Cô Nguyễn Huỳnh Kiên Trinh là giáo viên môn Anh văn của Trường THCS Phú Bình (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang). Khi được trở lại trường học để dạy trực tiếp, cô cho biết, cảm giác đầu tiên là rất vui vì cô luôn mong mỏi được gặp học sinh, bao gồm những em ở lớp học trước và tiếp cận những học sinh lớp mới.
"Sau 1 tuần dạy trực tiếp, cảm nhận chung là mọi nhiệm vụ diễn ra phù hợp, không đến nỗi áp lực. Thời gian đầu, Ban Giám hiệu sắp xếp cho giáo viên ôn lại kiến thức cơ bản mà các em đã học trước đó. Sự phân công cho các buổi dạy tiếp theo khá hợp lý. Nếu dạy trực tiếp và trực tuyến chung buổi thì tôi trang bị đầy đủ máy móc. Trường có đầy đủ hệ thống wifi để phục vụ tốt nhất cho công việc dạy trực tuyến, thời gian chuyển giữa các tiết nhờ vậy được hợp lý và nhịp nhàng” - cô Trinh chia sẻ.
Cô Trinh hiện đang dạy trực tuyến đối với khối lớp 6 và dạy trực tiếp với khối lớp 9. Cô cho biết, đối với việc củng cố kiến thức đã học trong thời gian dạy trực tuyến, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn phối hợp để sắp xếp những em chưa tiếp cận nhanh được ngồi chung các em học khá, giỏi để hỗ trợ nhau. Trong quá trình dạy nội dung học kỳ 2, những kiến thức liên quan học kỳ 1 sẽ được nhắc lại cho học sinh theo dõi, nắm bắt kịp chương trình. Học sinh rất háo hức, còn giáo viên cũng vui. Sau thời gian ngồi học một mình ở nhà, các em tâm sự rất buồn, đến lớp được gặp bạn bè, thầy cô để hỗ trợ lẫn nhau sẽ tốt hơn học trực tuyến.
Dạy song song hình thức trực tiếp và trực tuyến tại trường
Đối với bà Trần Thị Thố (xã Tân An, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang), khi 2 trong số 3 đứa cháu (học lớp 3, lớp 7 và lớp 9) trở lại lớp học trực tiếp, bà như trút được gánh nặng. “Chỉ chuyện nhắc nhở tụi nhỏ học bài đúng giờ và ngồi “canh” để chúng không lơ là khỏi màn hình điện thoại đã thấy mệt rồi. Chưa kể việc kiểm tra xem có làm bài, học bài, trả bài cho thầy, cô… đầy đủ không. Người lớn tuổi và không rành công nghệ như tôi sao quản hết được. Dù sao tới trường học, theo giờ giấc ổn định, có giáo viên kèm cặp thì học sinh sẽ ngoan hơn, tự giác hơn. Vì vậy, tôi rất đồng tình cho học sinh học trực tiếp trở lại” - bà Thố trần tình.
Sau 1 tuần tổ chức học trực tiếp đối với các khối lớp 7, 8, 9, 10, 11 và 12 trên địa bàn, UBND tỉnh nhận định việc mở cửa trường học, đón học sinh các cấp trở lại học trực tiếp là phù hợp và cần thiết. “Cùng với cả nước, An Giang đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện cần thiết cho học sinh trở lại trường học trực tiếp một cách an toàn, đảm bảo cho mỗi học sinh thực sự thích ứng an toàn, đủ sức khỏe, tự tin và hào hứng học tập trong tình hình mới” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước nhấn mạnh.
Đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine trong toàn ngành giáo dục của tỉnh đạt 99,8%. Trong đó, đối với học sinh THPT đã tiêm đạt tỷ lệ 98,26%; THCS đạt tỷ lệ 94,02%. Qua theo dõi 3 ngày đầu tiên triển khai thực hiện, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp tại trường đạt khá cao (chiếm 97%), riêng tỷ lệ đi học của cấp THPT đạt trên 98%.
Ông Lê Văn Phước thông tin, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được kiểm soát, đảm bảo “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa kiên trì chất lượng giáo dục và đào tạo (GD&ĐT). Tỉnh đã có chủ trương tiếp tục cho học sinh lớp 6 và học sinh bậc tiểu học trở lại trường học trực tiếp từ ngày 21-2-2022. Đồng thời, chuẩn bị chu đáo từng bước để đón học sinh mầm non đến trường học trực tiếp trong thời gian sớm nhất theo phương châm “Đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh”.
UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp Sở Y tế và các địa phương khẩn trương xây dựng phương án mở cửa trường học đảm bảo an toàn, hiệu quả, khoa học, có lộ trình phù hợp. Tinh thần là mở cửa sớm nhất có thể, nhưng đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, giảm tối đa lo lắng của phụ huynh. Địa phương và các đơn vị trường học đã chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện học tập, vệ sinh trường lớp. Cùng với đó, sẵn sàng phương án, kịch bản phòng, chống dịch; phương án xử lý các tình huống khi có ca nhiễm COVID-19 trong trường học; lập danh sách học sinh học trực tiếp và trực tuyến; thực hiện cam kết với gia đình, phụ huynh học sinh đối với các trường hợp học sinh chưa tiêm vaccine…
Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, việc dạy học trong điều kiện hiện nay là nhiệm vụ lâu dài, tỉnh An Giang quán triệt thống nhất trong các ngành, địa phương và đơn vị trường học. Bên cạnh những chỉ đạo chung theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT, Sở Y tế, mỗi địa phương đã nghiên cứu áp dụng biện pháp linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế. Tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục, trường học trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi học sinh trở lại trường học trực tiếp. Ngoài ra, sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của xã hội, nhất là phụ huynh học sinh để phối hợp cùng ngành giáo dục đưa con em trở lại trường học an toàn.
MỸ HẠNH