
Núi Cấm sở hữu khung cảnh non nước hữu tình
Tiềm năng phong phú
Với độ cao hơn 700m so mực nước biển, núi Cấm sở hữu khí hậu mát mẻ quanh năm. Bởi yếu tố đặc trưng này, núi Cấm là điểm nhấn khác biệt hoàn toàn so với phần còn lại của đồng bằng châu thổ Cửu Long. Cũng bởi cái lạnh đặc trưng, nhất là vào những tháng cuối năm, núi Cấm phảng phất chút gì đó của Đà Lạt mộng mơ. Với du khách, đến núi Cấm vào thời điểm cuối năm là lý tưởng nhất. Khi đó, bạn được đắm chìm vào khung cảnh thơ mộng với màn mây bao phủ khắp không gian.
Chị Dương Thị Thu Thủy - du khách đến từ TP. Cần Thơ chia sẻ: “Tôi có dịp đến núi Cấm để tận hưởng khí hậu đặc trưng. So với Đà Lạt, núi Cấm không có những đồi thông trập trùng nhưng không khí lạnh thì khá giống. Hơn nữa, nơi này còn giữ được vẻ hoang sơ, thích hợp với những ai muốn tìm cảm giác hòa mình với thiên nhiên. Sự bình yên ở núi Cấm giúp tôi tìm lại cân bằng sau những áp lực bộn bề của cuộc sống”.
Theo chị Thu Thủy, đây là lần thứ hai chị đến với “nóc nhà miền Tây”, lần trước là để hành hương, chiêm bái các đấng siêu nhiên cùng gia đình. Lần này, chị lưu lại trên núi một đêm để tận hưởng khí hậu trong lành, ngắm những đám mây lổm ngổm bò trên những vạt rừng phía xa vào buổi bình minh. Dịch vụ lưu trú trên núi Cấm thu hút du khách, nhất là với những người tìm kiếm sự an yên.
Đến với núi Cấm, du khách còn được tận hưởng phong cảnh non nước hữu tình, trong đó, Khu trung tâm hành hương hồ Thủy Liêm là điểm nhấn về cảnh quan, làm say đắm lòng người. Đến đây, bạn được chiêm bái các đấng siêu nhiên ở những ngôi chùa nổi tiếng như Phật Lớn, Vạn Linh.
Đặc biệt, núi Cấm còn có tượng Phật Di Lặc được Tổ chức Kỷ lục châu Á công nhận là tượng Phật Di Lặc lớn nhất trên đỉnh núi ở châu Á” năm 2013. Với chiều cao 33,6m, tổng trọng lượng cả nền và vỏ tượng nặng 1.700 tấn, đây là công trình Phật giáo nổi tiếng của An Giang, góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tâm linh của núi Cấm hơn 20 năm qua.
Đa dạng hóa sản phẩm
Nhận thấy tiềm năng phong phú của núi Cấm, đơn vị quản lý cũng như địa phương nỗ lực đa dạng hóa sản phẩm du lịch trên “nóc nhà miền Tây”. Ban Quản lý Khu du lịch Núi Cấm phối hợp các đơn vị, ngành chuyên môn mở mới nhiều sản phẩm du lịch phục vụ du khách. Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch núi Cấm Đinh Văn Chắc thông tin: “Chúng tôi tích cực phát triển các sản phẩm du lịch tại núi Cấm như trekking, trải nghiệm, sinh thái theo mùa… và nhận kết quả tích cực. Cùng với đó, chúng tôi còn có các hoạt động phục vụ du khách lưu trú đêm trên núi Cấm như đêm nhạc acoustic “Tình ca Thiên Cấm Sơn”, các hoạt động kinh tế của người dân… Đặc biệt, Lễ hội hoa đăng Thiên Cấm Sơn lần I - Xuân Ất Tỵ 2025 thu hút hàng chục ngàn du khách tham dự”.
Cùng với đó, Ban Quản lý Khu du lịch Núi Cấm đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo thêm các điểm check-in cho du khách, dọn vệ sinh môi trường, trồng các loại hoa… giúp cảnh quan khu du lịch ngày càng tươi đẹp; phối hợp Ủy ban nhân dân xã Núi Cấm, lực lượng công an đảm bảo tốt an ninh, trật tự, an toàn giao thông nhằm tạo sự yên tâm cho du khách.
“Hiện chúng tôi phối hợp Tập đoàn Sao Mai đưa vào vận hành tuyến xe điện đưa rước du khách tại Khu trung tâm hành hương hồ Thủy Liêm, giúp du khách thuận tiện hơn, tạo sự chuyên nghiệp trong hoạt động của khu du lịch. Thời gian tới, Ban Quản lý Khu du lịch Núi Cấm tiếp tục phối hợp Tập đoàn Sao Mai, Ủy ban nhân dân xã Núi Cấm có giải pháp đầu tư hạ tầng phục vụ du lịch, tạo sức bật cho khu du lịch để du khách hài lòng hơn khi đến với ngọn Thiên Cấm Sơn hùng vĩ”, ông Đinh Văn Chắc nhấn mạnh.
Từ nỗ lực của đơn vị quản lý, sự quan tâm của địa phương cùng ngành chuyên môn giúp núi Cấm ngày càng thu hút đông đảo du khách. Năm 2025, Khu du lịch Núi Cấm được Hiệp hội Du lịch đồng bằng sông Cửu Long tái công nhận là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực. Đây là kết quả tích cực, khẳng định bước phát triển mới trong nỗ lực khai thác tiềm năng, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch trên “nóc nhà miền Tây”. Đến ngày 11/7, Khu du lịch Núi Cấm đón hơn 434.000 lượt du khách lên núi bằng đường bộ để tham quan, chiêm bái, trải nghiệm. |
Bài và ảnh: THANH TIẾN