Mô hình chăm sóc thay thế trẻ em

01/04/2024 - 08:08

 - Trên địa bàn tỉnh An Giang có hơn 4.600 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, đây là nhóm đối tượng thiệt thòi, đòi hỏi được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn so với bạn bè đồng trang lứa. Nhằm hỗ trợ và tạo điều kiện cho các em tiếp cận các dịch vụ xã hội, trẻ phát triển và hòa nhập cộng đồng, tỉnh đã triển khai mô hình chăm sóc trẻ thay thế cho trẻ có hoàn cảnh đặc biệt. Mô hình đang hoạt động và có tín hiệu tích cực tại các xã, phường, thị trấn, trong đó TP. Châu Đốc là “điểm sáng” điển hình.

Cha mẹ ly dị và bỏ đi, 2 em Trần Thị Ngọc Nhi và Trần Thị Kim Yến (phường Núi Sam, TP. Châu Đốc) được ông bà nội nuôi dưỡng từ nhỏ. Mấy năm trước, bà nội qua đời, còn lại một mình ông nội gần 80 tuổi là chỗ dựa cho 2 chị em. Kế sinh nhai duy nhất của 3 ông cháu là xe bánh mì, bán từ sáng đến tối.

Ông Nguyễn Văn Thanh (ông nội của 2 đứa trẻ) chia sẻ: “Hai đứa nhỏ học giỏi, tôi mừng lắm. Tôi đau bệnh hoài, làm ra đồng tiền khó lắm”. Hàng ngày, sau giờ học, chị em Ngọc Nhi phụ ông nội làm việc nhà. Cô bé ước mơ sau này học hành đến nơi đến chốn, sẽ trở thành một giáo viên. Do thiếu sự quan tâm của cha mẹ, lúc nhỏ 2 chị em vẫn chưa làm được giấy khai sinh. Đến tuổi đi học, địa phương hỗ trợ cho 2 em có giấy khai sinh.

Cách nhau 2 tuổi, nhưng Ngọc Nhi và Kim Yến cùng học lớp 2 tại Trường Tiểu học Nguyễn Hiền. Thiếu tình thương và sự chăm sóc của cha mẹ, bù lại có ông nội yêu thương, các cô chú hảo tâm thường xuyên thăm hỏi, hỗ trợ, 2 em rất chăm ngoan và học giỏi. Năm học vừa qua, 2 chị em đều đạt danh hiệu học sinh xuất sắc của trường.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung (cán bộ trẻ em phường Núi Sam) cho biết, thời gian qua, ngoài hỗ trợ thủ tục để Ngọc Nhi và Kim Yến đủ điều kiện đến trường, từ tháng 5/2023 đến nay, mỗi tháng, phường hỗ trợ nhu yếu phẩm và 500.000 đồng/em để tiếp sức cho 3 ông cháu. Hành trình lâu dài cho những trường hợp như trên rất cần có thêm những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ, động viên các em phấn đấu vượt nghịch cảnh.

Mô hình chăm sóc thay thể trẻ em được nhân rộng trên địa bàn TP. Châu Đốc

Còn em Đỗ Thị Kiều Oanh là trường hợp trẻ em được hỗ trợ do bị khuyết tật. Từ 4 tháng tuổi, Oanh có dấu hiệu chậm phát triển, được đưa đi khám và điều trị nhiều năm vẫn không cải thiện. Năm nay, Oanh 11 tuổi nhưng chỉ nói được vài từ, việc ăn uống sinh hoạt phải có người hỗ trợ.

Chị Trần Lâm Thu Duyên (chuyên viên Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP. Châu Đốc) cho hay, đơn vị tìm kiếm, kêu gọi nguồn tiếp sức và được Ngân hàng Kiên Long tài trợ nhu yếu phẩm hàng tháng để gia đình nuôi dưỡng em Oanh. Phòng LĐ-TB&XH còn kết nối với Trung tâm Công tác xã hội - Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh để hướng dẫn chăm sóc trẻ trong sinh hoạt hàng ngày.

Chị Thu Duyên thông tin, phường Châu Phú B (TP. Châu Đốc) có 51 trẻ em hoàn cảnh đặc biệt. Nhằm chăm sóc, hỗ trợ các em, từ năm 2022, phường triển khai kết nối chuyển gửi, tìm gia đình chăm sóc thay thế cho trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Thực hiện các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, cộng với nguồn vận động từ các nhà hảo tâm, phường đã hỗ trợ chăm sóc thay thế cho 8 trường hợp. Mô hình chăm sóc thay thế cũng được nhân rộng toàn TP. Châu Đốc với 20 hoàn cảnh trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được nhận chăm sóc.

Sau 5 năm, trên địa bàn tỉnh An Giang có 45 xã, phường, thị trấn triển khai mô hình chăm sóc thay thế. Có 192 trẻ em được nhận chăm sóc thay thế, kinh phí hỗ trợ gần 600 triệu đồng. Các em được quan tâm, chăm sóc về vật chất và tinh thần, được hỗ trợ làm các thủ tục nhận trợ cấp xã hội, hỗ trợ đi học… Mô hình còn có sự đồng hành từ 143 cá nhân, tổ chức giúp đỡ thường xuyên.

Trưởng phòng Trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH) Đặng Huy Châu cho hay, mô hình ra đời giúp đỡ cho nhiều trẻ em vượt qua khó khăn ban đầu. Tuy nhiên, các hoạt động của mô hình tương đối khó thực hiện và nguồn lực còn hạn chế. Do đó, cần tổ chức nhiều hơn nữa các lớp tập huấn ở các địa phương. Thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ tổ chức họp sơ kết để đánh giá, rút kinh nghiệm cho các phường, xã, thị trấn để nhân rộng sau này.

Với nỗ lực nâng cao tỷ lệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được hỗ trợ, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng nhân rộng mô hình, từng bước mở rộng chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, tạo cơ hội cho mọi trẻ em được bảo vệ, chăm sóc dưới các hình thức khác nhau. Trong đó, ưu tiên nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa mô hình để huy động nguồn lực từ cộng đồng hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, các cấp, ngành tăng cường phối hợp triển khai công tác tuyên truyền nhằm ngăn chặn phòng ngừa trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, tạo môi trường thuận lợi cho trẻ em phát triển toàn diện.

MỸ HẠNH