Mối liên hệ giữa tan băng với sự phát tán virus nguy hiểm ở Bắc Cực

08/11/2019 - 14:13

Băng tại Bắc Cực tan nhanh do Trái Đất ấm lên vốn đang đẩy nhiều loài động vật, trong đó có gấu Bắc Cực, vào chỗ chết hoặc phải thích nghi với môi trường sống mới. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo tình trạng này còn có nguy cơ khiến những động vật này đối mặt với nhiều bệnh nguy hiểm mới. Đây là nội dung trong nghiên cứu được công bố trên Scientific Reports ngày 7-11.

Băng tan tại Greenland. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Nghiên cứu do nhà khoa học Tracey Goldstein tại Đại học California tiến hành trong 15 năm và phát hiện bằng chứng cho thấy virus sài sốt hải cẩu (PDV), từng giết chết hàng nghìn con hải cẩu nhỏ ở Bắc Đại Tây Dương năm 2002, có liên quan đến sự xuất hiện của virus này trong rái cá biển ở ngoài khơi Alaska năm 2004.

Nghi phạm chính được cho là do diện tích băng Bắc Cực giảm làm thay đổi cơ bản môi trường sống cho cả động vật và con người. Theo nghiên cứu, những thay đổi môi trường không những ảnh hưởng đến nguồn thức ăn và hành vi của động vật mà còn khiến chúng phải tiếp xúc với nhiều mầm bệnh mới.

Tình trạng băng tan mở đường cho các loài động vật cùng những bệnh truyền nhiễm xâm nhập Bắc Cực. Bên cạnh đó, động vật và cả bệnh tật có thể di chuyển hoặc phát tán qua những kênh đào mới mở dọc miền Bắc nước Nga và Canada.

Nghiên cứu cho rằng PDV lây lan khắp Bắc Thái Bình Dương lên tới đỉnh điểm vào các năm 2003 và 2009 sau khi diện tích băng Bắc cực thu hẹp. Tác giả nghiên cứu kết luận các tuyến hàng hải qua Bắc cực cùng với số trường hợp nhiễm PDV gia tăng cho thấy thực trạng các mầm bệnh xâm nhập vào loài thú biển giữa Bắc Đại Tây Dương và Bắc Thái Bình Dương đã trở nên phổ biến hơn.

Theo NGUYỄN HẰNG (Báo Tin Tức)