khí quyển" đổ xuống bang California với lượng nước bằng cả một năm chỉ trong vài giờ, đến lớp băng bao phủ trên các Hồ Lớn ở mức thấp kỷ lục.
Các nhà dự báo thời tiết cho rằng kiểu thời tiết hiện nay khó lường do biến đổi khí hậu, và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt đang diễn ra thường xuyên hơn. Giới khoa học cho rằng hiện tượng El Nino cũng góp phần vào những thay đổi bất thường này.
Ông Joe Wegman, nhà khí tượng học thuộc Cục Thời tiết quốc gia Mỹ, lý giải bức xạ Mặt Trời kết hợp với gió ấm thổi lên từ Vịnh Mexico khiến nhiệt độ tại một số khu vực tăng lên mức cao kỷ lục. Đợt nắng nóng này sẽ nhanh chóng di chuyển về miền Đông nước Mỹ và chấm dứt khi tiến vào Đại Tây Dương vào ngày 29/2.
Tuy nhiên, ông Wegman cho biết trong ngày 26/2, một số địa điểm có thời tiết ấm bất thường sẽ bị ảnh hưởng do một đợt không khí lạnh tràn về vào 27/2. Điển hình là Grand Forks, North Dakota, nơi nhiệt độ cao nhất vào ngày 26/2 là gần 13 độ C, sau đó sẽ giảm mạnh xuống còn khoảng -12 độ C vào ngày 27/2.
Trong khi đó, các nhà khoa học thuộc phòng thí nghiệm nghiên cứu môi trường Hồ Lớn của Cục Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ cho biết lượng băng bao phủ trên các hồ đang ở mức thấp kỷ lục. Băng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái của các Hồ Lớn. Băng giúp chống xói mòn bờ do sóng lớn thường gặp vào mùa Đông và bảo vệ trứng của một số loài cá.
Theo báo cáo của phòng thí nghiệm trên vào tuần trước, do thời tiết ấm hơn, lượng băng bao phủ trên các Hồ Lớn đã giảm 5% mỗi thập kỷ, đồng nghĩa đã giảm 25% trong giai đoạn từ năm 1973 đến năm 2023.
Theo TTXVN