Du khách quốc tế tham quan Khu du lịch Tràng An, Ninh Bình thời điểm chưa có dịch. Ảnh: MINH ĐỨC
Theo thống kê năm 2019 - thời điểm trước khi có dịch Covid-19, Việt Nam đón khoảng 18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt 726.000 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù lượng khách quốc tế chỉ chiếm 20% nhưng đóng góp doanh thu ước đạt hơn 400.000 tỷ đồng. Điều này có nghĩa, thị trường quốc tế có vai trò quyết định đối với việc phục hồi du lịch. Trong bối cảnh nước ta thống nhất chuyển từ trạng thái “không có Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, việc từng bước mở cửa trở lại du lịch quốc tế là bước đi cần thiết để không bỏ lỡ lợi thế cạnh tranh và cơ hội phục hồi, nhất là khi một số quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore đã đưa ra nhiều chính sách tái mở cửa biên giới để thu hút du khách quốc tế.
Mới đây, tại buổi làm việc với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh, lộ trình phục hồi hoạt động du lịch quốc tế cần khẩn trương nhưng phải được triển khai an toàn, khoa học. Bộ đề xuất quá trình khôi phục hoạt động du lịch theo ba giai đoạn. Giai đoạn một (từ tháng 11/2021) thí điểm đón khách quốc tế theo chương trình trọn gói thông qua các chuyến bay thuê bao, chuyến bay thương mại tại TP Phú Quốc (Kiên Giang), Cam Ranh (Khánh Hòa), Quảng Nam, Đà Nẵng. Giai đoạn hai (từ tháng 1/2022) sẽ mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế, kết nối các điểm đến thông qua các chuyến bay thuê bao và quốc tế thường lệ. Giai đoạn ba (từ quý II/2022) mở cửa lại hoàn toàn thị trường khách quốc tế với điều kiện bảo đảm các phương án phòng, chống dịch theo quy định. Tại Kế hoạch số 200/KH-UBND của UBND tỉnh Kiên Giang về thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc sử dụng “hộ chiếu vắc-xin” vừa được ban hành đã quy định rõ: Khách du lịch phải được lựa chọn từ những quốc gia, vùng lãnh thổ có độ an toàn cao về phòng, chống dịch; có chứng nhận tiêm đủ liều vắc-xin hoặc đã khỏi bệnh, có xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi xuất cảnh theo yêu cầu; trẻ em dưới 18 tuổi phải có giấy xét nghiệm với yêu cầu như trên, đi cùng cha mẹ, hoặc người giám hộ đã được tiêm chủng đầy đủ theo quy định; có vé máy bay khứ hồi, có đăng ký tham gia chương trình tour du lịch trọn gói của doanh nghiệp lữ hành, có mua bảo hiểm y tế. Theo các chuyên gia, những yêu cầu nhằm bảo đảm đón khách quốc tế an toàn của Việt Nam đã khá chặt chẽ và tương đối đầy đủ, nhưng vẫn cần cụ thể hóa hơn ở một số hạng mục để tăng tính chủ động và khả năng xử lý rủi ro.
Du khách nước ngoài trải nghiệm trò chơi truyền thống tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (TP Hà Nội). Ảnh: MỸ HÀ
Vừa qua, trên cơ sở phân tích kế hoạch mở lại du lịch quốc tế ở một số quốc gia, nhóm nghiên cứu của Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) đã đưa ra một số đề xuất, khuyến nghị để nâng cao mức độ an toàn, bền vững trong triển khai đón khách quốc tế ở Việt Nam. Ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký TAB cho biết: Trên thực tế, sau khi Phuket, Thái Lan mở cửa đón khách du lịch quốc tế thì số ca lây nhiễm mới bình quân hằng ngày đã tăng cao hơn so với ngưỡng dự kiến ban đầu và gây ra nhiều lo ngại. Trong danh sách các quốc gia có thể đưa khách tới Phuket, nhiều nước có số ca lây nhiễm mới tính trên một triệu dân khá cao, đây có thể là nguyên nhân làm tăng số ca lây nhiễm mới. Vì thế, rút kinh nghiệm từ Thái Lan, Việt Nam nên có những tiêu chí cụ thể để lựa chọn thị trường khách du lịch quốc tế như: ưu tiên các nước có lượng khách đến Việt Nam nhiều, mức chi tiêu trung bình cao, có không quá 350 ca nhiễm mới/triệu dân trong 7 ngày trước đó, không có các biến thể mới đáng lo ngại, có tiến độ tiêm chủng cao. Du khách phải đến từ các nước đã được phê duyệt và ở các quốc gia này không ít hơn 21 ngày trước ngày khởi hành, danh sách các nước đạt tiêu chí cần cập nhật hằng tuần. Bên cạnh đó, các chuyên gia TAB cũng đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bảo hiểm liên quan Covid dành cho du khách. Thái Lan, Singapore đều quy định du khách phải mua bảo hiểm bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe, điều trị Covid trong suốt thời gian ở nước này. Vì thế, thay vì yêu cầu du khách phải có bảo hiểm du lịch hay bảo hiểm y tế như thông thường, Việt Nam cũng cần có quy định rõ ràng về mức bảo hiểm dành cho điều trị Covid để tránh những hệ lụy xấu nếu du khách bị lây nhiễm trong khi đi du lịch Việt Nam.
Tổ chức Du lịch thế giới đã khuyến nghị một số nguyên tắc mở lại du lịch quốc tế, trong đó có yêu cầu liên quan việc cài đặt và khai báo y tế thông qua ứng dụng điện thoại nhằm bảo đảm du lịch an toàn, thông suốt. Do đó, yếu tố công nghệ cần được đẩy mạnh trong quá trình đón, phục vụ khách du lịch tới Việt Nam. Ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn” do Tổng cục Du lịch xây dựng với nhiều tính năng tích hợp cần được bảo đảm về tính pháp lý, bảo mật thông tin cá nhân, đã qua thử nghiệm và được kết nối, chia sẻ thông tin với các hệ thống dữ liệu y tế, dân cư, tiêm chủng… Do dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường nên các chuyên gia TAB cho rằng nên thành lập một Tổ công tác đặc biệt với thành phần bao gồm đại diện của khu vực công, tư và Ban thư ký TAB để hoạt động điều hành trực tuyến, thường xuyên cập nhật tình hình, đưa ra các quyết định kịp thời. Chẳng hạn như cập nhật hằng tuần danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ có khách du lịch đến Việt Nam, đưa ra khuyến nghị tạm thời hạn chế việc đi lại từ một quốc gia nếu tình hình dịch tễ ở đó xấu đi; hoặc tư vấn thay đổi quy trình, xử lý các tình huống khẩn cấp. Tổ công tác sẽ thực hiện hoặc hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện các báo cáo hằng tháng trình Chính phủ, đồng gửi các bộ, ngành liên quan để đúc kết các bài học, đề xuất cải thiện quy định, quy trình vận hành chương trình thí điểm, mở cửa du lịch quốc tế…
Theo VIỆT ANH (Báo Nhân Dân)