"Mở cửa" mộ cổ 41.000 năm, phát hiện hài cốt là... một loài người khác

11/12/2020 - 08:31

Ngôi mộ cổ là bằng chứng sống động cho thấy không phải chỉ có người Homo sapinens chúng ta là có phong tục chôn cất người chết.

Nghiên cứu vừa công bố trên tạp chí khoa học Scientific Reports của Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS), Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia (Pháp) và Đại học Basque Country (Tây Ban Nha) đã hé lộ những chi tiết đáng kinh ngạc khi tiến hành khảo sát lại những mảnh hài cốt được khai quật nửa thế kỷ trước.

Trong những năm 1970, hàng ngàn bộ xương cổ đại, bao gồm 47 mảnh xương thuộc về một đứa trẻ đã được đem về Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia (Pháp). Đứa trẻ đó đã được xác định là một người Neanderthals, tức loài "anh em" đã tuyệt chủng của người hiện đại Homo sapiens chúng ta.

Các mảnh hài cốt hóa thạch của đứa trẻ Neanderthals đang được lọc ra từ đá trong ngôi mộ cổ bí ẩn - Ảnh: BẢO TÀNG LỊCH SỬ TỰ NHIÊN QUỐC GIA PHÁP

Kết quả xét nghiệm bằng các kỹ thuật hiện đại còn cho thấy đứa trẻ đã khoảng 41.000 năm tuổi, tức sống vào thời kỳ người Neanderthals và con người hiện đại cùng chung sống ở châu Âu.

Lần tìm lại địa điểm khai quật là hang động La Ferrassie Dordogne nổi tiếng ở Pháp, người ta đã tìm lại được mộ phần của đứa trẻ. Hài cốt này được vùi trong một lớp trầm tích có độ nghiêng về phía Tây, trong khi địa tầng tự nhiên của khu vực nghiên về phía Đông Bắc. Điều đó có nghĩa một chiếc hố đã được đào để đặt đứa trẻ xuống!

Theo Sicence Daily, các tác giả cho rằng điều này đã phá vỡ các giả thuyết cho rằng nghi lễ an táng, đào mộ là sở hữu riêng của người Homo sapiens, còn các loài người khác đã tuyệt chủng chỉ đơn giản để lại người chết ở đâu đó và ra đi như đa số động vật trên Trái Đất. Ngôi mộ cổ cũng tiết lộ bộ xương đã được đặt vào rất cẩn thận, thể hiện một phong tục nghiêm túc và đã được thực hành thuần thục.

Đây cũng là một bằng chứng khác góp phần tái hiện chân dung một loài người Neanderthals văn minh, chứ không hề là các vượn nhân hình kém phát triển như suy nghĩ trước đây. Trong vài năm nay, các nhà khảo cổ liên tiếp tìm được các bằng chứng cho thấy họ từng phát triển không kém cạnh chúng ta, bao gồm một số kỹ năng quan trọng có khi còn xuất hiện sớm hơn như kỹ năng dệt sợi, luyện đá bằng lửa (tiền thân của luyện kim).

Theo THU ANH (Người lao động)