Biểu tượng tinh thần
Miếu Bằng Lăng tọa lạc tại ấp Phú Hiệp, thị trấn Chợ Vàm (Phú Tân, An Giang), được người dân đặt niềm tin tâm linh sâu sắc. Đặc biệt, 3 cây bằng lăng phía sau miếu gắn liền với lịch sử khai phá, phát triển của vùng đất Phú Lâm - Chợ Vàm nói riêng và huyện Phú Tân nói chung. Ngôi miếu nhỏ nằm giữa không gian thoáng mát bao trùm bởi cây cối xanh tươi quanh năm.
Lược sử ngôi miếu do các bô lão trong vùng sưu tầm ghi chép, nhiều nhất qua lời kể của ông Phan Văn Thúc (93 tuổi). Khoảng năm 1859, có 4 người trạc ngũ tuần từ miền Trung vào, trên vai mang túi vải cùng 1 tấm ảnh bằng giấy cứng, ngang 1,5m, chiều đứng 1m.
Trong ảnh là 7 bà tuyệt sắc giai nhân, 1 bà ngồi giữa hình lớn, tương truyền là bà Thiên Hậu (Thượng Động Cố Hỷ), còn 6 hình nhỏ, mỗi bên ngồi 3 bà là tì nữ. Theo ước đoán, đây là địa danh cùng cơ duyên sẵn có nên 4 ông muốn giao cho bức ảnh để lập miếu thờ bà.
Mặt tiền miếu Bằng Lăng
Lúc bấy giờ, ông Trần Hữu Quận (thân phụ của ông Hội đồng Trần Hữu Lân) đương kiêm Phó Tổng An Lạc, đứng ra đảm trách nhận bức ảnh và cất lên 1 ngôi miếu lá để thờ cúng hàng năm (ngày 15 và 16 tháng 3 âm lịch).
Ngôi miếu dựng trên đất của ông tại xã Phú An cũ giáp ranh đình làng Phú Lâm cũ. Đồng chung quan niệm thờ kính các đấng thiêng liêng, hàng năm đáo lệ cúng bà, người dân xã Phú Lâm thường đến đây dâng lễ.
Trải qua thời gian, ngôi miếu dời chỗ 3 lần và cất sửa lại khang trang hơn. Năm 1926, lần di dời cuối cùng, bức ảnh 7 bà cũng không còn vì bị phai mờ, hư rách, chánh điện chỉ lưu chữ “Thiên Y Tiên Nương”.
Ngôi miếu đã 149 năm, không bỏ dở một lệ cúng nào, việc phụng sự khói hương không hề gián đoạn, có người thay nhau quản lý cùng tu bổ xây dựng.
Tự hào lịch sử
Từ năm 1926-1945, miếu Bằng Lăng “biến” thành trường học ấp Phú Hữu do 2 vị ân nhân chống nạn mù chữ của ấp là cố Cai tổng Phan Văn Khải và cố Hương cả Phan Tự Trọng cùng một số bà con trong tông tộc đứng ra xin Tỉnh trưởng Châu Đốc.
Suốt 19 năm, trường đã đào tạo ra nhiều nhân tài, đa số là cán bộ cấp cao, điều khiển phong trào trú ẩn hoạt động cách mạng. Trong đó có thể kể đến một số cán bộ như: Nguyễn Văn Chữ, Lương Văn Tập, Phan Văn Đua, mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Yết, ông Thống, Phan Văn Gìn, Đỗ Văn Hẳng…
Trong 2 thời kỳ chống Pháp và Mỹ, vị trí ngôi miếu là một địa thế hiểm trở vì cách lộ hơn 200m, cây cối rậm rạp, thích hợp để trú ẩn. Mỗi năm có 6 tháng khô và 6 tháng ngập nước, sau miếu còn có hố nước dài hơn 1.000m thuận tiện ra vào, lên xuống bằng xuồng, lại hay về việc hóa trang giăng câu, bắt cá…
Năm 1940, nơi đây trở thành cơ sở ẩn nấp tổ chức Ban Điều tra, bắt những phần tử phản quốc làm Việt gian cho Pháp cùng khám phá nhiều tài liệu quan trọng. Thành phần trong ban có các ông: Lê Văn Đô (Trưởng ban), Trọng, Chu, Lến, Phạm Văn Cương. Năm 1942, bác Sỏi (Trưởng Quân khu 9 miền Tây Nam Bộ) chủ trì lễ tế chiến sĩ tại miếu.
Đến năm 1950 - thời kỳ chống Mỹ, cán bộ tiếp tục phối hợp tổ chức lực lượng chống Mỹ - Ngụy. lịch sử Đảng bộ thị trấn Chợ Vàm ghi nhận, miếu Bằng Lăng từng là nơi diễn ra hội nghị của Ban cán sự tỉnh Châu Đốc bàn kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa Nam Kỳ 1940.
Người địa phương còn kể nhau nghe chuyện mẹ Việt Nam Anh hùng Phan Thị Yết đến đây ẩn náu làm cách mạng. Nhờ sau lưng miếu có 3 cây bằng lăng lâu năm, bộng cây to có thể chứa được 4-5 người. Kẻ địch thấy địa thế hiểm trở, thêm sợ chuyện tâm linh nên không dám lui tới.
3 cây cổ thụ bằng lăng phía sau miếu Bằng Lăng
Miếu Bằng Lăng ngày nay vẫn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng dân gian và là “di tích lịch sử” đáng tự hào và trân trọng trong lòng người dân. Bà con càng phấn khởi vì 3 cây bằng lăng cổ thụ tại miếu đã được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”.
Ông Cao Thanh Hùng, Phó Trưởng ban Tế tự miếu cho biết, không ai rõ về gốc tích cây tự mọc hay được trồng, dù lâu năm nhưng luôn xanh tốt, đến mùa trổ hoa rất đẹp. Những chuyện kỳ lạ khó lý giải ở 3 cây đại thụ càng khiến người dân tin tưởng về mặt tâm linh mà không dám tự tiện bẻ cành, hoa và góp phần gìn giữ “tài sản”, biểu tượng vẻ đẹp của ngôi miếu trường tồn.
MỸ HẠNH